PV: Trước, trong và sau hai Hội nghị đối thoại chính sách thuế giữa cơ quan thuế, hải quan với doanh nghiệp năm 2022, được tổ chức tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ, linh kiện điện tử, tinh bột sắn phản ánh cho rằng cơ quan thuế “giam” tiền hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT), khiến doanh nghiệp đối diện nhiều khó khăn, không có vốn để sản xuất kinh doanh, có nguy cơ phá sản, ông nhận định thế nào về vấn đề này?

Ông Nguyễn Văn Được: Theo quan sát của tôi, trong thời gian vừa qua, có khá nhiều vụ việc móc nối, gian lận và để hoàn thuế GTGT làm thất thoát ngân sách nhà nước (NSNN). Chính vì vậy, để đảm bảo chính sách hoàn thuế không bị trục lợi, gây thất thu cho NSNN, ngành Thuế đã chỉ đạo thực hiện các biện pháp nghiệp vụ khác nhau nhằm bịt các lỗ hổng, cũng như hạn chế các tình trạng rủi ro, gian lận trong khâu hoàn thuế.

"Tôi cho rằng, cơ quan thuế không có chủ ý “giam” tiền hoàn thuế của doanh nghiệp".

Chuyên gia nói gì về thông tin
Ông Nguyễn Văn Được

Mục tiêu của việc làm trên nhằm bảo vệ tiền thuế của NSNN không bị chiếm đoạt, thất thoát. Đây là việc làm hoàn toàn đúng đắn của ngành Thuế và thiết nghĩ cần phải có biện pháp quyết liệt hơn nữa để đảm bảo sự công bằng, minh bạch, cũng như tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, hạn chế gian lận.

Việc ngành Thuế ban hành các văn bản chỉ đạo nội bộ thực hiện các nghiệp vụ kiểm tra, giám sát, xác minh đối với các trường hợp thuộc đối tượng rủi ro cao về thuế như xuất khẩu gỗ là điều cần thiết và nên làm để tránh sự gian lận vốn dĩ mà những ngành nghề rủi ro cao về thuế xưa nay đã xảy ra.

Tuy nhiên, việc chỉ đạo, giám sát và xác minh thuộc về nội bộ ngành Thuế và phải thực hiện trong thời gian cho phép của thủ tục hoàn thuế đã được Luật Quản lý thuế số 38 năm 2019 quy định tại khoản 2 Điều 70 là không quá 40 ngày kể từ ngày cơ quan thuế có văn bản chấp nhận hồ sơ hoàn thuế.

Thực tế cho thấy, việc xác minh nguồn gốc của gỗ xuất khẩu phải trải qua nhiều khâu có thể từ F1, F2, F3… đến Fn dẫn đến thời gian hoàn thuế bị chậm cho doanh nghiệp là không tránh khỏi.

Chiểu theo Luật Quản lý thuế số 78 có hiệu lực từ ngày 1/7/2007 và nay là Luật Quản lý thuế số 38 có hiệu lực từ ngày 1/7/2020, các quy định theo hướng tự khai, tự nộp và tự chịu trách nhiệm. Do đó, theo cá nhân tôi, ngành Thuế cần thực hiện quản lý thuế rủi ro và đẩy mạnh công tác hậu kiểm.

Chuyên gia nói gì về thông tin
Khi làm ăn chân chính, doanh nghiệp sẽ chứng minh được nguồn gốc hàng hóa, kể cả đối tác xuất khẩu của doanh nghiệp. Ảnh: TL

Theo đó, ngành Thuế thực hiện phối hợp sâu sát với các cơ quan chức năng như: cơ quan công an, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các cấp, cũng như cơ quan thuế địa phương…, đẩy nhanh tiến độ xác minh để thực hiện thủ tục hoàn thuế theo đúng quy định về thời gian, trình tự được Luật Quản lý thuế 38 đã quy định nhằm tránh gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Trong mọi trường hợp, ngành Thuế không nên kéo dài thời gian xác minh và không nên kéo dài thời gian hoàn thuế cho doanh nghiệp nếu đã xác minh và hoàn tất thủ tục hoàn thuế như báo chí và các doanh nghiệp phản ánh.

PV: Theo ông, cơ quan thuế có chủ ý "giam” tiền hoàn thuế của doanh nghiệp như các doanh nghiệp đã phản ánh?

