PV: Kinh tế nước ta đã từng bước vượt qua khó khăn thách thức của dịch Covid-19 và diễn biến phức tạp của tình hình địa chính trị thế giới. GDP tăng 8,02%, lạm phát được kiểm chế tăng dưới 4% trong năm 2022. Thành công này có đóng góp quan trọng từ chính sách tài khóa linh hoạt và chủ động, tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng vẫn còn một số điểm cần rút kinh nghiệm. Bà có bình luận gì về nhận định này?

Chính sách tài khóa là động lực cho phát triển kinh tế năm 2023
PGS.TS Nguyễn Thị Mùi

PGS.TS Nguyễn Thị Mùi: Việc điều hành vĩ mô của Chính phủ đã có sự phối hợp đồng bộ, linh hoạt giữa các công cụ chính sách, đặc biệt chính sách tài khoá phối hợp chặt chẽ, hợp lý và có hiệu quả với chính sách tiền tệ, như: cung tiền, tín dụng, lãi suất, bội chi ngân sách nhà nước và nợ công, đã và đang hỗ trợ tích cực cho việc phục ổn kinh tế - xã hội, ổn định vĩ mô.

Chính sách tài khóa đáng ghi nhận nhất là gói hỗ trợ giãn, giảm thuế, miễn phí cho doanh nghiệp trong điều kiện khó khăn. Chính sách này có tác động trực tiếp đến doanh nghiệp, hỗ trợ kinh doanh phục hồi phục vụ cho tăng trưởng kinh tế và đời sống người dân.

Bộ Tài chính đã quyết liệt triển khai chính sách tài khóa, phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ, nhanh chóng đưa các quyết sách của Chính phủ vào cuộc sống, kịp thời hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh.

Nhìn chung chính sách tài khóa cơ bản đã phát huy hiệu quả, nhưng đi vào chi tiết chính sách liên quan đến thuế có những vấn đề cần rút kinh nghiệm. Cụ thể như, việc triển khai cần kịp thời hơn, đối tượng thụ hưởng được công khai minh bạch để doanh nghiệp, người dân biết được. Trong năm 2023, chính sách tài khóa về thuế vẫn đóng vai trò quan trọng, động lực cho doanh nghiệp phục hồi và chống chịu với những tác động thách thức mới đặt ra do tác động của địa chính trị thế giới vẫn diễn biến phức tạp.

Bộ Tài chính đã quyết liệt triển khai chính sách tài khóa, phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ, nhanh chóng đưa các quyết sách của Chính phủ vào cuộc sống.
Bộ Tài chính đã quyết liệt triển khai chính sách tài khóa, phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ, nhanh chóng đưa các quyết sách của Chính phủ vào cuộc sống.

Chính vì vậy, khi triển khai làm sao chính sách phải đi vào thực tiễn người dân hiểu được, hiểu đúng, tiếp cận được chính sách như mong muốn của Chính phủ là hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi kinh tế - xã hội. Cần rút kinh nghiệm khi đưa chính sách ra thì chính sách cần có giải pháp, kế hoạch triển khai nhanh chóng đi vào thực tiễn cuộc sống.

Muốn vậy, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, minh bạch trên các phương tiện thông tin đại chúng; các đơn vị triển khai thực hiện phải hỗ trợ doanh nghiệp, người dân hiểu được và có thể thụ hưởng từ chính sách. Đó là thước đo chính sách tài khóa phát huy hiệu quả.

PV: Bước sang năm 2023, Quốc hội và Chính phủ cũng đưa ra nhận định, nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Ở góc độ chuyên gia kinh tế, bà cảm nhận thế nào?

PGS.TS Nguyễn Thị Mùi: Tôi cho rằng, không chủ quan với thành quả tăng trưởng kinh tế trong năm qua, Quốc hội và Chính phủ cũng lường trước được khó khăn, thách thức đặt ra trong việc đảm bảo kinh tế vĩ mô, thích ứng với biến động của kinh tế thế giới trong năm 2023.

