Chống rửa tiền của các dịch vụ ngân hàng, cuộc chiến với “kẻ vô hình”
Ảnh tư liệu minh họa

Rủi ro rửa tiền ngay ở các khâu ít ngờ nhất

Trong khi mạng lưới thanh toán, giao dịch và sử dụng dịch vụ của người dân và nền kinh tế ngày càng phức tạp thì “cuộc chiến” với tội phạm rửa tiền và tài trợ khủng bố càng trở nên phức tạp hơn.

PGS.TS. Nhữ Trọng Bách - Phó Giám đốc Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính, thuộc Bộ Tài chính cho biết, diễn biến thực tế thời gian qua cho thấy, hoạt động rửa tiền tại Việt Nam hiện phức tạp, gia tăng theo thời gian cả về quy mô, số lượng, đặc biệt hình thức rửa tiền mới đã xuất hiện như: tài sản ảo, tiền ảo, sàn giao dịch ảo... Hoạt động rửa tiền tại Việt Nam đã có tác động tiêu cực đến vĩ mô nền kinh tế, giảm an ninh tiền tệ, an ninh tài chính và an ninh xã hội.

Ý thức tuân thủ pháp luật có ý nghĩa quan trọng

Trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, các giao dịch xuyên biên giới ngày càng phát triển, hoạt động này ngày càng trở lên quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Đứng trước thách thức này, việc thực thi pháp luật liên quan đến hoạt động phòng chống rửa tiền càng phải hiệu quả và chặt chẽ.

Đặc biệt, hành vi rửa tiền có thể núp bóng dưới mọi giao dịch tưởng chừng như bình thường nhất. Bởi lẽ theo suy nghĩ thông thường thì chỉ những giao dịch giá trị lớn mới có tính chất “đáng ngờ”, nhưng thực tế cho thấy, ngay cả những giao dịch giá trị nhỏ lẻ cũng có thể vẫn bị đối tượng rửa tiền lợi dụng. Đặc biệt, việc rửa tiền qua các giao dịch nhỏ lẻ rất khó phát hiện bởi số lượng người sử dụng lớn, rất khó phân biệt dòng tiền bẩn lẫn lộn trong dòng tiền sạch.

Đưa ra ví dụ về vấn đề này, Ths. Nguyễn Thanh Sơn - thuộc Viện Chiến lược ngân hàng cho biết, việc sử dụng sản phẩm ví điện tử hiện cũng chưa được thực hiện nghiêm túc. Chẳng hạn như, một số tổ chức trung gian chưa thực hiện đầy đủ các khâu về nhận biết, xác minh, phân loại, giám sát các đơn vị chấp nhận thanh toán. Ngay cả những khâu cơ bản trong thực hiện mở và sử dụng ví điện tử, các quy trình nhận biết khách hàng cũng chưa được hiện đầy đủ.

Bên cạnh đó, một sản phẩm khác như thẻ trả trước vô danh có hạn mức khá thấp với số tiền có thể sử dụng nhỏ (không quá 5 triệu đồng tại mọi thời điểm) nhưng “kẽ hở” nằm ở chỗ tội phạm có thể nạp quay vòng nhiều lần để sử dụng, hoặc một người có thể dùng nhiều thẻ nên đối tượng vẫn có thể sử dụng loại thẻ này với số tiền lớn.

Yêu cầu về gia tăng thanh toán điện tử

Thực tế cho thấy, các hoạt động ứng dụng chuyển đổi số qua ngân hàng đang là một trong giải pháp để cơ quan quản lý nhà nước có thể nắm được dòng chảy của tiền trong mọi mặt đời sống.

Theo Ngân hàng Nhà nước, cơ quan này đã chỉ đạo, phát triển các mô hình ngân hàng số, gia tăng tiện ích, trải nghiệm khách hàng theo hướng tự động hóa quy trình, tối ưu hóa hoạt động nghiệp vụ, ứng dụng các công nghệ như AI, học máy (ML), Big Data... Các sản phẩm thanh toán cũng phát triển đa dạng, phong phú, tích hợp nhiều tính năng, tiện ích mới không tiếp xúc, qua mobile; số hóa thông

tin/tokenization; xác thực sinh trắc học, qua Internet, điện thoại di động với nhiều công nghệ hiện đại, an toàn, tiện lợi.

Về quy mô thanh toán qua ngân hàng, nếu như thời điểm năm 2018 thì hệ thống thanh toán của Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia (NAPAS) chỉ phải xử lý khoảng 50 nghìn giao dịch ngày. Tuy nhiên theo số liệu cập nhật mới đây của NAPAS, trong năm 2023, hệ thống NAPAS xử lý bình quân hơn 20 triệu giao dịch/ngày, tăng tương ứng 52% số lượng và 12% về giá trị giao dịch so với năm 2022. Riêng số lượng giao dịch chuyển tiền nhanh NAPAS 247 tăng tương ứng 62% về số lượng và 13% về giá trị.

