Xung quanh những diễn biến tích cực trên thị trường tiền tệ và thị trường chứng khoán gần đây, phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với ông Đinh Quang Hinh – Trưởng bộ phận Vĩ mô và chiến lược – Khối Phân tích – Công ty CP Chứng khoán VNDIRECT.
*PV: Một số ý kiến cho rằng, thị trường tiền tệ trong nước đang nhận được sự hậu thuẫn của nhiều yếu tố trong và ngoài nước để duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ từ nay tới cuối năm. Ông có nhận định thế nào? Đâu là các yếu tố thuận lợi để duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, thưa ông?
Những diễn biến tích cực hơn trên thị trường tiền tệ sẽ góp phần cải thiện tâm lý của nhà đầu tư và thúc đẩy dòng tiền nội quay trở lại thị trường chứng khoán trong nước trong những tháng cuối năm 2024, đặc biệt trong bối cảnh các kênh đầu tư khác như tiết kiệm, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản chưa có sự khởi sắc đáng kể. |
Ông Đinh Quang Hinh: Nếu nhìn kỹ vào động thái gần đây của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), chúng ta có thể nhận thấy một số chuyển dịch đáng chú ý theo hướng “dễ thở” hơn cho thị trường.
Cụ thể, vào ngày 5/8, NHNN đã đồng loạt giảm lãi suất OMO và lãi suất tín phiếu về 4,25% từ mức 4,5% trước đó. Ngày 20/8, NHNN lại tiếp tục giảm lãi suất trúng thầu tín phiếu từ 4,25% về 4,2%.
Việc cắt giảm lãi suất này đã đảo ngược xu hướng các đợt tăng lãi suất trong nửa đầu năm 2024. Động thái này đã cho thấy trong bối cảnh áp lực tỷ giá hạ nhiệt, NHNN đã có thể linh hoạt hơn trong điều hành chính sách tiền tệ. Theo đó, nhà điều hành có nhiều điều kiện hơn để hỗ trợ thanh khoản thị trường thông qua kênh thị trường mở cũng như có thể mua vào dự trữ ngoại hối vào giai đoạn cuối năm nay.
*PV: Tỷ giá đã hạ nhiệt gần đây và cũng được dự báo sẽ dễ chịu hơn về cuối năm khi FED hạ lãi suất, xuất nhập khẩu, FDI, kiều hối… sẽ hỗ trợ cho tỷ giá USD/VND. Ông suy nghĩ thế nào?
Ông Đinh Quang Hinh: Chúng tôi đồng quan điểm cho rằng, áp lực tỷ giá có xu hướng hạ nhiệt trong giai đoạn cuối năm nay. Trên thị trường quốc tế, với kỳ vọng ngày càng tăng vào việc FED sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất điều hành từ kỳ họp tháng 9 tới. Chỉ số sức mạnh đồng đô la (DXY) đã lùi về mức dưới 102 điểm, có thời điểm đã dưới 101 điểm; đồng thời lợi suất trái phiếu chính phủ (TPCP) Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng lùi về dưới 3,9%. Xu hướng này đã giúp giảm áp lực lên tỷ giá trong nước.
|
Thực tế, trong vòng một tháng trở lại đây, tỷ giá USD/VND đã giảm khá mạnh, hiện tỷ giá USD/VND liên ngân hàng đã về dưới mức 25.000 đồng/USD, giảm mạnh so với vùng đỉnh trước đó quanh 25.470 đồng/USD.
Từ nay tới cuối năm 2024, chúng tôi cho rằng, tỷ giá sẽ tiếp tục có nhiều yếu tố hỗ trợ, bao gồm: FED bắt đầu chu kỳ giảm lãi suất; áp lực lạm phát trong nước dự báo hạ nhiệt từ nửa cuối quý III; nguồn cung ngoại tệ tiếp tục được hỗ trợ bởi dòng vốn FDI giải ngân vào Việt Nam tăng trưởng tích cực, thặng dư thương mại duy trì ở mức cao và lượng kiều hối đổ về trong giai đoạn quý IV tới.
*PV: Bên cạnh đó, lãi suất cũng là vấn đề nhận được sự quan tâm rất lớn khi lãi suất huy động đã tăng khá rõ trong thời gian gần đây. Theo ông, điều này có tác động lớn làm thay đổi lãi suất cho vay hay không? Vì sao?
Ông Đinh Quang Hinh: Thực tế mức tăng của lãi suất huy động là vừa phải, do đó sẽ chưa có tác động đáng kể nào tới mặt bằng lãi suất cho vay thời điểm hiện tại.
Theo thống kê của chúng tôi, mặt bằng lãi suất huy động trong nước hiện nhích tăng khoảng 0,3 - 0,4 điểm % so với mức đáy hồi cuối quý I năm nay và mới chỉ tăng nhẹ đâu đó dưới 0,1 điểm % so với thời điểm cuối năm 2023. Đây là mức tăng rất khiêm tốn.
Đồng thời, trong bối cảnh NHNN vẫn giao chỉ tiêu cho các ngân hàng thương mại phải tiếp tục cắt giảm chi phí nhằm hạ hoặc duy trì mặt bằng lãi suất cho vay thấp để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi, chúng tôi cho rằng, đà tăng của lãi suất huy động hiện tại chưa có tác động lớn nào đối với mặt bằng lãi suất cho vay hiện tại, cũng như từ nay tới cuối năm 2024.
Dòng tiền dự báo sẽ tích cực trên thị trường chứng khoán từ nay tới cuối năm. Ảnh: D.Dũng. |
*PV: Nếu chính sách tiền tệ như ông dự báo thì sẽ tác động thế nào tới thị trường chứng khoán trong nước? Dòng tiền trên thị trường chứng khoán, từ nay tới cuối năm, theo ông sẽ thuận lợi hơn hay chịu áp lực "chia lửa" cho các kênh đầu tư khác?
Ông Đinh Quang Hinh: Với kỳ vọng áp lực tỷ giá, lạm phát hạ nhiệt trong giai đoạn cuối năm nay, chúng tôi tái khẳng định quan điểm rằng, NHNN sẽ có điều kiện chuyển hướng chính sách tiền tệ tập trung hơn vào hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống và tăng trưởng kinh tế. Từ đó, thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng sẽ dồi dào hơn và mặt bằng lãi suất liên ngân hàng có thể hạ nhiệt.
Thanh khoản cũng có thể được cải thiện nhờ việc NHNN không còn phải bán ngoại tệ dự trữ để can thiệp tỷ giá, thậm chí chúng tôi kỳ vọng rằng, NHNN còn có thể bổ sung nguồn dự trữ ngoại hối trong giai đoạn quý IV năm nay khi thị trường ngoại hối thuận lợi và nguồn cung ngoại tệ dồi dào hơn.
Cùng với đó, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp hơn so với giai đoạn trước đại dịch.
Những điều này sẽ góp phần cải thiện tâm lý của nhà đầu tư và thúc đẩy dòng tiền nội quay trở lại thị trường chứng khoán trong nước trong những tháng cuối năm 2024, đặc biệt trong bối cảnh các kênh đầu tư khác như tiết kiệm, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản chưa có sự khởi sắc đáng kể.
*PV: Xin cảm ơn ông!