tau

Ngành công nghiệp vận tải biển hứa hẹn vươn xa khi Công ước MLC có hiệu lực. Ảnh: ILO

Công ước MLC 2006 chính thức trở thành luật quốc tế áp dụng từ ngày 20/8/2013. Để có hiệu lực, Công ước cần sự tham gia của ít nhất 30 nước thành viên ILO, chiếm hơn hơn 33% tổng lượng hàng hóa vận chuyện qua đường hàng hải của cả thế giới. Đến nay, hơn 45 nước thành viên ILO đã phê duyệt Công ước; những nước này ước tính vận chuyển khoảng 75% tổng lượng hàng hóa vận tải biển toàn cầu.

Việt Nam là nước thứ 37 phê duyệt Công ước vào tháng 5/2013.

Theo Cục Hàng Hải Việt Nam, hiện nay có khoảng 32.000 sỹ quan, thuyền viên được cấp chứng chỉ, trong đó có khoảng 27.000 người đang làm việc trên đội tàu trong nước và các tàu nước ngoài. Đội tàu 1.700 chiếc của Việt Nam đáp ứng được khoảng một phần mười lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam và gần một nửa số hàng hóa vận chuyển trong nước.

Trước đó, ngày 25/7, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thông qua kế hoạch thực hiện Công ước MLC. Thủ tướng yêu cầu đến năm 2015, phải hoàn thiện luật pháp về lao động hàng hải; kiểm tra và cấp giấy chứng nhận cho đội tàu của Việt Nam và thiết lập một cơ chế tham vấn ba bên có đại diện của Chính phủ, chủ tàu và thuyền viên trong năm nay. Đồng thời, việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phúc lợi, thông tin và giải trí ở cảng biển cũng cần được hoàn thành từ nay đến năm 2020.

“Việt Nam đã có những nỗ lực đáng ghi nhận trong việc nâng cao đội tàu trong nước lên tầm quốc tế và thể hiện mạnh mẽ cam kết bảo vệ thuyền viên,” Giám đốc ILO tại Việt Nam, ông Gyorgy Sziraczki, cho biết.

Ông cam kết ILO sẽ đồng hành với Việt Nam, giúp nâng cao năng lực và hỗ trợ kỹ thuật để Công ước có thể đi vào cuộc sống.

Công ước MLC 2006, một mặt tập hợp những tiêu chuẩn quốc tế tối thiểu nhằm đảm bảo việc làm bền vững cho thuyền viên, mặt khác giúp tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các chủ tàu đạt chuẩn mang cờ của các nước đã phê duyệt Công ước, thúc đẩy cạnh tranh thông qua việc đảm bảo hiệu quả và tăng độ tin cậy trong vận tải biển. Mục tiêu bao trùm của Công ước là đảm bảo điều kiện làm việc song song với cạnh tranh bình đẳng.

Luyện Vũ