Thị trường chứng khoán hôm nay diễn biến có sự khác biệt giữa 2 phiên sáng – chiều. Chỉ số VN-Index dù giằng co nhưng kết thúc phiên sáng vẫn giữ được sắc xanh; tuy nhiên trong phiên chiều, áp lực bán mạnh từ các cổ phiếu trụ đã châm ngòi cho lực bán gia tăng trên diện rộng. Lực bán ra chủ yếu xuất phát từ dòng tiền khối nội, bất chấp nỗ lực mua ròng khá bền bỉ của khối nhà đầu tư ngoại.

Theo số liệu từ MBS, dừng lúc đóng cửa ngày 30/6, chỉ số VN-Index giảm -20,49 điểm (-1,68%) còn 1.197,6 điểm. Áp lực bán ra mạnh khiến độ rộng thị trường nghiêng về bên bán, toàn thị trường chỉ có 89 mã tăng, trong khi có tới 371 mã giảm và 48 mã đứng giá.

Chứng khoán hôm nay (30/6): Chịu áp lực từ các trụ lớn, VN-Index khép lại quý II dưới ngưỡng 1.200 điểm
Đồ thị kỹ thuật chỉ số VN-Index. Nguồn: MBS.

Các cổ phiếu trụ giảm mạnh khiến chỉ số VN30-Index cũng sút mất -24,48 điểm (-1,92%) điểm xuống 1.248,92 điểm. Ở rổ VN30 cũng chỉ có 3 cổ phiếu tăng trong khi có tới 27 cổ phiếu giảm. Nhóm midcap và smallcap phiên này chịu áp lực giảm lần lượt -2,43% và -1,93%.

Các cổ phiếu lớn đã gây sức ép lên chỉ số VN-Index phiên này là: BID (-4,01%), VHM (-1,9%), VPB (-3,33%), TCB (-3,27%), FPT (-4,22%), … đã lấn át nỗ lực tăng giá ở các cổ phiếu khác như: BCM (+3,88%), SBT (+6,57%), PGV (+2,34%), DXS (+6,36%), DPM (+2%), …

Diễn biến tương tự cũng diễn ra trên sàn Hà Nội khiến các chỉ số chính đều đóng cửa trong sắc đỏ. Theo đó, HNX-Index giảm -4,67 điểm (-1,65%) xuống 277,68 điểm. Toàn sàn HNX có 56 mã tăng, 145 mã giảm và 32 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm nhẹ hơn với -0,3 điểm (-0,34%) xuống 88,58 điểm. Toàn sàn UPCoM chỉ có 126 mã tăng, trong khi có 168 mã giảm và 60 mã đứng giá.

Thanh khoản thị trường chứng khoán trong nước hôm nay tương đương phiên trước, khi tổng giá trị khớp lệnh đạt 11.922 tỷ đồng, tăng 1,36%. Trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HOSE tăng không đáng kể, đạt 10.561 tỷ đồng, tương đương mức bình quân 11.300 tỷ đồng ở tuần trước. Tổng cộng trên HOSE có 472 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng thành công so với mức bình quân 535 triệu cổ phiếu 10 ngày trước đó.

Khối ngoại giao dịch khá cân bằng trong phiên hôm nay, khi mua vào 31,7 triệu cổ phiếu, trị giá 1.008 tỷ đồng; trong khi bán ra 32 triệu cổ phiếu, trị giá 992 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng ở mức 410.481 tỷ đồng, tuy nhiên, nếu tính về giá trị, dòng vốn này mua ròng trở lại gần 16 tỷ đồng.

Lực mua của khối ngoại tập trung tại các cổ phiếu như HDG, STB, HDB, VND, GEX, … Ở chiều ngược lại, MWG, VNM, VIC, NVL, E1VFVN30 … là những cổ phiếu/chứng chỉ quỹ bị nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trong phiên này.

Trên sàn HOSE, khối ngoại mua ròng trở lại 6,4 tỷ đồng, nhưng nếu xét về khối lượng dòng vốn ngoại sàn này bán ròng 744.166 cổ phiếu. Trên sàn HNX, khối ngoại có phiên mua ròng liên tiếp với giá trị giảm 60,5% xuống còn 1,7 tỷ đồng, tương ứng khối lượng 114.126 cổ phiếu. Còn trên sàn UPCoM, khối ngoại mua ròng trở lại 7,9 tỷ đồng, tương ứng khối lượng 219.459 cổ phiếu.

Chứng khoán hôm nay (30/6): Chịu áp lực từ các trụ lớn, VN-Index khép lại quý II dưới ngưỡng 1.200 điểm
Nhà đầu tư có thể tận dụng các nhịp điều chỉnh để tái cân bằng danh mục khi báo cáo kết quả kinh doanh quý II/2022 có thể sắp được công bố. Ảnh: Minh họa.

Như vậy, thị trường chứng khoán trong nước khép lại quý II với VN-Index đóng cửa dưới ngưỡng 1.200 điểm trong bối cảnh thanh khoản ở mức thấp. Đây là phiên giảm dưới sức ép từ các trụ lớn, cũng như áp lực từ việc các quỹ chốt giá trị tài sản ròng (NAV).

Bên cạnh đó diễn biến giảm của chứng khoán thế giới cũng tác động đến thị trường trong nước phiên này. Ngoại trừ thị trường Trung Quốc, các thị trường chứng khoán khu vực châu Á - Thái Bình Dương đều đóng cửa trong sắc đỏ: Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 giảm -1,54%; chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm -1,91%; thị trường Australia và New Zealand cũng lùi lần lượt -1,97% và -1,03%.

Đặc biệt, đêm qua, thị trường chứng khoán Mỹ giảm phiên thứ ba liên tiếp và tiến tới hoàn tất nửa đầu năm tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ. Cả chỉ số Dow Jones và S&P 500 đang trên đà hoàn tất quý giảm mạnh nhất kể từ quý I/2020 - thời điểm Covid-19 trở thành đại dịch toàn cầu. Trong 3 tháng trở lại đây, Nasdaq đã giảm hơn 20%, quý tệ nhất của chỉ số này kể từ năm 2008. Nếu nhìn lại 6 tháng, S&P 500 đang chuẩn bị hoàn tất nửa đầu năm tệ nhất kể từ thập niên 1970, trong bối cảnh hàng loạt yếu tố bất lợi gây áp lực lên thị trường.

Về kỹ thuật, các chuyên gia của MBS cho rằng, chỉ số VN-Index vẫn đang trong nhịp nảy từ đáy thứ 2 và đây cũng là phiên chốt lời mạnh nhất trùng với thời điểm thường các quỹ chốt NAV. Thanh khoản ở phiên giảm trên diện rộng như hôm nay không cao và nhịp giảm trong phiên chiều thanh khoản tăng hơn phiên sáng cho thấy lực cầu bắt đáy đặt mua chủ động ở vùng giá thấp. “Do vậy, chừng nào thị trường còn giữ được mức đáy thứ 2 thì thị trường vẫn nằm trong xu hướng phục hồi. Nhà đầu tư có thể tận dụng các nhịp điều chỉnh để tái cân bằng danh mục khi báo cáo kết quả kinh doanh quý II/2022 có thể sắp được công bố” – Chuyên gia của MBS cho hay./.