trang 6

Ngành Hải quan luôn quan tâm đầu tư trang thiết bị kiểm tra, giám sát, đáp ứng yêu cầu hội nhập.

Để rõ hơn về vấn đề này, bà Nguyễn Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng cục Hải quan đã chia sẻ với phóng viên TBTCVN.

* PV: Bà có thể cho biết khả năng đáp ứng các yêu cầu FTA và TPP của cơ quan hải quan trong thời gian qua?

- Bà Nguyễn Việt Nga: Thực hiện các FTA và TPP về cơ bản kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) sẽ tăng lên, thông qua cam kết về cắt giảm thuế quan đã được các nước thống nhất.

Mặt khác, FTA và TPP đặt ra các yêu cầu đơn giản hóa thủ tục hải quan, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) XNK theo thông lệ quốc tế.

Để chuẩn bị cho việc triển khai thực hiện những cam kết của FTA mà Việt Nam đã ký, trong những năm qua, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Hải quan nỗ lực vào cuộc. Tiêu biểu là việc Hải quan Việt Nam đã triển khai thành công hệ thống thông quan tự động (VNACCS/VCIS) nhằm rút ngắn thời gian làm thủ tục XNK của DN.

Đồng thời, Luật Hải quan năm 2014 (có hiệu lực từ 1/1/2015), tạo ra một bước phát triển mới về cơ sở pháp lý trong hoạt động kiểm tra, giám sát hải quan để thực hiện tốt các cam kết quốc tế, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng. Đặc biệt, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) đã nghiên cứu, xây dựng đưa vào nhiều điều khoản đáp ứng yêu cầu tạo thuận lợi thương mại trong Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu đã được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ 1/9/2016.

ba nga

Bà Nguyễn Việt Nga

* PV: Cụ thể, cam kết TPP sẽ ảnh hưởng như thế nào đối với hoạt động của cơ quan hải quan, thưa bà?

- Bà Nguyễn Việt Nga: TPP có hẳn một chương về thủ tục hải quan, cốt lõi của chương này là cam kết về đơn giản hóa thủ tục hải quan, tạo thuận lợi cho DN XNK theo thông lệ quốc tế.

Cải cách đáng lưu ý thứ nhất là quy định cho phép người khai hải quan yêu cầu cơ quan hải quan xác định trước mã số, xuất xứ và trị giá hàng hóa, giúp cho DN chủ động xác định mặt hàng sản xuất, kinh doanh XNK dựa trên quyết định của cơ quan hải quan ban hành. Việc này cũng phù hợp với các cam kết trong các hiệp định thương mại mà chúng ta đã ký kết tham gia trong khu vực ASEAN và WTO.

Cải cách thứ hai là thủ tục hải quan đối với hàng hóa chuyển phát nhanh được đơn giản hóa theo đúng cam kết TPP theo hướng rút ngắn thời gian thông quan, nâng mức miễn thuế, trị giá tối thiểu cho các lô hàng.

Cải cách thứ ba liên quan đến hoạt động xuất xứ hàng hóa hiện tại cơ quan hải quan đang phải kiểm soát.

Cụ thể, TPP đưa ra cơ chế DN tự xác nhận xuất xứ hàng hóa XNK. Như vậy, khi thực hiện TPP, thay bằng việc kiểm tra giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (do tổ chức Chính phủ hoặc một tổ chức được Chính phủ của nước xuất khẩu chỉ định…), cơ quan hải quan sẽ kiểm tra xuất xứ dựa trên cam kết tự chứng nhận của người khai XNK… Đây là thách thức rất lớn đối với cơ quan hải quan khi tham gia TPP. Như vậy, cơ quan hải quan sẽ phải nắm vững các quy định liên quan đến xuất xứ hàng hóa, thực hiện kiểm tra dựa trên thông tin người XNK cung cấp, không còn được xác minh xuất xứ tại cơ quan Chính phủ nữa…

Cơ quan hải quan cũng sẽ chịu thách thức hơn nữa với việc phải kiểm soát luồng hàng hóa không nhỏ để tránh những đối tác, quốc gia không phải là thành viên TPP lợi dụng đưa hàng hóa vào Việt Nam chuyển tải bất hợp pháp cũng như gian lận xuất xứ hàng hóa để hưởng ưu đãi thuế.

* PV: Việc tham gia các FTA và TPP sẽ tác động đến công tác thu ngân sách của ngành Hải quan ra sao thưa bà?

- Bà Nguyễn Việt Nga: Việc tham gia vào các FTA và TPP đồng nghĩa với việc thu ngân sách từ thuế XNK sẽ giảm theo lộ trình cam kết.

Tính đến nay, Việt Nam đã ký kết 12 FTA trong và ngoài khu vực với mức độ tự do hóa trung bình khoảng 90% (cắt giảm thuế suất về 0%) vào các thời điểm khác nhau tùy từng FTA.

Việc giảm thu ngân sách từ thuế nhập khẩu sau khi thực hiện các FTA và TPP là hệ quả chắc chắn và trực tiếp. Nguồn thu ngân sách từ thuế nhập khẩu lúc này sẽ chuyển dịch sang thuế nội địa.

Tuy nhiên, trước mắt đối với hàng xuất khẩu có số thu chủ yếu như khoáng sản, dầu thô, than đá, quặng các loại… thì việc duy trì thuế suất thuế xuất khẩu là một trong những biện pháp hữu hiệu trong việc quản lý việc xuất khẩu các mặt hàng không khuyến khích xuất khẩu, tài nguyên, nguyên liệu thô. Từ đó hạn chế việc chảy máu tài nguyên, khuyến khích chế biến sâu, bảo hộ sản xuất trong nước và góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách. Để đảm bảo nguồn thu ngân sách, chúng ta cần xây dựng thêm các sắc thuế khác thay thế, hạn chế xuất khẩu những mặt hàng không khuyến khích xuất khẩu...

* PV: Xin cảm ơn bà!

Trong thời gian tới, ngành Hải quan sẽ quan tâm triển khai các giải pháp thích ứng với môi trường hội nhập quốc tế, đảm bảo thuận lợi hóa thương mại, đảm bảo kiểm soát, chống gian lận xuất xứ; nghiên cứu đề xuất chính sách thuế tự vệ, hàng rào kỹ thuật thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước.

Bảo Châu - Hải Linh (thực hiện)