Lãi suất có thể đảo chiều vào cuối năm

Trong báo cáo chiến lược nửa đầu năm 2023 mới công bố, Công ty cổ phần Chứng khoán Nhất Việt (VFS) dự báo lạm phát thế giới sẽ giảm đáng kể so với năm 2022 do nguồn cung thế giới được cân bằng lại đáng kể sau khi Trung Quốc mở cửa, trong khi đó nhu cầu tiêu dùng cũng hạ bớt trước nỗi lo về suy thoái.

Fed dự báo lãi suất cực đại của chu kỳ thắt chặt này là mức 5,1% thiết lập trong năm 2023, đà tăng lãi suất đã chậm lại, nhưng vẫn cao hơn so với dự báo của nhiều chuyên gia.

Chỉ số VN-Index sẽ diễn biến ra sao trong năm 2023?
Lượng giao dịch từ nước ngoài khó có thể bù đắp được thiếu hụt từ nhà đầu tư cá nhân với 80% tỷ trọng trên giá trị giao dịch. Do đó, sự tích cực từ nước ngoài không chắc chắn hỗ trợ thanh khoản thị trường tăng quá mạnh. Trong quý I/2023, dòng tiền từ nước ngoài sẽ tỏ ra tương đối tích cực, sau đó giao dịch giằng co.

Tuy nhiên, sẽ khó có đảo chiều chính sách do Ủy ban Thị Trường mở liên Bang (FOMC) vẫn lo ngại về các rủi ro liên quan đến lạm phát, vì vậy sẽ hướng đến mục tiêu chính sách thắt chặt đủ để lạm phát về mức 2%. Các chuyên gia phân tích của VFS cho rằng, có thể đến cuối 2023 và đầu 2024 Fed mới có thể nới lỏng chính sách tiền tệ.

Tại Việt Nam, lãi suất sẽ vẫn gặp áp lực tăng trong nửa đầu năm, nhưng có thể hạ nhiệt vào cuối năm. Trong bối cảnh Fed chưa có dấu hiệu đảo chiều chính sách và có thể tăng 1 - 1,5% trong năm 2023, áp lực lạm phát lớn cùng với thanh khoản thị trường vẫn ở trong trạng thái căng cứng.

"Chúng tôi dự báo lãi suất vẫn còn có thể tiếp tục tăng trong nửa đầu năm 2023. Có khả năng cuối năm 2023 áp lực lãi suất sẽ giảm khi áp lực tỷ giá giảm cho phép Ngân hàng Nhà nước bơm thanh khoản vào hệ thống và Ngân hàng Nhà nước sẽ có chính sách hiệu quả để giải quyết được bài toán thanh khoản" - các chuyên gia VFS dự báo.

Đội ngũ phân tích VFS đánh giá lãi suất điều hành có thể tăng trong năm 2023 với tốc độ chậm và kỳ vọng đảo chiều vào cuối năm nhờ các yếu tố tích cực về vị thế hiện tại của Việt Nam và thế giới.

Trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, áp lực trái phiếu đáo hạn đè nặng lên các doanh nghiệp khi giá trị trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đến hạn năm 2023 và 2024 chiếm gần 50% số TPDN đang lưu hành, ước tính gần 800 nghìn tỷ. Đây sẽ là mối nguy với các doanh nghiệp đang có đòn bẩy tài chính cao và kết quả kinh doanh kém như các doanh nghiệp bất động sản. Giá trị phát hành trái phiếu sẽ tiếp tục duy trì thấp khi khó khăn chưa tháo gỡ và niềm tin nhà đầu tư vẫn đang lung lay.

Đối với thị trường chứng khoán, VFS dự báo dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân sẽ tiếp tục bán ròng trong quý I/2023 và giao dịch giằng co thiên về xu hướng bán ròng nhẹ. Nhà đầu tư cá nhân có thể tham gia mua ròng tích cực hơn từ nửa cuối 2023 nếu thị trường chứng khoán chính thức thoát khỏi xu hướng giảm trung hạn.

