Cổ phiếu FLC dư bán giá sàn tới trên 78,2 triệu đơn vị

Hôm 10/1, giao dịch bán không công bố của Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bị hủy và đến hôm nay, ngày T+3, chỉ có một khối lượng hơn 31 triệu cổ phiếu FLC về tài khoản.

Rõ ràng những ai “mua được” cổ phiếu từ tài khoản ông Quyết là cực kỳ may mắn, vì sẽ nhận được tiền. Số còn lại cực “đen” vì khi cổ phiếu về đến tài khoản, mức thua lỗ đã là 18,2% nếu tính trên giá thấp nhất. Nếu “đu đỉnh” giá 24.100 đồng, mức lỗ tới 28,2%.

Tiếp tục bán tháo, cổ phiếu đầu cơ mất thanh khoản giá sàn hàng loạt
Diễn biến phiên giao dịch VN-Index

Vấn đề là mức lỗ trên vẫn chỉ là “đếm cua trong lỗ”, vì nhà đầu tư có bán được đầu mà tính? Hôm nay khối lượng bán thành công ở giá sàn với FLC là 826.300 cổ phiếu. Tức là nếu những người “đu đỉnh” hôm 10/1 đặt bán rất sớm thì cũng chỉ có chưa tới 3% là chạy thoát. Đó là chưa kể tới những người này còn phải cạnh tranh với con số không đếm xuể các nhà đầu tư khác đã mua sớm hơn, muốn bán vì mức sàn hôm nay đã là mức thấp nhất trong 13 phiên giao dịch.

Tổng khối lượng cổ phiếu ế ở mức giá sàn hôm nay tại FLC lên tới trên 78,2 triệu đơn vị. Không khó để thấy ngoài những người đu đỉnh, rất nhiều nhà đầu tư khác đã tranh bán ra.

Nếu các nhà đầu tư bán được FLC thì mức lỗ có thể được tính là thiệt hại do hành động “bán chui” của ông Trịnh Văn Quyết. Hệ thống giao dịch hoàn toàn có thể truy vết lại được. Tuy nhiên thiệt hại từ hành động này không chỉ bó hẹp trong diễn biến giá của cổ phiếu FLC, rất nhiều cổ phiếu khác có liên quan như ROS, AMD, HAI, ART, KLF... cũng đang bị bán tháo. Đơn cử như ROS bị bán tháo khoảng 128 triệu cổ cuối phiên hôm nay mà tổng lượng giao dịch thành công chỉ có 322.500 cổ phiếu. ROS đến T+3 cũng đã lỗ tối thiểu 19,1% giá trị.

Tình trạng mất thanh khoản ở nhóm cổ phiếu FLC đang dẫn đến rủi ro lớn hơn cho nhà đầu tư, là khi bán được, mức lỗ có thể còn lớn hơn nhiều. Đây là rủi ro luôn thường trực ở các cổ phiếu đầu cơ, nhưng lúc này chất xúc tác quá mạnh khiến giá xu hướng thay đổi rất sốc. Cả sàn HoSE hôm nay đóng cửa với 80 cổ phiếu giảm sàn, hầu hết là mất thanh khoản và tập trung ở các mã nhỏ, đại đa số thuộc nhóm bất động sản.

Nhu cầu bán ở các cổ phiếu đầu cơ là rất cao. Có những cổ phiếu thanh khoản khổng lồ mà giá vẫn giảm hết biên độ. DIG là ví dụ, đã khớp gần 6,2 triệu cổ ở giá sàn, trị giá 661 tỷ đồng mà vẫn còn dư bán sàn gần 3,7 triệu cổ nữa. HQC khớp gần 243 tỷ đồng, vẫn dư bán sàn 18,3 triệu cổ phiếu; DLG khớp 117,4 tỷ, dư bán sàn 7,69 triệu cổ phiếu...

Cổ phiếu ngân hàng không đủ lực

VN-Index đóng cửa hôm nay giảm 0,96% so với tham chiếu, nhưng VN30-Index chỉ giảm 0,24%. Trong khi đó Midcap giảm 2,89%, smallcap giảm 3,07%.

Chỉ riêng sự khác biệt này cũng cho thấy nhóm blue-chips mạnh khác hẳn các mã còn lại. Tuy nhiên sức mạnh vẫn chưa đủ để “lái” toàn bộ chỉ số.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng khá tốt, tiêu biểu là BID tăng 4,4%, CTG tăng 2,9%, VCB tăng 2,4%, MBB tăng 1,7%. Nhóm giảm trên sàn HoSE có VPB giảm 0,4%, HDB giảm 0,5%, STB giảm 1,2%, VIB giảm 0,7%, TPB giảm 1,98%.

Dù các mã tăng giá vẫn chiếm ưu thế ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, nhưng sức ép giảm giá ở phía giảm cũng không hề nhẹ. VIC giảm 1,98%, VHM giảm 1,67%, GVR giảm 4,05%, GAS giảm 2,78%, VRE giảm 6,11% thậm chí còn gây tác động lớn hơn các mã ngân hàng tăng.

Nhóm blue-chips VN30 hôm nay duy trì phân hóa với 10 mã tăng/18 mã giảm. Tuy vậy ngoài một số trụ giảm sâu như kể trên, số còn lại không nhiều. SSI, SAB, POW, PLX là các mã khác giảm trên 1%.

Các blue-chips đang là hy vọng duy nhất cho thị trường lúc này, vì đà bán tháo ở các mã đầu cơ chưa biết sẽ dừng lúc nào. Tổng giá trị khớp lệnh sàn HoSE hôm nay giảm 15% so với hôm qua, nhưng rổ VN30 giao dịch lại tăng 13%. Đây là tín hiệu về dòng tiền đang chạy vào blue-chips, tạo lực đỡ nhất định.

Tiếp tục bán tháo, cổ phiếu đầu cơ mất thanh khoản giá sàn hàng loạt

HSX

HNX

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

29.515 tỷ đồng (-15%)

977,1 triệu (-11%)

3.182 tỷ đồng (-27%)

106,1 triệu (-21%)