Một bộ có tới 12 dự án chưa có trong quy hoạch

Theo Thanh tra Chính phủ, trong năm 2014 qua thanh tra tại 444 dự án công trình, kiểm tra 194 dự án có tổng mức đầu tư là 357.330 tỷ đồng đã phát hiện nhiều vi phạm từ khâu chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án đến khâu xác định nguồn vốn, phân bổ vốn đối với các công trình, dự án.

Công tác khảo sát, lập dự án đầu tư còn sơ sài, thiếu chính xác, chưa phản ánh đúng thực tế địa hình, địa chất công trình dẫn tới phải điều chỉnh, bổ sung trong quá trình thực hiện dự án làm tổng mức đầu tư của dự án thay đổi. Việc lập tổng mức đầu tư của dự án không chính xác (thường là nhỏ hơn) dẫn tới thẩm quyền quyết định đầu tư không đúng.

Chẳng hạn do những tồn tại, thiếu sót ở khâu chuẩn bị đầu tư nên giá trị của dự án phải bổ sung tăng so với quyết định phê duyệt ban đầu là 21.316 tỷ đồng; bổ sung giá trị các hạng mục thiếu trong thiết kế là 11.533 tỷ đồng; trượt giá tăng do thời gian thực hiện dự án thay đổi, kéo dài làm tăng giá trị vật liệu… là 27.887 tỷ đồng.

Trong công tác phê duyệt dự án, có bộ có tới 12 dự án chưa có trong quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và có 9 dự án không nằm trong quy hoạch, nhưng vẫn được phê duyệt, triển khai thi công với tổng mức đầu tư là 14.638 tỷ đồng, gây nợ đọng xây dựng cơ bản tổng số tiền là 673 tỷ đồng.

Nhiều dự án thiết kế xong không sử dụng, có dự án do thiết kế không sử dụng được phải thay đổi hoàn toàn gây lãng phí 60,5 tỷ đồng; nhiều dự án do lập tổng mức đầu tư chưa chính xác nên phải thay đổi nhiều lần. Có dự án thay đổi tới 04 lần, có dự án do lập dự án chưa chính xác phải loại bỏ tới 192,8 tỷ đồng.

xay dung

Ảnh minh họa

Kết quả thanh tra cũng cho thấy, các cơ quan quản lý chuyên ngành không quản lý chặt chẽ thiết kế cơ sở (TKCS), dẫn đến nhiều dự án đã được phê duyệt nhưng TKCS không phù hợp, phải thay đổi tổng mức đầu tư, phát sinh tăng chi phí xây dựng gây lãng phí lớn. Có bộ tổng mức đầu tư phải điều chỉnh do thiết bị không phù hợp 94,8 tỷ đồng; tự bổ sung các hạng mục, dự án không đúng với quyết định phê duyệt 198 tỷ đồng; cơ quan tư vấn thiết kế tính toán sai suất đầu tư 2.154 tỷ đồng; thay đổi về quy mô dự án không đúng với quyết định phê duyệt làm tăng tổng mức đầu tư 25.767 tỷ đồng.

Với những sai phạm trên, Thanh tra Chính phủ cũng cho biết, tổng số tiền vi phạm phát hiện qua thanh tra, kiến nghị xử lý về kinh tế là 4.763,2 tỷ đồng. Trong đó, kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước là 1.122,012 tỷ đồng, giảm trừ khi thanh quyết toán là 1.425,016 tỷ đồng và kiến nghị xử lý khác là 2.216,2 tỷ đồng.

Thu hồi hơn 123 tỉ đồng tại các tỉnh, thành phố

Thanh tra Chính phủ cho biết, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thành lập 644 đoàn thanh tra, tiến hành thanh tra 12.546 dự án, công trình với tổng mức đầu tư là gần 144.873 tỷ đồng.

Qua thanh tra cũng đã phát hiện nhiều vi phạm tương tự như các bộ ngành. Chẳng hạn, công tác chuẩn bị đầu tư còn thấp, các dự án và tổng mức đầu tư phải điều chỉnh nhiều lần, tiến độ thực hiện dự án chậm làm phát sinh tăng tổng mức đầu tư.

Đáng chú ý, một số tỉnh, thành phố chưa bố trí đủ vốn cho các dự án, công trình đã hoàn thành, bàn giao và dự án đang thi công dở dang nhưng vẫn khởi công các công trình mới dẫn đến nợ đọng xây dựng cơ bản, trái với Chỉ thị số 1792/2011 của Thủ tướng Chính phủ.

Qua thanh tra phát hiện các sai phạm về lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh dự án tại 789 dự án với tổng số tiền sai phạm trên 280 tỷ đồng; sai phạm về lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư tại 272 dự án với tổng số tiền sai phạm là 248 tỷ đồng; sai phạm về nợ đọng xây dựng cơ bản tại 1.527 dự án với tổng số tiền gần 1.870 tỷ đồng và sai phạm khác ở 2.324 dự án với tổng số tiền trên 791 tỷ đồng.

Cơ quan thanh tra các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã ban hành kết luận và kiến nghị xử lý về kinh tế tổng số tiền gần 3.190 tỷ đồng. Trong đó thu hồi về ngân sách nhà nước 123,6 tỷ đồng, giảm trừ giá trị thanh quyết toán trên 128,6 tỷ đồng và xử lý khác là trên 2.937 tỷ đồng.

Chỉ xử lý hành chính

Thanh tra Chính phủ cho rằng kết quả thanh tra chuyên đề diện rộng trong năm nay là cơ sở đánh giá việc Bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan trực thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, làm rõ thực trạng công tác quản lý thực hiện dự án đầu tư.

Tổng số tiền vi phạm được phát hiện và kiến nghị xử lý về kinh tế của 15 bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố qua đợt thanh tra này lên tới 7.952,6 tỷ đồng. Trong đó: thu hồi về ngân sách nhà nước 1.245,6 tỷ đồng; giảm trừ khi thanh quyết toán là 1.553,6 tỷ đồng và xử lý khác (điều chỉnh giá trị dự toán, giá trị hợp đồng, yêu cầu sửa chữa lại…) là 5.153,4 tỷ đồng.

Mặc dù nhiều sai phạm nghiêm trọng nhưng kiến nghị của các bộ ngành, địa phương chủ yếu xử lý hành chính. Thống kê của Thanh tra Chính phủ cho thấy, đã kiểm điểm rút kinh nghiệm, có hình thức kỷ luật đối với 240 tập thể và 197 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 1 vụ việc./.

Trung Ninh