Chủ tịch Quốc hội chủ trì buổi làm việc về chính sách tài khoá và tiền tệ
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc

Tham gia buổi làm việc còn có Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các uỷ ban của Quốc hội.

Về phía các cơ quan hữu quan có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng; đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính…

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Hội nghị lần thứ 4 của Ban Chấp hành Trung ương vừa qua đã bàn và đưa ra nhiều quyết sách, trong đó có chủ trương nghiên cứu điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ một cách linh hoạt và phù hợp, phối hợp 2 chính sách này để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp và nhằm phục hồi, phát triển kinh tế. Các vấn đề liên quan đến tài chính ngân sách, tiền tệ đều liên quan đến thẩm quyền của Quốc hội. Với tinh thần vào cuộc từ sớm, từ xa, lãnh đạo Quốc hội cùng đại diện các cơ quan hữu quan đã trao đổi, nắm tính hình và gợi mở các vấn đề cần được quan tâm trong điều hành chính sách.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là những vấn đề hệ trọng, khó khăn, phức tạp, vì vậy, các cơ quan phải cùng bàn bạc để sớm nắm được vấn đề, bàn thảo thận trọng, kỹ lưỡng. Bên cạnh những khung chính sách tài khóa, tiền tệ đã được Chính phủ đề ra, buổi làm việc sẽ tiếp tục bàn về những chính sách phát sinh, hỗ trợ cho khung chương trình phục hồi, phát triển kinh tế. Nếu kịp chuẩn bị, bảo đảm chất lượng với sự đồng thuận thống nhất cao sẽ căn cứ theo Điều 53 Luật Tổ chức Quốc hội để trình Quốc hội tổ chức phiên họp chuyên đề nhằm xem xét, quyết định vấn đề này.

Tại buổi làm việc, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã có báo cáo về tình hình, tác động của đại dịch COVID-19, đánh giá kết quả thực hiện một số chính sách và dự kiến nhiệm vụ, giải pháp điều hành trong thời gian tới.

Chủ tịch Quốc hội chủ trì buổi làm việc về chính sách tài khoá và tiền tệ
Toàn cảnh buổi làm việc

Trước đó, trong phát biểu bế mạc Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 4, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, dự báo trong năm 2022, tình hình dịch bệnh trên thế giới và ở nước ta còn diễn biến phức tạp, khó lường; có thể còn bùng phát các đợt dịch mới với những biến chủng mới, lây lan nhanh hơn và nguy hiểm hơn. Thế giới khó có thể kiểm soát dịch bệnh một cách tuyệt đối. Do đó, cần phải có chính sách, biện pháp phù hợp để phòng, chống, "thích ứng an toàn, linh hoạt" với dịch bệnh.

Hội nghị đặc biệt nhấn mạnh từ bài học kinh nghiệm trong nước và quốc tế đúc rút được thời gian qua, cần phải đổi mới tư duy, nhận thức đúng đắn hơn về phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh gắn với duy trì, phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh để xây dựng các phương án, kịch bản phù hợp đưa vào Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, tài chính-ngân sách nhà nước, đầu tư công năm 2022 sao cho sát hợp, khả thi nhất có thể.

Trên cơ sở kế hoạch kinh tế-xã hội năm 2022 và chủ trương, định hướng phòng, chống dịch trong tình hình mới, kịp thời điều chỉnh chính sách tài chính, tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, tạo nguồn lực để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, phục hồi sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hoá, lao động.

Sớm nghiên cứu, xây dựng kịch bản tăng trưởng mới cho thời kỳ "hậu COVID-19", các giải pháp tổng thể kích thích nền kinh tế, hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động, không để suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn.

Hội nghị cũng yêu cầu tiếp tục rà soát, tính toán kỹ lưỡng, chuẩn xác hoá lại các mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để trình Quốc hội xem xét, quyết định, bảo đảm đáp ứng yêu cầu vừa tiếp tục phòng, chống, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, vừa phục hồi phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2022 và các năm tiếp theo./.