Chờ dòng tiền
Diễn biến VN-Index và thanh khoán từ đầu năm đến nay. Nguồn: Fiinpro, MBS Reasearch

Dòng tiền nội vẫn là chủ công

Thị trường chứng khoán trong nước tiếp tục duy trì xu hướng tích cực trong tháng 6 cả về điểm số và thanh khoản. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 29/6, chỉ số VN-Index đạt mốc 1.125,39 điểm, tăng tới 50,22 điểm, tương đương gần +4,7% so với với tháng 5/2023. Lực tăng của thị trường chứng khoán trong nước là khá ấn tượng và tiếp tục trở thành một trong những thị trường có mức tăng trưởng mạnh nhất trên thế giới và trong khu vực.

Một số chuyên gia cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng trong bối cảnh các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế và sức khỏe của doanh nghiệp chưa thực sự thay đổi. Thậm chí, nhìn về yếu tố bên ngoài, tình hình kinh tế vĩ mô, cũng như chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương còn kém tích cực hơn khi lạm phát và suy giảm kinh tế vẫn còn đè nặng. Tuy vậy, tâm lý tích cực hơn là động lực quan trọng giúp dòng tiền khối nội giải ngân.

Tâm lý tích cực đó được khởi tạo từ hàng loạt chính sách hỗ trợ nền kinh tế và hoạt động sản xuất kinh doanh, khắc phục khó khăn của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương. Bên cạnh các giải pháp bền bỉ để hỗ trợ thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp đang được triển khai, thì chính sách tiền tệ và tài khóa đang tạo ra tâm lý tích cực cho nhà đầu tư trên thị trường. Lãi suất điều hành đã giảm lần thứ 4 và đây là biện pháp cho thấy sự quyết liệt trong việc giảm lãi suất đầu ra cho nền kinh tế.

Trên thực tế, lãi suất huy động đã bắt đầu giảm và lãi suất cho vay cũng được các ngân hàng rục rịch điều chỉnh giảm. Cùng với đó, việc Quốc hội quyết giảm thuế giá trị gia tăng 2%, một loạt phí, lệ phí được giảm đã tác động tích cực lên tâm lý của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Không chỉ có điểm số, thị trường chứng khoán trong nước đang nhận được sự hỗ trợ của dòng tiền vào tích cực. Dòng tiền từ khối nhà đầu tư nội là động lực chính giúp thị trường tăng điểm, trong bối cảnh khối ngoại vẫn chưa lấy lại diễn biến tích cực. Thanh khoản toàn thị trường trong tháng 6 đều duy trì ở mức cao, khi tổng giá trị giao dịch 3 sàn hầu hết đều đạt trên 20 nghìn tỷ đồng/phiên. Chỉ tính riêng trên sàn HOSE, trong tháng 6 đã có 3 phiên giao dịch trên 20 nghìn tỷ đồng, đặc biệt đã xuất hiện phiên giao dịch “tỷ đô” vào ngày 8/6, với 23.689 tỷ đồng. Việc dòng tiền vào tích cực cho thấy kỳ vọng rất lớn của nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán trong thời gian tới.

Vẫn chờ dòng tiền vào bluechips

Sự tích cực của dòng tiền trên thị trường chứng khoán trong 2 tháng gần đây là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, dòng tiền phần lớn đang xuất phát từ khối nhà đầu tư cá nhân, vẫn chưa có sự nhập cuộc thực sự của dòng tiền lớn. Về đường đi, dòng tiền cũng đang nghiêng nhiều vào nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, cũng như nhóm cổ phiếu đầu cơ. Chính vì thế, trong thời gian qua, nhiều cổ phiếu vừa và nhỏ đã có sự hồi phục tương đối mạnh mẽ. Nhiều nhóm đầu cơ đã tăng giá khoảng 20 - 30% so với mặt bằng giá giai đoạn đầu năm.

Theo lý giải của các chuyên gia, sở dĩ dòng tiền hướng nhiều vào nhóm nhỏ và vừa, nhóm cổ phiếu đầu cơ chủ yếu là do nhóm này đã giảm mạnh trước đó. Mặt bằng giá về mức thấp, kết hợp với dòng tiền xuất phát từ nhà đầu tư cá nhân là nguyên nhân chính hỗ trợ nhóm này tăng giá khá ấn tượng trong vài tháng gần đây.

Tuy vậy, nếu nhìn một cách khách quan, xu hướng tăng trưởng trung, dài hạn của thị trường trong nước vẫn được xác lập. Bên cạnh việc cần thêm thời gian để xác nhận các chính sách hỗ trợ nền kinh tế ngấm vào thực tiễn, thì dòng tiền lớn vẫn chưa xuất hiện. Về mặt lý thuyết, dòng tiền nhà đầu tư cá nhân sẽ ít có độ bền hơn, đồng thời dễ bị tác động tâm lý rút ra khi thị trường xuất hiện các biến động không như mong muốn.

Trên thực tế, dù có tích cực hơn, nhưng dòng tiền vẫn chưa quan tâm nhiều tới nhóm vốn hóa lớn. Chính điều này khiến thị trường vẫn chưa có sự bùng nổ về điểm số, cũng như các nhóm cổ phiếu bluechips chỉ “ì ạch” tăng. Tuy vậy, trao đổi với phóng viên TBCTVN, một chuyên gia cho rằng, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn chưa tăng mạnh có thể là “món quà” cho những nhà đầu tư đến sau. Thông thường nhóm nhà đầu tư tổ chức sẽ ưu tiên nắm giữ các cổ phiếu lớn, đầu ngành, song họ thường sẽ thận trọng hơn và chờ các tín hiệu rõ nét về kinh tế vĩ mô cũng như hoạt động của doanh nghiệp.

Theo dự báo, kinh tế vĩ mô và sức khỏe doanh nghiệp sẽ cải thiện dần về cuối năm và đây là cơ hội cho những cổ phiếu lớn, đầu ngành. Thị trường vẫn đang chờ đợi câu trả lời của dòng tiền về nhóm vốn hóa lớn. Nếu dòng tiền quan tâm lớn hơn vào nhóm này, thị trường vẫn còn nhiều cơ hội rộng mở đà tăng.

Xuất hiện nhiều phiên giao dịch trên 20 nghìn tỷ đồng

Từ đầu năm đến nay, thanh khoản trung bình trên sàn HOSE đạt 11,433.7 tỷ đồng, giảm -48,46% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, thanh khoản đã có cải thiện đáng kể từ đầu quý II/2023. Từ cuối tháng 3/2023, sau khi Ngân hàng Nhà nước bắt đầu cắt giảm lãi suất điều hành, thanh khoản trên thị trường đã bắt đầu tăng. Mức thanh khoản trong giai đoạn tháng 4 và 5/2023 tăng lên trung bình xấp xỉ 20% so với 3 tháng đầu năm. Đặc biệt kể từ đầu tháng 6, thanh khoản đã tăng lên đột biến, có nhiều phiên thị trường giao dịch trên 20.000 tỷ đồng. Trên HOSE, các cổ phiếu thu hút thanh khoản lớn chủ yếu nằm trong các nhóm là chứng khoán, bất động sản, vật liệu xây dựng.