toàn cảnh

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Văn Nam.

Đây là phát biểu của Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên tại Hội nghị Chuyển đổi số y tế quốc gia năm 2020 do Bộ Y tế phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Tập đoàn Đầu tư và quản lý V-startup tổ chức ngày 29/12, tại Hà Nội.

Chuyển đổi số y tế giúp phòng chống dịch Covid-19

Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, năm 2020, thế giới chịu tác động mạnh mẽ của dịch Covid-19. Nhưng ở khía cạnh khác, dịch Covid-19 đã đem đến cơ hội đặc biệt thúc đẩy chuyển đổi số y tế tại Việt Nam. Trong đó, Bộ Y tế đã nắm bắt thời cơ, chuyển đổi số y tế hướng tới chuyển đổi số quốc gia.

Cụ thể, ngay từ đầu năm 2020, Bộ Y tế đã xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch để thúc đẩy các đơn vị, cơ sở khám chữa bệnh nhanh chóng tiến hành số hóa và tiến tới chuyển đổi số. Đồng thời, Bộ kêu gọi sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp CNTT Việt Nam phục vụ sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe người dân, bước đầu đạt được một số thành quả, như đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong bệnh viện: 100% các bệnh viện trên toàn quốc đã triển khai hệ thống thông tin quản lý bệnh viện; có 10 bệnh viện và 1 phòng khám đã triển khai bệnh án điện tử thay cho bệnh án giấy; có 23 bệnh viện đã triển khai hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS) thay cho in phim…

“Đồng thời, triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo, ứng dụng rô-bốt trong y tế, ứng dụng ra quyết định lâm sàng trong các hệ thống thông tin bệnh viện, cảnh báo tương tác thuốc bệnh viện; hỗ trợ tư vấn - Chatbot; nhận dạng tiếng nói để nhập dữ liệu vào hệ thống thông tin bệnh viện” - Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho hay.

Người dân có thể khám chữa bệnh từ xa tại 1.000 cơ sở y tế

Chia sẻ về việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong y tế cơ sở, PGS.TS Trần Quý Tường - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) cho biết, Bộ Y tế đã tổ chức lễ khánh thành 1.000 cơ sở y tế khám chữa bệnh từ xa Telehealth. Theo kế hoạch này, nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã bước đầu triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, quản lý sức khỏe người dân liên tục, suốt đời như Tỉnh Phú Thọ, Bình Dương...

Bên cạnh đó, ngành Y tế xây dựng phần mềm quản lý trạm y tế xã thống nhất. Hình thành nền tảng quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu y tế V20. Tổ chức triển khai hệ thống thống kê y tế điện tử trên toàn quốc. Hiện nay Bộ Y tế đang tiếp tục triển khai nhiều hệ thống thông tin lớn như: Mạng kết nối y tế Việt Nam, nền tảng quản lý thông tin y tế cơ sở kết nối dữ liệu gần 12.000 trạm y tế trên toàn quốc, ứng dụng đăng ký khám chữa bệnh trực tuyến, thanh toán điện tử không dùng tiền mặt và nhiều ứng dụng thiết thực khác với mục tiêu hướng tới chuyển đổi số toàn diện ngành Y tế.

Theo PGS.TS Trần Quý Tường, thời gian qua, ngành Y tế đã đẩy mạnh và có bước phát triển đột phá trong ứng dụng CNTT như: Tiếp cận các công nghệ số như vạn vật y tế kết nối (IoT), AI, điện toán đám mây (Cloud Computing), phân tích dữ liệu lớn (Big Data)... Mục tiêu chuyển đổi số của y tế 5 năm tới là phấn đấu 100% cơ sở y tế trên toàn quốc triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt; 90% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử; 100% triển khai tư vấn khám chữa bệnh từ xa và đặt lịch khám chữa bệnh trực tuyến. Đến năm 2025, 15% (khoảng 210/1.400 bệnh viện) chuyển đổi số thành công và phấn đấu đến năm 2030, tăng tỷ lệ này lên 50%.

Về việc đồng bộ mã số định danh y tế (ID), sẽ sử dụng mã số bảo hiểm xã hội của người dân để xây dựng ID y tế và triển khai thực hiện trên toàn quốc; triển khai hồ sơ bệnh án điện tử tại tất cả các cơ sở khám chữa bệnh; triển khai hệ thống quản lý đơn thuốc điện tử quốc gia tại tất cả cả cơ sở khám bệnh bệnh công lập và tư nhân trên cả nước.

“Hiện, Bộ Y tế là một trong hai Bộ đầu tiên đã hoàn thành 100% các thủ tục hành chính thực hiện dịch vụ công cấp độ 4 và kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia; thực hiện công khai y tế với 62.438 loại thuốc, 17.066 loại trang thiết bị, vật tư y tế được công khai giá, 1.400 bệnh viện công khai giá dịch vụ y tế, góp phần quan trọng trong xây dựng nền y tế minh bạch, hiệu quả…”- PGS.TS Trần Quý Tường cho biết./.

Văn Nam