Ông Nguyễn Văn Được: Quan sát các phản ánh của doanh nghiệp và trả lời kiến nghị doanh nghiệp của cơ quan thuế cho thấy, hầu hết doanh nghiệp bị chậm hoàn thuế là do doanh nghiệp lập chứng từ, hồ sơ xin hoàn thuế nhưng không có hàng hóa mua vào, không có kho hàng bến bãi, không có phương tiện vận chuyển, mua hóa đơn để hợp thức hóa đầu vào hoặc sử dụng hóa đơn của các doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh…

Đặc biệt hơn, khi cơ quan thuế Việt Nam thực hiện xác minh hóa đơn với cơ quan thuế nước ngoài theo hiệp định tránh đánh thuế hai lần để thu thập thông tin củng cố hồ sơ hoàn thuế, thì cơ quan thuế nước ngoài trả lời không có thông tin người nộp thuế, không liên lạc được và không tìm thấy địa chỉ trụ sở của các cá nhân và doanh nghiệp mua hàng nhập khẩu cần xác minh phía bên nước ngoài... Do đó, việc bị chậm hoàn thuế là điều đương nhiên.

Kết quả của những biện pháp nghiệp vụ nêu trên cho thấy, áp lực cũng như công việc của ngành Thuế đang gặp nhiều khó khăn. Tôi cho rằng, cơ quan thuế không có chủ ý “giam” tiền hoàn thuế của doanh nghiệp.

PV: Theo ông cần có giải pháp gì để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp?

Ông Nguyễn Văn Được: Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thì ngành Thuế cần đẩy nhanh công tác xác minh, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để trả và thực hiện kết quả hoàn thuế theo quy định trong mọi trường hợp, sau đó thực hiện công tác hậu kiểm ngay khi được hoàn thuế để đảm bảo phát hiện và ngăn ngừa, cũng như xử lý kịp thời các trường hợp gian lận hoàn thuế.

Đồng thời, ngành Thuế cũng cần rà soát trình tự thủ tục hoàn thuế sao đảm bảo đơn giản, gọn nhẹ và hiệu quả, đảm bảo đúng thời gian và đúng pháp luật trên cơ sở góp ý của các cơ quan, bộ, ngành… và cộng đồng doanh nghiệp để đảm bảo quy trình thực hiện được bám sát với thực tiễn tránh gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp và người nộp thuế.

Luật Quản lý thuế có cơ chế kiểm tra sau hoàn thuế. Bởi vậy, ngành Thuế nên thực hiện hoàn thuế theo đúng trình tự thủ tục đã được luật hóa và sự chỉ đạo nội bộ, trong thời gian quy định để tranh gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp.

Ngay sau khi hoàn thuế, ngành Thuế nghiêm túc thực hiện hậu kiểm để sớm và kịp thời phát hiện các trường hợp gian lận nếu có để chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý và thu hồi kịp thời số thuế đã hoàn.

"Việc cơ quan thuế thực hiện hoàn thuế nhanh cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có dòng vốn quay vòng sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, nếu thực hiện hoàn thuế nhanh cho doanh nghiệp nhưng không đúng quy định của pháp luật, gây thất thu thuế cho NSNN, thì chính cán bộ thuế, cơ quan thuế lại vi phạm pháp luật như câu chuyện vừa xảy ra" - ông Nguyễn Văn Được.

Ngành Thuế tiếp tục thực hiện cơ chế quản lý thuế rủi ro và thực hiện xử lý nghiêm minh các trường hợp gian lận hoàn thuế để làm gương cho các doanh nghiệp và người nộp thuế biết về các chế tài, cũng như hậu quả pháp lý của hành vi gian lận nhằm chiếm đoạt số tiền hoàn thuế từ đó định hướng doanh nghiệp làm ăn chân chính và đàng hoàng tạo đà cho sự phát triển môi trường kinh doanh lành mạnh.

PV: Về phía doanh nghiệp, theo ông các doanh nghiệp cần có động thái gì để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình?

Ông Nguyễn Văn Được: Khi làm ăn chân chính, doanh nghiệp sẽ chứng minh được nguồn gốc hàng hóa, kể cả đối tác xuất khẩu của doanh nghiệp.

Để hoàn thuế cho doanh nghiệp, cơ quan thuế cần xác minh thông tin, củng cố hồ sơ pháp lý đầy đủ, theo quy định của pháp luật. Nếu việc xác minh thông tin của cơ quan thuế gặp khó khăn, thì doanh nghiệp cũng cần phải chứng minh được điều đó với cơ quan thuế như đối tác xuất khẩu của doanh nghiệp.

PV: Xin cảm ơn ông!