![]() |
Giao dịch viên tại Sàn chứng khoán New York, Mỹ. |
Dữ liệu mới nhất từ kinh tế Mỹ cho thấy chi tiêu tiêu dùng của Mỹ trong tháng 2/2025 phục hồi yếu hơn dự kiến, trong khi lạm phát lõi tăng mạnh nhất trong 13 tháng qua.
Chứng khoán Mỹ khởi sắc trong 2 phiên giao dịch đầu tuần này (24 - 25/3), trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư dự đoán Mỹ sẽ đưa ra một lập trường chính sách thương mại linh hoạt hơn. Tuy nhiên, thị trường lao dốc trong ba phiên liên tiếp sau đó, khi Tổng thống Donald Trump thông báo quyết định áp thuế lên tới 25% đối với ô tô nhập khẩu - điều mà ông đã cam kết từ lâu với các cử tri Mỹ.
Kết thúc phiên cuối tuần ngày 28/3, chỉ số S&P 500 giảm 1,97% và đóng cửa ở mức 5.580,94 điểm. Chỉ số công nghệ Nasdaq giảm 2,70% xuống 17.322,99 điểm, trong khi chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 1,69% xuống 41.583,90 điểm. Tính chung cả tuần, S&P 500 giảm 1,5%, Nasdaq giảm 2,6% và Dow Jones giảm khoảng 1%.
Với mức giảm mạnh phiên cuối tuần này, S&P 500 đã giảm khoảng 9% so với mức cao kỷ lục đóng cửa vào ngày 19/2. Nasdaq đã giảm khoảng 14% so với mức cao kỷ lục đóng cửa vào ngày 16/12/2024. Như vậy, chỉ số S&P 500 đang trên đà ghi nhận quý đầu tiên giảm điểm sau sáu quý, trong khi chỉ số Nasdaq chuẩn bị ghi nhận mức giảm hàng quý mạnh nhất kể từ năm 2022.
Các cổ phiếu công nghệ lớn chịu áp lực bán mạnh. Giá cổ phiếu của Apple giảm 2,7%, Microsoft mất 3%, còn Amazon lao dốc 4,3%. Bên cạnh đó, khảo sát từ Đại học Michigan cho thấy kỳ vọng lạm phát của người tiêu dùng Mỹ trong 12 tháng tới tăng lên mức cao nhất trong gần 2 năm rưỡi, khiến giới đầu tư lo ngại về áp lực giá cả gia tăng.
Làn sóng bán tháo khiến chỉ số biến động CBOE – thước đo “nỗi sợ hãi” của Phố Wall – tăng gần 3 điểm lên mức cao nhất trong 1 tuần.