Chuyển đổi số, góp phần kiểm soát dịch Covid-19

Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hải Phòng triển khai ứng dụng công nghệ thông tin
trong tiêm chủng Covid-19.

PV: Xin ông cho biết những kết quả nổi bật chuyển đổi số của ngành Y tế trong phòng, chống dịch Covid-19?

PGS.TS Trần Quý Tường: Bộ Y tế đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19. Hiện có 3 ứng dụng chính dùng để khai báo y tế điện tử và phát hiện tiếp xúc gần, gồm ứng dụng NCOVI, ứng dụng tờ khai y tế - VHD (VietNam Health Decleration); ứng dụng Bluezone. Tính đến nay, có hơn 80 triệu lượt tờ khai y tế, có thời điểm có hơn 600 nghìn lượt khai báo y tế/ngày.

Chuyển đổi số, góp phần kiểm soát dịch Covid-19
PGS.TS Trần Quý Tường

Qua hơn 1 năm triển khai, Bluezone cho thấy hiệu quả về truy vết tiếp xúc ở các vụ dịch đợt 2 (Đà Nẵng), đợt 3 (Hải Dương), đợt 4 (Bắc Ninh, Bắc Giang và các tỉnh khác). Kể từ cuối tháng 4/2021 đến nay đã có hơn 51.000 trường hợp tiếp xúc gần với F0 được khai thác qua Bluezone, bổ sung vào danh sách truy vết truyền thống. Đến nay đã có hơn 50 triệu lượt tải Bluezone.

Từ cuối tháng 7/2021, Bộ Y tế và sở y tế các địa phương đẩy mạnh triển khai ứng dụng “Sổ sức khỏe điện tử" nhằm hỗ trợ người dân đăng ký tiêm chủng, quản lý sức khỏe toàn dân. Trong ứng dụng này cũng có cả phần khai báo y tế.

Nhiều địa phương như Quảng Nam, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Tháp... có triển khai cách thức khai báo y tế tích hợp vào cổng thông tin của chính quyền hay mạng xã hội Zalo; nhiều công sở, bệnh viện cũng có những mẫu tờ khai y tế riêng của mình.

Việc quét mã QR code từ 3 nền tảng (VHD, Bluezone, NCOVI) với hơn 1,2 triệu địa điểm được tạo với 45 triệu lượt quét từ tháng 6/2021. Khoảng 76 nghìn địa điểm duy trì hoạt động việc quét QR thường xuyên.

Cùng với đó, ứng dụng Nền tảng quản lý tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 với khả năng đáp ứng của nền tảng là 5 triệu mũi tiêm/ngày với 42 nghìn bàn tiêm. Chuẩn hóa địa bàn hành chính 10.599 xã, 18 nghìn cơ sở, điểm tiêm chủng; huy động 1.200 người tham gia chiến dịch cho nền tảng.

Triển khai phần mềm tổng hợp, phân tích, báo cáo tình hình dịch Covid-19 do Cục Công nghệ thông tin phối hợp với Tập đoàn Sovico xây dựng phần mềm thu thập các nguồn dữ liệu về phòng, chống dịch Covid-19, cung cấp các phân tích dữ liệu chi tiết, theo nhiều chiều, chuyên sâu về tình hình dịch bệnh cho ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp bức tranh đầy đủ về tình hình dịch bệnh.

Đồng thời, Bộ Y tế xây dựng nền tảng Việt Nam khoẻ mạnh; quản lý thu mẫu và trả kết quả xét nghiệm Covid-19; ngoài ra phối hợp với các bộ, ngành xây dựng hệ thống camera giám sát khu cách ly; hệ thống an toàn Covid… Đặc biệt, Bộ Y tế đã phê duyệt Đề án y tế từ xa, kết nối nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth) tới 100% bệnh viện trên toàn quốc.

PV: Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện chuyển đổi số, Bộ Y tế có gặp phải khó khăn, vướng mắc gì không, thưa ông?

PGS.TS Trần Quý Tường: Bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn khó khăn trong việc liên thông dữ liệu, đặc biệt với bảo hiểm y tế và cơ sở dân cư của Bộ Công an. Chưa xây dựng được định mức chi phí CNTT y tế trong giá dịch vụ y tế; các hệ thống lớn đòi hỏi phải đầu tư nguồn lực, thời gian để triển khai như hồ sơ sức khỏe toàn dân, cơ sở dữ liệu y tế quốc gia…

Đồng thời, vướng mắc trong triển khai các nền tảng phòng chống Covid-19 như: Nền tảng quản lý tiêm chủng vắc-xin Covid-19. Vì đây là một nền tảng lớn nhưng lại được xây dựng trong thời gian ngắn nên nền tảng hoạt động còn chưa ổn định, các thành phần của hệ thống còn chưa hoàn thiện, trong quá trình hoạt động còn xảy ra lỗi. Một số cơ sở tiêm vắc-xin Covid-19 chưa triển khai tiêm trên nền tảng hoặc chưa nhập dữ liệu hồi cứu kịp thời dẫn đến người dân đã tiêm nhưng chưa có chứng nhận điện tử trên hệ thống Sổ sức khỏe điện tử và Cổng thông tin tiêm chủng.

