7 tháng thu được trên 19.800 tỷ đồng nợ thuế

Đánh giá kết quả thu hồi nợ thuế của Tổng cục Thuế cho thấy, số nợ toàn ngành thu hồi được trong tháng 7/2022 ước đạt 3.600 tỷ đồng. Lũy kế tính đến cuối tháng 7/2022, toàn ngành thu được 19.845 tỷ đồng, bằng 47% chỉ tiêu thu nợ năm 2022.

Tính đến thời điểm 31/7/2022, tỷ lệ tổng tiền thuế nợ trên tổng dự toán thu năm 2022 là 11,4%. Trong đó: Tỷ lệ tiền thuế nợ có khả năng thu trên tổng dự toán thu năm 2022 là 7,7%; tỷ lệ tiền thuế nợ không còn khả năng thu trên tổng dự toán thu năm 2022 là 2,1%.

Theo Tổng cục Thuế, tổng số tiền thuế nợ do ngành Thuế quản lý ước tính đến thời điểm ngày 31/7/2022 là khoảng 133.639 tỷ đồng. Nếu không kể số tiền thuế nợ đang xử lý và tiền thuế nợ đang khiếu nại, khiếu kiện, thì tổng số tiền thuế nợ tính đến thời điểm 31/7/2022 là 115.853 tỷ đồng.

Chú trọng giải đáp, hướng dẫn, gỡ vướng mắc trong xử lý nợ thuế
Chú trọng giải đáp, hướng dẫn, gỡ vướng mắc trong xử lý nợ thuế

Trong đó, nợ tiền thuế có khả năng thu là 68.141 tỷ đồng, tăng 0,5% so với thời điểm ngày 30/6/2022; tiền phạt và tiền chậm nộp của các khoản nợ có khả năng thu là 22.748 tỷ đồng; tiền thuế nợ không còn khả năng thu hồi là 24.964 tỷ đồng; tiền thuế nợ đang xử lý là 7.980 tỷ đồng; tiền thuế nợ đang khiếu nại, khiếu kiện là 9.802 tỷ đồng.

Tổng cục Thuế cho biết, tổng số tiền thuế nợ ước tại thời điểm 31/7/2022 tăng so với thời điểm 31/12/2021 một phần do phát sinh tiền chậm nộp tính 0,03%/ngày trên tổng số tiền nợ thuế. Một số người nộp thuế (NNT) thuộc ngành nghề được gia hạn nộp thuế chưa nộp giấy đề nghị gia hạn nộp thuế theo Nghị định 34/2022/NĐ-CP, nên vẫn phải theo dõi nợ thuế làm tổng số nợ thuế tăng lên. Bên cạnh đó, một số NNT cũng gặp phải khó khăn trong sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch Covid-19, dẫn đến chưa nộp kịp thời tiền thuế vào ngân sách nhà nước (NSNN).

Thông tin về công tác xử lý khoanh nợ, xóa nợ thuế không còn khả năng thu theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 (Nghị quyết 94) của Quốc hội, Tổng cục Thuế cho biết, trong 7 tháng năm 2022, cơ quan thuế các cấp đã thực hiện xử lý khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp không còn khả năng nộp NSNN theo Nghị quyết 94 ước đạt 2.369 tỷ đồng.

Địa phương thực hiện quyết liệt các giải pháp thu nợ

Ghi nhận công tác thu nợ thuế của các địa phương cho thấy, tại Khánh Hòa, Cục Thuế Khánh Hòa đã ban hành 126.316 lượt thông báo tiền thuế nợ, tiền phạt và tiền chậm nộp. Công khai thông tin 4.345 lượt NNT nợ thuế lên website cục thuế. Cung cấp thông tin 29.387 lượt NNT trên kênh thông tin riêng cho các sở, ngành để tra cứu và phối hợp đôn đốc thu hồi nợ thuế khi giải quyết các thủ tục hành chính tại các sở, ngành, huyện, thị. Thông qua các biện pháp thu nợ, số nợ đã thu và xử lý là 298 tỷ đồng, bằng 39,4% chỉ tiêu thu nợ. Cục Thuế Khánh Hòa đã ban hành 934 quyết định cưỡng chế; số thuế nợ phải thu hồi là 144,9 tỷ đồng; số thuế nợ đã thu được 50,4 tỷ đồng, đạt 35% số phải thu hồi qua cưỡng chế nợ thuế.