Đáng chú ý, số lượng giao dịch qua phương thức quét VietQR tăng 8 lần về số lượng và 4 lần về giá trị giao dịch so với năm 2022. Qua đó cho thấy, người dùng đang ngày càng ưa chuộng và sử dụng thường xuyên hơn dịch vụ chuyển nhanh NAPAS 247 trong chi tiêu, thanh toán hàng ngày, tập trung vào các giao dịch có giá trị nhỏ lẻ, từ thành thị đến nông thôn, từ nhà hàng đến các siêu thị, chợ dân sinh.

Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng, việc thực hiện các quy định cần phải nghiêm túc vì nếu không cũng vẫn có thể dẫn đến việc tội phạm lợi dụng. Ths. Nguyễn Thanh Sơn đưa ra ví dụ về việc quản lý dịch vụ Mobile Money, doanh nghiệp thí điểm dịch vụ hoặc các điểm kinh doanh không thực hiện đúng các quy trình tác nghiệp, hoặc thiếu năng lực, kinh nghiệm trong xác thực khách hàng thì vẫn có rủi ro có các giao dịch giả mạo, giao dịch bất hợp pháp trà trộn lẫn trong các giao dịch thông thường của người dân.

PGS. TS NGUYỄN THỊ MÙI, THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG TƯ VẤN CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ QUỐC GIA:

Các khoản giao dịch nhỏ dễ bị lơ là thiếu cảnh giác

Chống rửa tiền của các dịch vụ ngân hàng, cuộc chiến với “kẻ vô hình”
PSG. TS. Nguyễn Thị Mùi

Việc phòng chống rủi ro rửa tiền và tài trợ khủng bố gắn với các sản phẩm tài chính toàn diện là yêu cầu thực tiễn hiện nay, vì các sản phẩm tài chính khi ứng dụng thực tế đời sống đều có thể ẩn chứa rủi ro. Ranh giới giữa hoạt động hợp pháp và tội phạm là rất mong manh.

Tính chất của các loại sản phẩm này là đơn giản, dễ sử dụng. Đối tượng sử dụng các sản phẩm này là rất đông đảo, phạm vi rộng, nhưng sự am hiểu kiến thức tài chính ngân hàng của họ lại rất hạn chế. Nhiều trường hợp người dân vô tình tiếp tay cho tội phạm mà không biết. Do đó, việc quản lý rủi ro trong mảng này thậm chí khó khăn hơn rất nhiều so với quản lý rủi ro với các giao dịch tài chính lớn.

Một trong những khó khăn trong việc phòng chống tội phạm nữa chính là ở nhận thức. Chúng ta nhận thức nó là sản phẩm giá trị nhỏ, rủi ro thấp nên chúng ta chưa thực sự coi trọng và đó chính là yếu tố tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng để rửa tiền. Chẳng hạn như tình trạng rửa tiền qua các khâu khâu thanh toán, không ít trường hợp việc đi truy xuất nguồn gốc dòng tiền rất vòng vo, rất khó phát hiện vì giá trị nhỏ.

PGS.TS NHỮ TRỌNG BÁCH - PHÓ GIÁM ĐỐC TRƯỜNG BỒI DƯỠNG CÁN BỘ TÀI CHÍNH (BỘ TÀI CHÍNH).

“Chu trình” rửa tiền thường trải qua 3 giai đoạn

Chống rửa tiền của các dịch vụ ngân hàng, cuộc chiến với “kẻ vô hình”
PGS. TS. Nhữ Trọng Bách

Tiền “bẩn” thường có nguồn gốc từ buôn lậu, buôn bán ma tuý, tham nhũng và hối lộ, buôn người, trộm cắp, tham ô, lừa đảo, tống tiền, trốn thuế, tội phạm tài chính, tài trợ khủng bố... Kẻ rửa tiền thường thực hiện qua các giai đoạn: sắp xếp, phân lớp và hòa nhập trong một quy trình nhằm biến những đồng tiền có nguồn gốc phi pháp thành những đồng tiền có vẻ ngoài hợp pháp.

Giai đoạn sắp xếp (sắp đặt) là giai đoạn đầu tiên trong quy trình rửa tiền liên quan đến việc bố trí các khoản tiền phi pháp vào trong hệ thống tài chính ngân hàng hoặc các hệ thống khác.

Giai đoạn thứ hai là phân lớp (phân tán), mục đích của giai đoạn này là tách các khoản tiền có được từ hoạt động tội phạm khỏi nguồn gốc phạm tội của chúng. Mục đích là chuyển những khoản tiền, tài sản đó càng xa nơi xảy ra tội phạm càng tốt, nhằm tránh bị lực lượng thực thi pháp luật phát hiện và tịch thu bằng cách tạo ra các lớp giao dịch tài chính phức tạp.

Giai đoạn thứ ba là hòa nhập (quy tụ), đây là giai đoạn cuối cùng khi kẻ rửa tiền tiến hành hoà nhập những khoản tiền có được từ hoạt động bất hợp pháp vào nền kinh tế./.