Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: Văn Chung |
Kinh tế lấy lại đà tăng trưởng, con đường phục hồi còn gập ghềnh Khó khăn không chùn bước, phấn đấu cả năm tăng trưởng 7% |
Doanh nghiệp phục hồi đóng góp tích cực cho ngân sách
Bất chấp những khó khăn, kinh tế Việt Nam đang đà hồi phục và có những điểm sáng, các chỉ tiêu tăng trưởng đã rõ nét hơn. Nền kinh tế tiếp tục đạt nhiều kết quả quan trọng. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, bội chi ngân sách nhà nước (NSNN), nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài thấp hơn nhiều phạm vi cho phép.
Nghiên cứu huy động 100.000 tỷ đồng trái phiếu phát triển hạ tầng chiến lượcThủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính triển khai hiệu quả các chính sách gia hạn, giảm thuế, phí, lệ phí; đẩy mạnh tăng thu, tiết kiệm chi, thu đúng, thu đủ, kịp thời, mở rộng cơ sở thu, đặc biệt là áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền. Bên cạnh đó, khai thác dư địa chính sách tài khóa, nghiên cứu huy động thêm khoảng 100.000 tỷ đồng trái phiếu cho đầu tư phát triển hạ tầng chiến lược. |
“Hàn thử biểu” của nền kinh tế chính là “sức khỏe” của doanh nghiệp. Qua 8 tháng, cả nước có gần 110,8 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 994,7 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký hơn 672,4 nghìn lao động. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 8 tháng năm 2024 đạt 9,0 tỷ đồng. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 8 tháng năm 2024 là hơn 2.041 nghìn tỷ đồng.
Đáng lưu ý, cả nước có hơn 57,3 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 25,3% so với cùng kỳ năm 2023), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong 8 tháng qua lên gần 168,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2023. Bình quân một tháng có hơn 21 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Cùng với đó, tình hình tài chính – ngân sách tiếp tục được cải thiện. Cập nhật số liệu thu trên hệ thống TABMIS, thu ngân sách nhà nước (NSNN) đến hết ngày 5/9/2024 đạt 1.358.660 tỷ đồng, bằng 79,87% dự toán; trong đó, thu ngân sách trung ương đạt 721.186 tỷ đồng, bằng 84,58% dự toán, thu ngân sách địa phương đạt 637.474 tỷ đồng, bằng 75,15% dự toán.
Các chính sách hỗ trợ về giãn, giảm thuế, phí và lệ phí đã đi vào cuộc sống, giúp doanh nghiệp phục hồi và tăng trưởng. 8 tháng qua, theo thống kê của Bộ Tài chính, đã thực hiện miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất gần 90 nghìn tỷ đồng, dự kiến cả năm con số này vào khoảng 187 nghìn tỷ đồng.
Các chuyên gia kinh tế dự đoán, với những kết quả quan trọng đạt được trong nửa đầu năm 2024, tăng trưởng GDP cả năm được dự báo sẽ dao động trong khoảng từ 6,55% đến 6,95%.
Phấn đấu tăng trưởng hoàn thành mục tiêu nhiệm kỳ
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 đã nhấn mạnh, các mục tiêu lớn về ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, kiểm soát bội chi, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài cơ bản đạt được. Với kết quả đến thời điểm này, người đứng đầu Chính phủ dự đoán có thể hoàn thành và hoàn thành vượt mức 15/15 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội của cả năm 2024 trong bối cảnh khó khăn.
Nhìn xa hơn, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục ưu tiên cho tăng trưởng, phấn đấu tăng trưởng năm 2024 và 2025 cao hơn để bù lại cho 3 năm trước của nhiệm kỳ. Để ưu tiên cho tăng trưởng, Thủ tướng yêu cầu điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách vĩ mô khác. Các cơ quan chuẩn bị kỹ, đánh giá tác động, có lộ trình điều chỉnh giá phù hợp các dịch vụ do Nhà nước quản lý, không tăng cùng lúc, không giật cục.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính triển khai hiệu quả các chính sách gia hạn, giảm thuế, phí, lệ phí. Đẩy mạnh tăng thu, tiết kiệm chi, thu đúng, thu đủ, kịp thời, mở rộng cơ sở thu, đặc biệt là áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền. Bên cạnh đó, khai thác dư địa chính sách tài khóa, nghiên cứu huy động thêm khoảng 100.000 tỷ đồng trái phiếu cho đầu tư phát triển hạ tầng chiến lược.
