Phát biểu tại buổi tọa đàm, Tổng KTNN Hồ Đức Phớc cho rằng, chúng ta đang bước sang cuộc CMCN thứ tư (4.0). Đây là một cuộc cách mạng về sản xuất thông minh dựa trên nền internet kết nối vạn vật, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo, tương tác thực tại ảo, mạng xã hội, điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn... để chuyển hóa toàn bộ thế giới thực thành thế giới số.

CMCN 4.0 có những tác động mạnh mẽ và toàn diện đến thế giới đương đại, tác động to lớn về kinh tế, xã hội và môi trường. Các tác động này mang tính tích cực trong dài hạn song cũng tạo ra nhiều thách thức điều chỉnh trong ngắn hạn và trung hạn.

Kiểm toán
Toàn cảnh buổi Tọa đàm. Ảnh: DT

Theo Tổng KTNN, trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, CMCN 4.0 sẽ tác động mạnh mẽ đến đời sống kinh tế - xã hội. Việc tiếp cận thành tựu cách mạng sản xuất mới sẽ tạo ra công cụ đắc lực giúp Việt Nam tham gia hiệu quả chuỗi giá trị toàn cầu và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Những cải cách công nghệ mang tính đột phá có thể dẫn đến những điều kỳ diệu trong sản xuất và năng suất, tác động tích cực đến tăng trưởng dài hạn.

Tuy nhiên, Tổng KTNN cũng cho rằng, cuộc CMCN 4.0 cũng đặt ra nhiều thách thức mới đối với các nước đang phát triển như Việt Nam. Đó là thách thức tụt hậu xa hơn, nếu không chủ động đi đúng hướng, không bắt đúng nhịp, lao động chi phí thấp mất dần lợi thế, khoảng cách công nghệ và tri thức nới rộng hơn dẫn đến phân hóa xã hội sẽ sâu sắc hơn.

“Vì vậy chủ động nắm cơ hội vượt lên thách thức là trách nhiệm của mỗi ngành, mỗi cấp, mỗi đơn vị. KTNN cần và thực hiện chiến lược, kế hoạch phù hợp, phải chủ động xây dựng cuộc cách mạng 4.0, đặc biệt là việc nâng cao năng lực hoạt động kiểm toán, áp dụng quy trình, công nghệ hiện đại, công cụ công nghệ thông nghệ tiện ích tối ưu, kỹ năng mới, phương tiện thiết bị hiện đại để hoàn thành nhiệm vụ được giao” - Tổng KTNN Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Mai Chi - Trưởng ban Đối ngoại của ACCA (Hiệp hội Kế toán công chức Anh) Việt Nam cũng cho rằng, đối với ngành Kế toán kiểm toán tài chính thì CMCN 4.0 vừa đặt ra thách thức, nhưng đồng thời cũng tạo cơ hội cho những ai sẵn sàng ủng hộ.

Theo bà Mai Chi, có hai thách thức lớn đối với KTVNN. Thứ nhất, họ cần phải hiểu rõ các động lực thay đổi chính để định hình tương lai của KTNN và cách thức để những động lực này thay đổi bộ máy, cách thức vận hành cơ quan kiểm toán tối cao. Thứ hai, họ cần đưa ra các hỗ trợ và các quyết định có tầm ảnh hưởng tài chính, nhằm đảm bảo ngân sách nhà nước được sử dụng hiệu quả nhất và tiết kiệm nhất.

Như vậy, “KTVNN cần xác định những rủi ro mà cơ quan kiểm toán tối cao có thể gặp phải cũng như cách thức và phương pháp kiểm toán cần áp dụng ở hiện tại và trong tương lai với sự phát triển của CMCN 4.0” - bà Chi nói.

Còn theo TS. Lê Đình Thăng - Giám đốc Trường Đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán: “Để nắm bắt cơ hội trước cuộc CMCN 4.0, là KTVNN, là đoàn viên thanh niên trước tiên cần tìm hiểu, nắm bắt về cuộc cách mạng này về đặc điểm, bản chất, đặc trưng. Từ đó, cần tìm hiểu và biết ứng dụng nhanh những thành tựu, cũng như tranh thủ sự phát triển của internet để tiếp cận với các công nghệ mới, đặc biệt là các công nghệ phần mềm ứng dụng trong lĩnh vực kiểm toán”./.

Duy Thái