Tổng cầu suy giảm, doanh nghiệp còn khó khăn

Nhìn lại bức tranh kinh tế 2 năm qua, đặc biệt 2023 được xem là năm khó khăn nhất của nền kinh tế Việt Nam, khi phải đối mặt với nhiều rủi ro và bất ổn từ bối cảnh thế giới, căng thẳng địa chính trị, lạm phát toàn cầu ở mức cao, chính sách tiền tệ thắt chặt ở nhiều nước, nổi bật nhất là tổng cầu suy giảm như tiêu dùng và đầu tư.

Chính sách giảm, giãn thuế, phí: Giải pháp rất quan trọng hỗ trợ doanh nghiệp
Sức cầu tiêu dùng hiện vẫn còn thấp. Ảnh minh họa: Nguyễn Lạc

Chia sẻ với phóng viên TBTCVN, ông Nguyễn Ngọc Luận - CEO Thương hiệu Meet More Coffee, cho biết trong 2 năm qua, những diễn biến khó lường của thế giới và Việt Nam, khiến cho những doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn trong việc ổn định thị trường.

Theo ông Nguyễn Ngọc Luận - CEO thương hiệu Meet More Coffee, từ đầu năm đến nay, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao gấp 5 lần trong khi đó doanh nghiệp không thể tăng giá cho khách hàng.

Điển hình nhất là cuối năm 2023 và đầu năm 2024, tỷ giá tăng cao, nhu cầu tiêu thụ, nhu cầu thực của thị trường rất thấp. Từ đó, kéo theo tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị chậm lại. Đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu, do chi phí logictis trên thế giới tăng gấp 3 lần.

"Doanh nghiệp chúng tôi vẫn duy trì phát triển thị trường nội địa để đưa hàng vào các hệ thống siêu thị, các hệ thống trong nước, nhưng do nhu cầu tiêu thụ rất thấp (chỉ vào khoảng 20 - 30% so với trước) nên chúng tôi chưa thể phát triển mạnh được. Còn đối với xuất khẩu, chúng tôi cũng chỉ đang ở mức duy trì các nước đang có đơn hàng ổn định và không tăng giá hoặc tăng ở mức độ từ 5 - 10%” - ông Luận bày tỏ.

Ông Phạm Quang Anh - CEO Công ty May mặc Dony cũng chia sẻ, do ảnh hưởng từ khó khăn ở giai đoạn 2 năm vừa qua, đặc biệt là năm 2023 đã “bào mòn” tài chính của doanh nghiệp, cộng thêm đơn hàng bị giảm trầm trọng. Trong khi đó, lãi suất tăng cao đúng vào thời điểm đơn hàng rất ít nên doanh nghiệp hầu như trong trạng thái “cầm cự”.

“Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, sau nhiều lần hạ thì doanh nghiệp đang được hưởng mức lãi suất thấp nhất từ giai đoạn năm 2015 đến nay. Đồng thời, sau Tết Nguyên đán, doanh nghiệp đã bắt đầu có nhiều đơn hàng hơn, thậm chí hiện tại đơn hàng tăng trưởng ngoài dự kiến nhưng nguồn vốn lại đang yếu” - ông Quang Anh nói.

Chính sách giảm, giãn thuế phí:  Giải pháp “cứu cánh” ngắn hạn cho doanh nghiệp
Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn trong việc ổn định thị trường. Ảnh minh họa: Nguyễn Lạc

Chính sách tài khoá kịp thời, cần thêm giải pháp căn cơ

Trong bối cảnh hiện nay, việc triển khai chính sách gia hạn thời hạn nộp một số loại thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2024, cũng như giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) từ 10% xuống còn 8% với đa số mặt hàng trong khoảng thời gian nhất định là động thái mà nền kinh tế và doanh nghiệp mong đợi. Đây là một bước đi cần thiết để bảo vệ quá trình phục hồi kinh tế đang dần ổn định.

Ông Nguyễn Văn Phụng - nguyên Cục trưởng Cục Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế), nhận định, tình hình kinh tế thế giới và trong nước năm 2024 được dự báo còn nhiều khó khăn, do đó chính sách giãn, giảm thuế, phí sẽ có tác động tốt hơn cho doanh nghiệp, người dân, từ đó kích thích tiêu dùng, tác động tốt đến tăng trưởng.

Theo ông Nguyễn Văn Phụng, gia hạn nộp thuế là giải pháp giúp cho doanh nghiệp đỡ căng thẳng về vốn và có thêm nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi phục vụ cho sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, việc giảm thuế GTGT là một trong những biện pháp quan trọng giúp cho các doanh nghiệp khắc phục được một phần biến động giá hàng nhập khẩu từ bên ngoài.

Ông Phạm Quang Anh - CEO Công ty May mặc Dony, cũng cho rằng, trong bối cảnh dòng tiền của doanh nghiệp vẫn đang cạn kiệt mà đơn hàng lại tăng cao thì việc nhận được sự quan tâm từ Chính phủ và Bộ Tài chính cho phép gia hạn thời gian nộp thuế cũng như giảm thuế GTGT là kịp thời, giúp cho doanh nghiệp có được dòng tiền sử dụng ngay trong ngắn hạn để mua nguyên vật liệu và trả lương cho người lao động hoặc cho đối tác gia công…

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Luận - CEO Thương hiệu Meet More Coffee, vẫn cần thêm các giải pháp làm đòn bẩy thật sự để kích thích tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giúp cho các doanh nghiệp phục hồi.

Chính sách giảm, giãn thuế phí:  Giải pháp “cứu cánh” ngắn hạn cho doanh nghiệp
Chính sách giảm, giãn thuế phần nào giúp cho doanh nghiệp có được dòng tiền trong ngắn hạn. Ảnh minh họa: Nguyễn Lạc

Ông Luận kiến nghị Chính phủ cần phân loại các nhóm doanh nghiệp. Trong đó, những nhóm doanh nghiệp nào sẽ được hỗ trợ về thuế là giải pháp chung, còn những nhóm doanh nghiệp được xem là xương sống của nền kinh tế như chế biến, xuất khẩu,… thì cần đưa ra giải pháp cụ thể cho nhóm này.

Chính phủ nên hỗ trợ về mặt lãi suất, những gói lãi suất thực tế và dài hạn (từ 1 - 3 năm), được ưu đãi để doanh nghiệp kích cầu sản xuất, lượng hàng hoá sẽ tăng lên. Đồng thời, cần có giải pháp cho người dân vay tiêu dùng để kích cầu tiêu dùng, có như vậy sức cầu mới tăng lên./.