Nền tảng khai báo y tế điện tử hiện nay vẫn còn tồn tại 3 ứng dụng khai báo y tế điện tử chưa kể phần mềm “di biến động dân cư" của Bộ Công an, gây khó khăn cho người dân khi thực hiện khai báo y tế điện tử.

Trong đó, PC-Covid mới được công bố triển khai, cần thêm thời gian để hoàn thiện, có thể thay thế được 3 phần mềm (NCOVI, VHD, Bluezone); ngoài ra, nền tảng quản lý thu mẫu và trả kết quả xét nghiệm chưa có quy định về việc công nhận kết quả xét nghiệm điện tử.

PV: Theo ông, thời gian tới Bộ Y tế tiếp tục có những giải pháp như thế nào để đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số nhằm hoàn thành mục tiêu đã đề ra?

PGS.TS Trần Quý Tường: Để đạt được mục tiêu, theo tôi, cần chuyển đổi nhận thức, tăng cường tuyên truyền, đẩy mạnh truyền thông về chuyển đổi số y tế. Thúc đẩy, tạo điều kiện nghiên cứu, sáng tạo, thử nghiệm các công nghệ số trong y tế.

Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật. Tăng cường đầu tư cho y tế số để biến cơ hội chuyển đổi số thành hiện thực cần nhiều nguồn lực đầu tư, Bộ Y tế sẽ quan tâm bố trí kinh phí cho chương trình chuyển đổi số y tế cũng như huy động các nguồn lực xã hội tham gia.

Bên cạnh đó, nâng cao tính sẵn sàng của hạ tầng số y tế, Bộ Y tế đang xây dựng trung tâm dữ liệu y tế quốc gia, đầu tư hạ tầng phòng máy chủ đạt tiêu chuẩn Tier2 trở lên; hình thành trục tích hợp cho các hệ thống thông tin quy mô quốc gia; hoàn thiện hệ thống dịch vụ công trực tuyến; đưa vào vận hành hệ thống thống kê y tế điện tử và hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân...

Tiếp tục thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong y tế, phối hợp triển khai 1 ứng dụng phòng chống Covid-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, kết nối liên thông dữ liệu giữa các ứng dụng phòng chống Covid-19, đảm bảo quản lý được đầy đủ, kịp thời các thông tin dịch bệnh.

Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong khám chữa bệnh, thúc đẩy việc triển khai bệnh viện thông minh; tăng cường phát triển nguồn lực số y tế thông qua đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức và người lao động của ngành Y tế về ứng dụng CNTT, chuyển đổi số y tế. Thúc đẩy việc đào tạo CNTT y tế trong các cơ sở đào tạo nhân lực y tế.

PV: Xin cảm ơn ông!

20 bệnh viện triển khai thành công bệnh án điện tử

PGS.TS Trần Quý Tường cho biết, được sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, sự giúp đỡ của các bộ, ngành, địa phương cùng với sự nỗ lực cố gắng của toàn ngành Y tế, công tác ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số y tế đã đạt được một số thành quả, như: Bộ Y tế đã khai trương Cổng công khai y tế là kênh chính thống của Bộ để người dân và doanh nghiệp tra cứu các thông tin về giá thuốc, giá trang thiết bị y tế, giá vật tư y tế, giá sinh phẩm chẩn đoán, giá khám chữa bệnh, giá niêm yết, giá đấu thầu, thông tin về các sản phẩm đang lưu hành hoặc đã được thu hồi, kết quả xử lý thủ tục hành chính, vi phạm trong quảng cáo…

Cho tới nay, đã có 99,5% các cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước kết nối liên thông với hệ thống giám định của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam. Ứng dụng công nghệ thông tin trong bệnh viện có bước phát triển đột phá, 100% các bệnh viện có phần mềm quản lý thông tin bệnh viện (HIS), 20 bệnh viện đã triển khai thành công bệnh án điện tử, không sử dụng bệnh án giấy và thanh toán không không dùng tiền mặt, từng bước hình thành bệnh viện thông minh. Đến nay có 23 bệnh viện đã triển khai hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS) thay cho in phim…