Cổ phiếu chứng khoán - Cơ hội nhìn từ động lực chính sách và nền tảng thị trường

Thuận chiều từ chính sách

Thông điệp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, quyết tâm trong chỉ đạo, điều hành của Bộ Tài chính, nỗ lực của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các đơn vị liên quan trong triển khai tiếp tục là yếu tố quan trọng, tác động tới diễn biến tích cực tới thị trường chứng khoán (TTCK) trong năm 2024.

Đầu tiên, Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030, trong đó đặt mục tiêu quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 100% GDP vào năm 2025 và đạt 120% GDP vào năm 2030. Theo các chuyên gia của SSI Research, với vị thế hiện tại, các chính sách nhằm hỗ trợ phát triển thị trường vốn minh bạch và hiệu quả sẽ phải được thúc đẩy và triển khai, các công ty chứng khoán (CTCK) nhờ vậy cũng sẽ được hưởng lợi từ việc này.

Thu hút khoảng 1,7 - 2,5 tỷ USD khi được nâng hạng

Với mức vốn hóa free float (chuyển nhượng tự do) của thị trường Việt Nam đang vào khoảng 35 tỷ USD - bằng khoảng 1/4 Indonesia và Thái Lan, từ đó ước tính tỷ trọng của Việt Nam trong chỉ số FTSE mới nổi vào khoảng 0,7% - 1% và FTSE Global là 0,1%. Điều này có thể giúp Việt Nam ngay lập tức thu hút được khoảng 1,7 - 2,5 tỷ USD khi quyết định nâng hạng có hiệu lực.

Mới đây nhất, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển TTCK năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đánh giá rất tích cực về sự phát triển vượt bậc của TTCK Việt Nam, đồng thời khẳng định mạnh mẽ: “Việt Nam tiếp tục phát triển TTCK công khai, minh bạch, an toàn, hiệu quả, toàn diện, hội nhập và bền vững, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các chủ thể tham gia”.

Cùng với đó, Chính phủ quyết tâm nâng hạng TTCK Việt Nam từ cận biên lên mới nổi, với tinh thần "đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện, có sản phẩm, hiệu quả cân đong đo đếm được”, để thu hút mạnh mẽ hơn dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước.

Theo nhiều chuyên gia, việc nâng hạng lên TTCK mới nổi của FTSE Russel là một trong những yếu tố then chốt để thu hút dòng vốn ngoại vào thị trường trong nước, từ đó sẽ kích thích mạnh mẽ dòng vốn nội cùng tham gia.

Chuyên gia của SSI Research cho rằng, vấn đề vướng mắc lớn nhất của Việt Nam để FTSE Russell thực hiện nâng hạng thị trường lên thị trường mới nổi là xử lý vấn đề phải ký quỹ trước khi giao dịch của các nhà đầu tư tổ chức. Trong khi các nhà đầu tư cá nhân trong nước đã có nghiệp vụ cho vay ký quỹ để giải quyết vấn đề này, hiện nay, quy định các nhà đầu tư tổ chức đều phải thực hiện ký quỹ 100% trước khi giao dịch và điều này chưa phù hợp với các thông lệ quốc tế.

Việc xử lý yêu cầu này có thể được thực hiện theo 2 phương thức, bao gồm áp dụng mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP) về dài hạn và trong ngắn hạn các CTCK sẽ thực hiện hỗ trợ thanh toán đối với các nhà đầu tư tổ chức (Non Prefunding Solution - NPS). Bộ Tài chính theo kế hoạch trong năm 2024 sẽ sửa đổi một số văn bản pháp lý có liên quan để có thể triển khai mô hình NPS.

“FTSE Russell sẽ dựa trên phản hồi từ các nhà đầu tư để đánh giá mô hình NPS có hoạt động hiệu quả hay không, việc quyết định phân loại Việt Nam vào Thị trường Mới nổi của FTSE Russell có thể diễn ra sớm nhất vào tháng 9/2024 (kịch bản tích cực), hoặc tháng 3/2025 (kịch bản cơ sở) và sẽ có hiệu lực vào 6 tháng sau đó” - Chuyên gia của SSI Research dự báo.

Cổ phiếu chứng khoán thường có tính thuận chu kỳ

Nhìn lại năm 2023, cổ phiếu các CTCK đã có một năm ghi nhận sự tăng trưởng vượt trội, khi có tỷ suất lợi nhuận cao nhất thị trường. Theo số liệu từ SSI Research, tỷ suất lợi nhuận cổ phiếu ngành chứng khoán năm 2023 tăng tới 96,3% so với cùng kỳ.

Theo các chuyên gia, kinh tế phục hồi, lãi suất ngân hàng liên tục hạ về mức thấp, kết quả kinh doanh cải thiện, thanh khoản duy trì ở mức khá… là những động lực chính giúp giá cổ phiếu các CTCK bật tăng mạnh trong năm 2023.

Thống kê cho thấy, nhóm các CTCK có thế mạnh về mảng tự doanh có mức tỷ suất lợi nhuận cao nhất, như: VIX (202,5%), BSI (199,3%), FTS (+164,7%), VDS (+133,3%), hay SHS (125,0%)... Nhóm CTCK truyền thống như SSI (+92,6%), VCI (+86,7%), HCM (+77,9%) và VND (+64,8%) cũng ghi nhận mức tăng vượt trội so với mặt bằng chung của thị trường.

Cổ phiếu chứng khoán - Cơ hội nhìn từ động lực chính sách và nền tảng thị trường

Các chuyên gia của SSI Research kỳ vọng, kết quả kinh doanh của các CTCK trong 2024 sẽ nối tiếp đà phục hồi của năm 2023 trong bối cảnh môi trường lãi suất thấp thu hút dòng tiền cá nhân trong nước vào TTCK. Trong khi đó, dòng tiền khối ngoại cũng có thể đảo chiều vào ròng trong kịch bản Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hạ lãi suất và triển vọng về nâng hạng thị trường.

“Với kịch bản cơ sở về giá trị giao dịch trung bình ngày tăng 8% so với cùng kỳ trong năm 2024, thì kết quả kinh doanh từ mảng môi giới và cho vay ký quỹ của các CTCK sẽ tiếp tục đươc cải thiện. Hơn nữa, các chính sách thuận lợi để kích thích thị trường vốn dự kiến sẽ được triển khai, với khả năng Việt Nam sẽ được nâng hạng lên thị trường phát triển của FTSE Russel vào cuối năm 2024 hoặc 2025” - các chuyên gia này cho hay.

Tuy nhiên, “cũng cần lưu ý rằng, định giá hiện tại của CTCK đã phản ánh đáng kể về kỳ vọng dòng tiền vào thị trường trong môi trường lãi suất thấp năm 2024, trong khi vẫn có CTCK còn phải đối mặt với những rủi ro về chất lượng tài sản hay pháp lý” - chuyên gia SSI Research lưu ý./.