9

Sau cổ phần hóa Vinamilk đã tăng trưởng vượt trội và trở thành cổ phiếu hàng đầu trên thị trường chứng khoán.

PV: Thưa ông, tại Dự thảo Đề án Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trọng tâm là tập đoàn (TĐ), tổng công ty (TCT) nhà nước (NN) giai đoạn 2021 – 2025 đã đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, cơ cấu lại các DNNN theo hình thức chủ yếu là cổ phần hóa (CPH), thoái vốn. Ông bình luận như thế nào về mục tiêu này?

Ông Hà Huy Phong: Các TĐ, TCT NN đã từng là những “cánh chim đầu đàn” và thực tế vẫn đang giữ vai trò khá quan trọng trong nền kinh tế hiện nay. Tuy nhiên cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh những mặt đã làm được, các DNNN cũng còn tồn tại nhiều vấn đề gây bức xúc trong dư luận. Đó là, chất lượng và hiệu quả hoạt động của DNNN còn thấp; nhiều DNNN nắm giữ khối lượng tài sản, tài nguyên lớn của đất nước, cả về tài chính, con người đến đất đai... nhưng chưa tận dụng hoặc khai thác hết, khiến lợi ích thu về thấp hoặc rất thấp, thậm chí là thua lỗ. Đặc biệt, một số DNNN và dự án do DNNN đầu tư còn yếu kém, làm ăn thua lỗ, để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, làm thất thoát lớn tài sản của NN… Chính vì vậy, yêu cầu cơ cấu lại DNNN cần tiếp tục được đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới.

phong
Ông Hà Huy Phong

Trên thực tế, chúng ta đã CPH nhiều TĐ, TCT NN trong thời gian vừa qua, nên số lượng TĐ, TCT còn lại không còn nhiều. Ở giai đoạn 5 năm tới, Chính phủ đặt mục tiêu xử lý dứt điểm và rốt ráo kế hoạch sắp xếp, cơ cấu lại các DNNN để cơ bản hoàn thành công tác này vào năm 2025. Tuy nhiên cũng phải thấy rằng, những DNNN còn lại chưa được CPH là những DN phức tạp, rất khó thực hiện CPH. Vì vậy có thể nói, mục tiêu này tương đối tham vọng và là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn. Do đó, để hiện thực hóa được mục tiêu này đòi hỏi phải có sự nỗ lực rất lớn, rất quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành và nội bộ các DN cần được CPH.

Ngoài ra, với các TĐ, TCT NN thì việc sắp xếp lại không chỉ là CPH mà còn là sắp xếp theo hướng tái cơ cấu về mô hình tổ chức hoạt động, về lĩnh vực kinh doanh, bố trí nhân sự…, Do đó cần có những phương án tái cơ cấu hiệu quả để hoạt động của các DNNN sau tái cơ cấu đạt được kết quả cao nhất.

PV: Theo quan điểm của ông, đâu là những thách thức đối với công cuộc sắp xếp, cơ cấu lại DNNN giai đoạn 2021 – 2025?

Ông Hà Huy Phong: Tôi cho rằng, khó khăn, thách thức lớn nhất đối với công cuộc sắp xếp, cơ cấu lại DNNN giai đoạn 2021 – 2025 nằm ở vấn đề xác định giá trị DN, bởi quanh vấn đề này, phát sinh một loạt các nội dung khác có liên quan.

Trước hết có thể thấy, trong công tác ban hành chính sách pháp luật, chúng ta đã có những bước tiến nhất định trong những năm vừa qua. Theo đó, rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các vấn đề về CPH DNNN liên tục được nghiên cứu xem xét, sửa đổi, bổ sung theo hướng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và đã tạo một số hiệu ứng tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn một bài toán thực tế là những khoản nợ, khoản thua lỗ và những sai phạm có từ trong quá khứ vẫn là một vấn đề nan giải không dễ xử lý. Thêm vào đó, về phía các cơ quan có thẩm quyền vẫn còn tồn tại tình trạng sợ trách nhiệm, đùn đẩy trách nhiệm trong việc ra quyết định về các vấn đề liên quan đến xác định giá trị DN...

Thứ hai, cái khó trong bài toán xác định giá trị DN là sự biến động giá cả trong những thời điểm khác nhau. Trình tự, thủ tục để xử lý các vấn đề về CPH ở nhiều trường hợp còn quá lâu, kéo dài cả năm, thậm chí nhiều năm, nên tính từ khi bắt đầu tiến trình CPH cho đến khi xác định giá trị DN thì giá trị tài sản, đặc biệt là giá trị quyền sử dụng đất đã có sự thay đổi rất lớn.

Ngoài ra, có thể nhìn thấy một vấn đề trong công tác CPH và sắp xếp lại các DNNN, đó là quá trình này có thể phát sinh tiêu cực ở bất kỳ khâu nào, nên dẫn đến tâm lý né tránh, nghi ngại, phòng ngừa và đùn đẩy công việc cho nhau… Từ những điều trên có thể thấy, công tác cơ cấu lại DNNN thời gian tới vẫn là chặng đường nhiều gian nan, song dù khó thì chúng ta vẫn phải làm, phải gỡ từng bước để quyết tâm hoàn thành mục tiêu đã đề ra.

PV: Để đẩy nhanh tiến độ CPH, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN thì trách nhiệm của người đứng đầu đóng một vai trò rất quan trọng. Vậy theo ông, trong giai đoạn tới việc nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cần được đặt ra như thế nào?

Ông Hà Huy Phong: Tôi cho rằng, tiến độ CPH DNNN thời gian qua còn chậm cũng có một phần nguyên nhân chủ quan, khi một số người đứng đầu có thẩm quyền cố tình chây ỳ, không tích cực và quyết liệt trong việc thực hiện chủ trương CPH vì nhiều mục đích khác nhau. Vì vậy, trong giai đoạn tới việc nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cần được đặt ra một cách rõ nét hơn. Theo đó, cần tăng cường trách nhiệm của những người đứng đầu, có thẩm quyền trong công tác sắp xếp lại DNNN và coi đó như là những nhiệm vụ chính trị cần phải hoàn thành đúng thời hạn; quy trách nhiệm cho người đứng đầu trong việc làm chậm trễ công tác CPH DNNN.

Thêm vào đó, việc cơ cấu lại DNNN ở giai đoạn này tiềm ẩn nhiều rủi ro nên nếu không quyết liệt thì sẽ rơi vào tình trạng đùn đẩy, né tránh và ngâm hồ sơ. Do đó, trách nhiệm của người đứng đầu càng phải nâng cao hơn nữa, bởi chỉ khi người đứng đầu quyết liệt thì khả năng đẩy nhanh tiến trình cơ cấu lại DNNN mới thành hiện thực.

PV: Xin cảm ơn ông!

Những doanh nghiệp nhà nước còn lại chưa được cổ phần hoá (CPH) là những doanh nghiệp (DN) phức tạp, rất khó thực hiện CPH. Vì vậy có thể nói, mục tiêu này tương đối tham vọng và là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn. Do đó, để hiện thực hóa được mục tiêu này đòi hỏi phải có sự nỗ lực rất lớn, rất quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành và nội bộ các DN cần được CPH.

Mạnh Nguyễn (thực hiện)