Về dòng tiền ngoại, thống kê cho thấy tổ chức nước ngoài thường đẩy mạnh mua ròng ở các vùng giá thấp cho đến khi thị trường chứng khoán chính thức vào xu hướng tăng trung hạn.

VN-Index sẽ dao động trong vùng 950 - 1.250 điểm

Về diễn biến thị trường, P/E VN-Index ngày 31/12/2022 ở mức 10,46, thấp so với các thị trường trong khu vực như Thái Lan (17,76), Indonesia (12,59) cũng như các thị trường phát triển như Mỹ (20,46) và Anh (14,42). So sánh với các giai đoạn biến động trong quá khứ, P/E hiện tại của VN-Index vẫn ở mức thấp, tương đương với những vùng tạo đáy dài hạn của thị trường.

Dự báo tăng trưởng lợi nhuận sau thuế năm 2023 không quá khả quan với hơn 50% số ngành tăng trưởng không vượt quá hai chữ số và 20% số ngành tăng trưởng âm do kết quả kinh doanh năm 2022 hình thành mức nền cao và dự báo kinh tế khó khăn trong năm 2023.

Chỉ số VN-Index sẽ diễn biến ra sao trong năm 2023?
Chỉ số VN-Index sẽ diễn biến ra sao trong năm 2023. Ảnh: T.L

Trong kịch bản tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp trên sàn đạt 12% so với cùng kỳ với P/E 2023 của VN-Index là 9,34 lần, chỉ số sẽ dao động trong vùng 950 - 1.250 điểm.

Trong khi đó, theo báo cáo chiến lược của chứng khoán Yuanta Việt Nam, động lực tăng trưởng của nền kinh tế năm 2023 kỳ vọng tới từ một số yếu tố. Đó là hoạt động đầu tư công khi Chính phủ đang có động thái đẩy mạnh trở lại sau khi giá nguyên vật liệu đã hạ nhiệt so với đầu năm 2022; Trung Quốc đang dần loại bỏ chính sách “Zero Covid” sẽ bắt đầu mở cửa biên giới từ giữa tháng 1/2023, kỳ vọng mở cửa hoàn toàn vào quý II/2023, góp phần thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng, du lịch và lĩnh vực sản xuất; triển vọng ngưng thắt chặt chính sách tiền tệ ở các nước phát triển sẽ rõ ràng hơn từ giữa năm 2023 cũng như các yếu tố nền tảng vĩ mô trong nước ổn định hơn với kỳ vọng lạm phát hạ nhiệt, VND sẽ mạnh hơn so với năm 2022 và hoạt động xuất nhập khẩu sẽ tươi sáng hơn vào nửa cuối 2023, trong khi nguồn vốn FDI vẫn tiếp tục là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế trong trung và dài hạn.

Nhóm phân tích của Yuanta Việt Nam cũng đưa ra 3 kịch bản cho thị trường chứng khoán trong năm 2023 với kịch bản cơ sở có xác suất cao nhất. Theo đó, chỉ số VN-Index sẽ có diễn biến tích cực trong nửa đầu năm 2023 và có xu hướng đi ngang trong nửa cuối năm 2023 quanh mức 1.200 điểm.

Những nhóm ngành triển vọng

Các chuyên gia khuyến nghị, nhà đầu tư nên ưu tiên chiến lược phòng thủ trong 6 tháng đầu năm 2023 cho đến khi có thay đổi hành động điều hành chính sách tiền tệ mới từ Fed, với các nhóm ngành chú ý như: dầu khí, điện nước và khí đốt, tiêu dùng thiết yếu. Bên cạnh đó, các cậu chuyện chuyên biệt của thị trường cũng có thể mang lại cơ hội đầu tư trong năm 2023.

Nổi bật nhất là câu chuyện nhóm du lịch, hàng không hưởng lợi từ việc Trung Quốc mở cửa và đầu tư công với nhiều mục tiêu có thể đạt được trong năm 2023 khi các mục tiêu này chưa thể đạt được trong 3 năm trước đó do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Nhóm ngân hàng cũng là nhóm cổ phiếu được khuyến nghị trong giai đoạn này với mức tăng trưởng lợi nhuận dự báo là 16% trong năm 2023.