Chủ tịch DIC Corp nói gì khi bị Thanh tra Chính phủ “gọi tên”?
Chủ tịch DIC Corp Nguyễn Thiện Tuấn đã gửi tâm thư đến cổ đông sau khi Thanh tra Chính phủ công bố quyết định thanh tra.

Thanh tra không chỉ riêng DIC Corp?

Ngày 27/2/2023, Thanh tra Chính phủ đã công bố quyết định thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại Tổng Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng.

Trong thông cáo báo chí gửi cổ đông, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thiện Tuấn thông tin, đây là hoạt động rất bình thường của Thanh tra Chính phủ trong giai đoạn hiện nay. Nhà nước đang có chủ trương rà soát lại toàn bộ các hoạt động liên quan đến công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước trước đây, nên không chỉ riêng DIG mà rất nhiều doanh nghiệp đều thuộc đối tượng được Thanh tra Chính phủ kiểm tra, rà soát.

Chốt phiên giao dịch 1/3, DIG được giao dịch 12.600 đồng/cổ phiếu, khối lượng giao dịch 34,6 triệu cổ phiếu, tương đương với 436,1 tỷ đồng. Đáng chú ý, kể từ ngày 2/2 - 1/3, đây là phiên khớp lệnh mang tính đột biến, tăng lên gấp rất nhiều lần so với các phiên trước, đồng thời, giá cổ phiếu cũng xuống thấp nhất trong khoảng trời gian trên.

Cũng theo ông Tuấn, sơ lược quá trình thực hiện nêu trên có thể thấy công tác cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại DIG đã triển khai theo đúng quy định của pháp luật, đã trải qua nhiều lần thanh tra, kiểm toán, kiểm tra… và đã có kết luận. Trong các quá trình thanh tra nêu trên, doanh nghiệp vẫn hoạt động bình thường, triển khai tốt kế hoạch sản xuất kinh doanh đề ra.

"Ban lãnh đạo DIG đang nỗ lực tối đa để đưa doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này. Đồng thời, căn cứ trên thực tế quỹ đất và hiện trạng triển khai đầu tư tại các dự án thì Hội đồng quản trị đã thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023 với con số tương đối khả quan và đã tổ chức lễ ra quân đầu năm" - ông Tuấn chia sẻ.

Sau khi Thanh tra Chính phủ đưa tin về thanh tra toàn diện việc cổ phần hóa tại DIC Corp, ngay từ thời điểm mở phiên giao dịch ngày 1/3, nhà đầu tư đã đặt lệnh bán ồ ạt, đẩy cổ phiếu DIG giảm sàn về mức 12.600 đồng/cổ phiếu. Chỉ sau 30 phút, lượng dư bán sàn của DIG đã lên đến 13 triệu đơn vị. Tính đến chốt phiên ngày, cổ phiếu này vẫn đang còn dư bán tại giá sàn gần 1,2 triệu đơn vị.

Báo cáo tài chính hợp nhất của DIC Corp tính đến ngày 31/12/2022 cho thấy, tổng cộng tài sản đang có hơn 14.743 tỷ đồng, giảm 5,57% so với gần 16.487 tỷ đồng hồi đầu năm; luỹ kế lợi nhuận sau thuế hơn 144 tỷ đồng, giảm hơn 84% so với 952 so với cùng kỳ năm 2021.

Chủ tịch DIC Corp nói gì khi bị Thanh tra Chính phủ “gọi tên”?
Lịch sử giao dịch cổ phiếu DIG trong 16 phiên gần nhất

Hệ sinh thái “chằng chịt”

Tổng công ty Đầu tư phát triển DIC được chuyển đổi từ công ty nhà nước sang công ty cổ phần theo Quyết định số 1302/QĐBXD ngày 15/10/2007 của Bộ Xây dựng về việc phê duyệt phương án cổ phần hóa.

DIC Corp đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh Công ty Cổ phần số 3500101107 (số cũ: 4903000520) đăng ký lần đầu ngày 13/3/2008, cấp lại mã số doanh nghiệp ngày 24/6/2009 và đăng ký thay đổi lần thứ 23 ngày 5/5/2022 do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cấp.

