Con đường nào để TP. Hồ Chí Minh chuyển đổi công nghiệp thành công?
Trong sự phát triển kinh tế của thành phố, ngành công nghiệp có vị trí quan trọng và chiếm tỷ trọng đóng góp cao. Ảnh minh họa

Thành phố đang đứng trước nhiều thách thức

TP. Hồ Chí Minh được xem là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ của cả nước, là địa phương có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến kinh tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Trong giai đoạn từ 2016 đến nay, với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế TP. Hồ Chí Minh, ngành công nghiệp đã có những bước phát triển mạnh và vững chắc dựa trên 4 lĩnh vực trọng yếu: cơ khí; điện tử - công nghệ thông tin; hóa dược - cao su nhựa; chế biến lương thực - thực phẩm.

Thế nhưng, theo ông Phạm Bình An - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh, nếu so với xu thế phát triển kinh tế hiện nay thì thành phố vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Cụ thể, ngành công nghiệp thành phố đang bị suy giảm đà tăng trưởng. Năng lực cạnh tranh doanh nghiệp thấp, chưa có doanh nghiệp có tính dẫn dắt, doanh nghiệp khó phát triển theo chiều rộng do chi phí hạ tầng tăng cao…

Cũng theo bà Anna Skarbek - Giám đốc điều hành Trung tâm Climateworks, hiện xuất khẩu của Việt Nam đã tăng lên 93% GDP. Chuyển đổi sản xuất công nghiệp đang phát triển của Việt Nam là điều cần thiết để thu hút đầu tư xanh từ nước ngoài đang ngày càng tăng. Riêng với TP. Hồ Chí Minh, bà Anna Skarbek cho rằng, việc sớm phát triển các khu công nghiệp sạch, sử dụng năng lượng không phát thải đóng vai trò quan trọng trong chuyển đổi công nghiệp của thành phố.

Ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, cũng bày tỏ: "Bên cạnh những thành tựu đạt được thì công nghiệp thành phố đang đứng trước những thách thức, phát triển thiếu bền vững; gia công, lắp ráp còn chiếm tỷ trọng cao; giá trị gia tăng thấp; có công nghệ sau hơn 30 năm đầu tư phát triển nay đã lạc hậu; sử dụng nhiều tài nguyên; thâm dụng lao động; công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm; phân bố khu chế xuất, khu công nghiệp không còn phù hợp, một số khu công nghiệp hiện nay nằm trong vùng lõi của thành phố".

Thành phố cần sự đồng hành để chuyển đổi công nghiệp

Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, để chuyển đổi công nghiệp thành phố thành công, ngoài nỗ lực các doanh nghiệp, nhà đầu tư, cần sự đồng hành của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương và các địa phương.

Trước hết là xây dựng các chính sách ưu đãi mạnh mẽ, khả thi của trung ương và thành phố theo thẩm quyền; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, giúp doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận hiệu quả các nguồn lực theo cơ chế thị trường và tranh thủ sự hỗ trợ, hợp tác của các tổ chức quốc tế, các quốc gia trên thế giới.

Trong phiên đối thoại tại Diễn đàn Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc công nghiệp hóa, hiện đại hóa phải phù hợp với điều kiện Việt Nam và xu thế thế giới. Chính phủ phải nắm chắc tình hình quốc tế, khu vực và trong nước liên quan tới công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa phải dựa vào tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của mỗi quốc gia.

Do đó, chúng ta phải xây dựng và hoàn thiện thể chế, vừa qua Chính phủ đã báo cáo Quốc hội sửa nhiều luật như: Luật Giao dịch điện tử, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản... và đang xây dựng nhiều luật khác.

Trong kỳ họp thứ 8 sắp tới của Quốc hội, số lượng luật thông qua và thảo luận là nhiều nhất từ trước tới nay. Chính phủ cũng ban hành các nghị định, các quyết định quy phạm. Cùng với đó, chúng ta xây dựng cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực; thúc đẩy phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng số, hạ tầng giao thông, hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển xanh và không thể không có hạ tầng xã hội, y tế, giáo dục, văn hóa.

Thủ tướng cho rằng, cần hình thành quản trị phù hợp với chuyển đổi, có lộ trình, kế hoạch, bước đi đào tạo nguồn nhân lực. Ngoài ra, phải huy động sự giúp đỡ, chia sẻ của bạn bè, đối tác quốc tế về kinh nghiệm, nguồn lực…, bởi chuyển đổi là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu, đặc biệt là theo hướng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.

Theo ông Trần Quốc Phương - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cần nhấn mạnh vào 3 lĩnh vực trọng tâm trong chuyển đổi nền kinh tế gồm: cơ cấu lại ngân sách nhà nước; cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước; cơ cấu lại đầu tư công.

Đây là 3 trọng tâm để thúc đẩy tác động đến chuyển đổi nền kinh tế. “Bên cạnh đó có những chính sách cụ thể của từng lĩnh vực trong ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, thương mại… Đi sâu hơn trong thúc đẩy chuyển đổi với ngành công nghiệp cần phải thực hiện chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đi song hành với nhau. Hiện nay để thực hiện thành công thì thúc đẩy đổi mới sáng tạo là yêu cầu bức thiết” - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói.

Con đường nào để TP. Hồ Chí Minh chuyển đổi công nghiệp thành công?

ÔNG LÊ CÔNG THÀNH - THỨ TRƯỞNG BỘ TÀI NGUYÊN & MÔI TRƯỜNG: Thúc đẩy áp dụng kinh tế tuần hoàn trong hoạt động sản xuất

Bộ Tài nguyên & Môi trường sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp thúc đẩy áp dụng kinh tế tuần hoàn trong hoạt động sản xuất. Cụ thể, hỗ trợ về thiết kế sinh thái để đạt được tiêu chí của kinh tế tuần hoàn; hỗ trợ áp dụng, phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất kinh doanh; hỗ trợ thúc đẩy đổi mới sáng tạo áp dụng công nghệ số, công nghệ thân thiện với môi trường, nhất là kỹ thuật hiện có tốt nhất để thực hiện kinh tế tuần hoàn. Bộ cũng có những hỗ trợ về hình thành, phát triển thị trường cho các hàng hóa, dịch vụ được sản xuất trong chuỗi sản xuất tuần hoàn.

Con đường nào để TP. Hồ Chí Minh chuyển đổi công nghiệp thành công?

ÔNG PHẠM BÌNH AN - PHÓ VIỆN TRƯỞNG VIỆN NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN TP. HỒ CHÍ MINH: Tập trung phát triển hạ tầng

Để TP. Hồ Chí Minh quay lại đà tăng trưởng cần tập trung phát triển hạ tầng giao thông kết nối vùng đa dạng, bao gồm đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng không, song song với thúc đẩy phát triển năng lượng sạch, hạ tầng số. TP. Hồ Chí Minh cần nhanh chóng xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có thể tiếp nhận tàu trọng tải đến 250.000 DWT (24.000 TEU), đồng thời phát triển 7 cảng cạn và 9 trung tâm logistics.

Bên cạnh đó, thành phố cần phát triển hạ tầng công nghiệp, chuyển đổi mô hình các khu công nghệ cao, khu công nghiệp và khu chế xuất theo hướng phát triển công nghệ cao, sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, sinh thái. Ngoài ra, thành phố phải tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng logistics, nâng công suất bốc dỡ và kho chứa cảng biển, đón đầu các chuỗi cung ứng, hình thành trung tâm cung ứng dịch vụ logistics tầm cỡ khu vực và đầu tư nâng cao chất lượng nguồn lực.