Về phía Bộ Tài chính, từ nay đến cuối năm, Bộ Tài chính tiếp tục phát huy tính chủ động, sáng tạo, linh hoạt để triển khai nhiệm vụ tài chính- NSNN theo sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Bộ Tài chính chủ động các phương án, kịch bản về chính sách tài khóa, trong đó, các cơ quan Thuế, Hải quan tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các chính sách tài khóa miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất trong năm nay đảm bảo kịp thời, hiệu quả.
Hiến kế về điều hành chính sách tài khóa thời gian tới, theo chuyên gia kinh tế TS. Lê Duy Bình phải có sự phối hợp nhịp nhàng giữa chính sách tài khóa và tiền tệ. Trong đó, cần cân nhắc tính toán thực hiện chính sách tài khóa thu hẹp lại trong bối cảnh hiện nay, nhằm đảm bảo sức mạnh ngân sách, cân đối vĩ mô. Bởi thực tế, những năm qua, chính sách tài khóa đã gánh phần lớn trong hỗ trợ kinh tế thì bây giờ chính sách tiền tệ phải phát huy vai trò của mình để hỗ trợ doanh nghiệp, thị trường.
Hơn 20 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Việt NamTheo thống kê, đến ngày 31/8, thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam đạt hơn 20,5 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, tính đến hết tháng 8/2024, có 2.247 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký đạt gần 12 tỷ USD, tăng 8,5% về số dự án và tăng 27% về số vốn so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, có 926 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 4,9% so với cùng kỳ), với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt hơn 5,7 tỷ USD (tăng 14,8% so với cùng kỳ). Trong chuyến thăm Trung Quốc vào cuối tháng 6/2024, GS. Klaus Schwab, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cho biết WEF rất vui mừng có quan hệ hợp tác chặt chẽ với Việt Nam. Ông đánh giá Việt Nam là ngôi sao sáng đang phát triển nhanh của kinh tế thế giới. Cũng trong dịp này, ông Brand Cheng, Chủ tịch, Giám đốc điều hành Foxconn đã nhắc lại câu chuyện tại cuộc gặp vào tháng 1 năm ngoái. Ông báo cáo Thủ tướng về việc đặt thêm nhà máy tại Việt Nam và nhà máy này đã sản xuất vào tháng 4 năm nay. "Đây là ví dụ cho thấy quyết tâm của Việt Nam trong phát triển kinh tế", Chủ tịch, Giám đốc điều hành Foxconn nói. Đến nay, các nhà máy của Foxconn đã hiện diện tại 5 tỉnh với 80.000 nhân viên và tổng đầu tư khoảng 4 tỷ USD. "Việt Nam đang phát triển nhanh và chúng tôi phát triển cùng Việt Nam", ông Brand Cheng nói. Còn nhớ, trong cuộc gặp gỡ với người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, đại diện Pepsico lại kể câu chuyện đầu tư tại Việt Nam. Sau 30 năm, công ty này đã đầu tư 850 triệu USD vào Việt Nam và sẽ tiếp tục gia tăng đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, chế biến thực phẩm, đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, tái chế nhựa… Điều này càng khẳng định niềm tin của nhà đầu tư đối với Việt Nam. Chia sẻ những định hướng thời gian tới, Thủ tướng cho biết Việt Nam tiếp tục ưu tiên cho tăng trưởng, với các nhóm giải pháp lớn. Theo đó, thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, nhất là giảm lãi suất cho vay, khoanh nợ, giãn nợ và giữ ổn định tỷ giá phù hợp; phối hợp đồng bộ, hài hoà với chính sách tài khoá mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trong điểm, tiếp tục miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí và đẩy mạnh đầu tư công. Cùng với đó, Việt Nam tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài trong giới hạn cho phép; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế./. |