Để kéo giảm nợ thuế, Cục Thuế Khánh Hòa đã giao bộ phận quản lý nợ thuế tiếp tục thực hiện tốt công tác đôn đốc, cưỡng chế áp dụng đầy đủ, kịp thời các biện pháp cưỡng chế nợ theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế đối với NNT vi phạm pháp luật thuế, chây ỳ nợ thuế, cố tình chiếm dụng thuế của NSNN.

Đã xử lý 34.771 tỷ đồng nợ thuế theo Nghị quyết 94/2019/QH14

Lũy kế kết quả thực hiện xử lý nợ từ khi Nghị quyết 94 có hiệu lực (1/7/2020) đến cuối tháng 7/2022 ước đạt 34.771 tỷ đồng, trong đó: Xử lý khoanh nợ tiền thuế là 28.164 tỷ đồng; xử lý xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp là 6.607 tỷ đồng.

Tại Bắc Giang, nhờ thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp thu nợ nên từ đầu năm đến nay, Cục Thuế Bắc Giang đã thu được gần 850 tỷ đồng nợ thuế của các doanh nghiệp trên địa bàn. Trong tổng số thu nêu trên, có khoảng 530 tỷ đồng nợ phát sinh năm 2022, còn lại là nợ của năm trước chuyển sang.

Lãnh đạo Cục Thuế Bắc Giang cho hay, đến nay, tổng nợ đọng có khả năng thu trên địa bàn còn khoảng 610 tỷ đồng, thấp hơn 5% so với tổng thu ngân sách, bảo đảm chỉ tiêu Bộ Tài chính, UBND tỉnh giao theo quy định.

Đại diện Cục Thuế Quảng Ninh cho biết, để đảm bảo đến cuối năm 2022 tổng nợ không vượt quá 7%; trong đó thuế phí không vượt quá 4%, từ nay đến hết năm, cục thuế tiếp tục thực hiện những biện pháp thu nợ đã đạt hiệu quả trong các tháng đầu năm. Cục thuế lập kế hoạch thu nợ theo tháng, quý và giao chỉ tiêu thu nợ đến từng cán bộ, công chức quản lý nợ; tăng cường áp dụng các biện pháp đôn đốc thu nợ và cưỡng chế nợ thuế theo đúng quy định của pháp luật.

Tổng cục Thuế cho biết, ngoài việc chỉ đạo cơ quan thuế các cấp chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý nợ thuế, đã giao Vụ Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế xây dựng văn bản hướng dẫn quy trình nghiệp vụ, kế hoạch tập huấn, tổ chức thực hiện quy trình quản lý nợ cho công chức làm công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế; khẩn trương ban hành quy trình sửa đổi, bổ sung quy trình cưỡng chế nợ thuế phù hợp với quy định của Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, Nghị định số 126/2020/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 80/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Vụ Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế tiếp tục đẩy mạnh việc xử lý, giải quyết, thẩm định các hồ sơ xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp; tổng hợp kết quả xử lý của toàn ngành Thuế; hướng dẫn, giải đáp và xử lý các vướng mắc trong quá trình giải quyết khoanh nợ, xóa nợ, gia hạn, miễn tiền chậm nộp và cưỡng chế nợ thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 và Nghị quyết 94.

Đồng thời, Tổng cục Thuế giao Vụ Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế khẩn trương tổng hợp số liệu để báo cáo Bộ Tài chính tổ chức sơ kết đánh giá tình hình, kết quả triển khai thực hiện xử lý khoanh nợ, xóa nợ theo quy định tại Nghị quyết 94 của Quốc hội.