Theo tôi, năm 2023, trước hết nền kinh tế nước ta tiếp tục chịu tác động từ bên ngoài, đó là thị trường tài chính tiền tệ thế giới diễn biến bất ổn, lãi suất điều hành của các quốc gia có xu hướng tăng trong thời gian qua, để kiểm soát lạm phát mục tiêu theo mong muốn. Hoa Kỳ đã liên tục tăng lãi suất điều hành đã ảnh hưởng đến nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam trong nỗ lực đảm bảo quân bình tỷ giá với USD.

Có giải pháp hỗ trợ song vẫn đảm bảo nguồn thu

"Theo tôi cần tiếp tục có giải pháp hỗ trợ kinh tế phục hồi như năm 2022, đảm bảo nguồn thu ngân sách để đảm bảo cho mục tiêu chi của quốc gia. Bộ Tài chính cần điều hành cân bằng thu chi ngân sách, không để thất thu, tiết kiệm chi, đặc biệt là nguồn chi thường xuyên để tạo dư địa chi cho các chính sách an sinh xã hội, phục hồi phát triển kinh tế; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện giải ngân, triển khai hiệu quả các dự án đầu tư công." - PGS.TS Nguyễn Thị Mùi.

Năm 2023, được dự báo là phải đối mặt với thách thức nhập khẩu lạm phát do nhiều yếu tố đó sẽ tác động mạnh đến Việt Nam, bởi hiện nay độ mở của nền kinh tế hiện nay rất cao.

Mặc dù Việt Nam xuất siêu nhưng chủ yếu là xuất siêu ở khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, còn doanh nghiệp trong nước vẫn nhập khẩu nhiều nguyên vật liệu đầu vào để phục vụ sản xuất kinh doanh, xuất khẩu.

Nếu tỷ giá không giữ được ở mức ổn định tương đối thì việc nhập khẩu lạm phát từ nước ngoài rất dễ diễn ra vào năm 2023. Khi đó, Việt Nam phải thực hiện các giải pháp quyết liệt để làm sao kiểm soát được mức lạm phát được Quốc hội đưa ra trong năm 2023 là khoảng 4,5% không phải đơn giản.

Thách thức nữa trong năm 2023 là cần ổn định và phục hồi thị trường trái phiếu. Trên thực tế, thị trường trái phiếu doanh nghiệp bùng nổ mạnh, nhưng đối với phát hành, giao dịch còn nhiều vấn đề cần rút kinh nghiệm. Rõ ràng đây là vấn đề cần giải quyết trong năm 2023.

PV: Xin cảm ơn bà!

Tiếp tục phối hợp hiệu quả chính sách tài khóa và tiền tệ

Chính phủ đã đề ra mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đảm bảo tăng trưởng trong năm 2023 với những giải pháp khá cụ thể.

Năm 2023, Việt Nam đối mặt với hàng loạt thách thức ảnh hưởng đến phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế như vấn đề lạm phát, tỷ giá, tín dụng, sự phục hồi của doanh nghiệp, thị trường tiêu thụ hàng hóa…

Trong bối cảnh năm 2023, kinh tế trong nước và thế giới tiếp tục diễn biến khó lường, Chính phủ coi ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy phục hồi kinh tế là mục tiêu cần phải đạt được.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Mùi, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục chủ động, linh hoạt điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ một cách hiệu quả với mục tiêu đặt ra: ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia; an toàn hệ thống ngân hàng.

Để đạt được mục tiêu này, thì chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ phải rất được chú trọng trong điều hành, cũng như phối hợp với các chính sách kinh tế khác. Cụ thể, việc phối hợp trong việc đảm bảo cân đối nguồn vốn cho các dự án, phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, nhất là các ngành, lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất tại Nghị định 31/2022/NĐ-CP. Đây cũng là đòi hỏi của nền kinh tế mà ngành tài chính và ngân hàng phải đáp ứng.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Mùi, năm 2023, Bộ Tài chính cần đẩy nhanh cơ cấu lại thu, chi ngân sách nhà nước theo hướng bền vững; nâng cao hiệu quả phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, đẩy mạnh thu hút các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước để tăng nguồn lực đầu tư toàn xã hội.