Hiện tại, Hội đồng quản trị DIC Corp do ông Nguyễn Thiện Tuấn làm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch là ông Nguyễn Hùng Cường và bà Nguyễn Thị Thanh Huyền. Ông Hoàng Văn Tân giữ chức vụ Tổng Giám đốc. Ngoài ra, còn có 7 chức vụ phó tổng giám đốc.

Đối với các dự án bất động sản nhà đất, DIC hiện có tất cả 15 dự án “khủng” trải dài ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Thế nhưng, số đông dự án chủ yếu tập trung ở 2 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai.

DIC Corp được thành lập với lĩnh vực kinh doanh chính là đầu tư, xây lắp, dịch vụ du lịch, dịch vụ dầu khí, thương mại, xuất khẩu lao động. Trong đó, ngành nghề kinh doanh như: Đầu tư các khu đô thị mới và khu công nghiệp, đầu tư kinh doanh phát triển nhà và hạ tầng kỹ thuật khu đô thị, quản lý dự án, môi giới bất động sản, kinh doanh dịch vụ du lịch, xử lý môi trường, trạm biến thế…

Đối với cấu trúc doanh nghiệp, DIC Corp hiện có 10 công ty con gồm: Công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng số 1 (tỷ lệ sở hữu 51,67%); Công ty TNHH Du lịch DIC (tỷ lệ sở hữu 78,30%); Công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng Hà Nam (tỷ lệ sở hữu 100%); Công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng số DIC 2 (tỷ lệ sở hữu 51,13%); Công ty CP Đầu tư Phát triển Tầm Nhìn DIC (tỷ lệ sở hữu 98,67%); Công ty CP Đầu tư Phát triển Thương Mại DIC (tỷ lệ sở hữu 98,67%); Công ty CP Thủy Cung DIG (tỷ lệ sở hữu 95%); Công ty CP Gạch men Anh Em DIC (tỷ lệ sở hữu 89,03%); Công ty TNHH MTV Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp DIC (tỷ lệ sở hữu 100%); Công ty TNHH Đại Phước Tiên An (tỷ lệ sở hữu 99,96%).

DIC Corp đang có 4 công ty liên kết gồm: Công ty CP Bất động sản DIC (tỷ lệ sở hữu 42,68%); Công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng Bê Tông (tỷ lệ sở hữu 36%); Công ty Cổ phần Xây dựng DIC Holdings ( tỷ lệ sở hữu 35,89%); Công ty CP Đầu tư Phát triển Phương Nam (tỷ lệ sở hữu 43,35%).

2 liên doanh được góp mặt với DIC Corp là dự án khu dân cư xây dựng đợt đầu 35ha đô thị mới Phú Mỹ với tỷ lệ góp vốn 80% và liên doanh dự án Xuân Thới Sơn - Hóc Môn với tỷ lệ góp vốn 30%.

Dữ liệu từ DIC Corp cho thấy, công ty này đang sở hữu 7 dự án bất động sản du lịch gồm: Khu phức hợp Cap Saint Jaques (169 Thuỳ Vân, phường 8, TP Vũng Tàu) có diện tích sàn 11.306m2, tổng mức đầu tư 3.577 tỷ đồng; Pullman Hotel và Resort (phường Thắng Tam, TP. Vũng Tàu) có diện tích 2,93ha, tổng mức đầu tư 1.712 tỷ đồng; Cao ốc Thuỷ Tiên (84 Trần Phú, phường 5, TP Vũng Tàu) trên dịch tích 0,36ha, tổng mức đầu tư 191 tỷ đồng); DIC Star Landmark Vung Tau (Bãi Sau, TP. Vũng Tàu) quy mô 4.038m2, tổng mức đầu tư 538 tỷ đồng. Ngoài ra, DIC còn có 3 dự án bất động sản du lịch khác là khu nghỉ dưỡng DIC Star Quảng Bình và sân Gofl DIC Quảng Bình; DIC Wonder World Hà Nam; DIC Star Hotel và Resort Vĩnh Phúc./.