Bám sát tín hiệu thị trường để có phương án phù hợp

Kiểm soát CPI năm 2023 thấp hơn mục tiêu đề ra là một thành công trong điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá và các bộ, ngành, địa phương, trong đó có Bộ Tài chính.

CPI bình quân năm 2023 khoảng 3,2 - 3,4%
Nhiều địa phương làm tốt công tác đảm bảo nguồn cung, không để xảy ra thiếu hàng sốt giá.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái khẳng định, trong thành tích chung đạt được của cả nền kinh tế có sự đóng góp quan trọng của ngành Tài chính. Những kết quả tích cực Bộ Tài chính đã đạt được trong việc thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2023, có nhiệm vụ quản lý, điều hành giá cả thị trường.

Theo đó, lạm phát năm 2023 được kiểm soát, tiếp tục đạt mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đề ra trong bối cảnh tình hình kinh tế - chính trị thế giới biến động phức tạp, lạm phát toàn cầu ở mức cao.

CPI bình quân 11 tháng đầu năm tăng 3,22%. Dự báo CPI bình quân cả năm trong khoảng 3,2-3,4% (trong phạm vi mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm ở mức khoảng 4,5%).

Theo nhận định của Cục Quản lý giá, việc chủ động trong công tác dự báo, đánh giá tác động, xây dựng kịch bản điều hành giá và tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương là yếu tố then chốt giúp cho việc kiểm soát lạm phát năm 2023 ở mức vừa phải, tạo cơ sở cho việc triển khai đồng bộ các chính sách về tài khóa, tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác.

Đặc biệt, trong công tác quản lý, điều hành giá một số mặt hàng quan trọng thiết yếu, các bộ, ngành đã chủ động tổ chức triển khai các giải pháp nhằm góp phần khắc phục khó khăn của doanh nghiệp, người dân theo đúng kịch bản điều hành giá đặt ra từ đầu năm.

Như đối với giá xăng dầu, theo quy định tại Nghị định số 80/2023/NĐ-CP, Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, giá bán xăng dầu trong nước được thực hiện theo cơ chế thị trường và phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới.

Công tác điều hành giá xăng dầu trong nước đang bám sát theo diễn biến giá xăng dầu thế giới. Trong năm 2023 (tính đến hết ngày 8/12/2023), Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công thương ban hành 34 văn bản điều hành xăng dầu (không tính lần điều chỉnh giá xăng dầu do điều chỉnh thuế). Việc điều hành giá xăng dầu nhịp nhàng, góp phần kiểm soát lạm phát vì đây là mặt hàng đầu vào của nền kinh tế.

Đối với giá điện, với vai trò là cơ quan phối hợp điều hành giá điện, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương trong việc điều hành giá điện theo quy định, tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân (các văn bản sửa đổi, bổ sung nếu có). Theo đó, đảm bảo điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân kịp thời, phù hợp với biến động của các thông số đầu vào; bên cạnh đó có sự điều tiết của nhà nước đảm bảo cân đối lợi ích của người tiêu dùng, nhà nước và doanh nghiệp.

Giá thịt lợn tăng trong tháng 5, 6, 7 do sức mua trên thị trường phục hồi sau đại dịch Covid-19, dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp. Từ cuối tháng 7 đến thời điểm hiện nay, giá thịt lợn đã ở mức thấp, tuy nhiên từ nay đến cuối năm giá thịt lợn có thể có xu hướng tăng do nhu cầu thị trường tăng phục vụ Tết Nguyên đán năm 2024.

Tránh tăng giá đột ngột ảnh hưởng tới người dân và điều hành vĩ mô

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, dù lo ngại giá một số hàng hóa thiết yếu tăng nhưng dư địa kiểm soát lạm phát năm nay khá “dễ thở”. 3 cơ quan là Bộ Tài chính, Tổng cục Thống kê và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đều dự báo CPI năm nay thấp hơn nhiều so với dự kiến, là cơ bản sát với diễn biến giá cả thị trường.

CPI bình quân năm 2023 khoảng 3,2 - 3,4%
Giá xăng dầu năm 2023 được điều hành nhịp nhàng, không gây sốc cho nền kinh tế. Ảnh: TL

Giá tăng chắc chắn không ảnh hưởng tới lạm phát, song điều lo ngại chính là điều chỉnh tăng giá một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu sẽ tác động tới đời sống người dân còn khó khăn ảnh hưởng sau đại dịch Covid-19. Do đó, cơ quan quản lý vẫn cần hết sức thận trọng trong điều hành. Trong trường hợp tăng giá phải đánh giá kỹ tác động và có chính sách đặc biệt quan tâm đến nhóm người nghèo, yếu thế.

Theo Cục Quản lý giá, năm 2024, Bộ Tài chính tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, nhất là các mặt hàng quan trọng thiết yếu, nguyên, nhiên phụ liệu đầu vào, kịp thời đề xuất các giải pháp cân đối cung - cầu, bình ổn giá cả thị trường.

Đồng thời, cơ quan quản lý giá theo dõi chặt diễn biến giá các mặt hàng thiết yếu, mặt hàng xăng dầu, đặc biệt trong các dịp lễ, tết, nhất là Tết Nguyên đán sắp tới; tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện pháp luật về giá để kịp thời phát hiện, xử lý những trường hợp sai phạm.

Chỉ đạo tại hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Bộ Tài chính, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Bộ Tài chính - cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo giá, cần quán triệt tinh thần quyết tâm thực hiện điều hành giá, kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu đã đề ra (CPI tăng khoảng 4 - 4,5%), góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Khi Chính phủ trình Quốc hội chỉ tiêu CPI năm 2024 cũng đã lường trước các thách thức, trong đó có áp lực lớn từ việc điều chỉnh giá các mặt hàng nhà nước quản lý (điện, giáo dục, y tế) sau gần 4 năm trì hoãn hoặc chưa thực hiện hết trong năm 2023 và sẽ được tiếp tục điều chỉnh trong năm 2024.

Dù việc dự kiến điều chỉnh giá hàng hóa thiết yếu sẽ gây áp lực lên lạm phát nhưng có nhiều yếu tố kéo giảm những áp lực này đã được tính đến, như lạm phát quốc tế có dấu hiệu hạ nhiệt và dự báo chậm lại, qua đó hạn chế áp lực “lạm phát nhập khẩu” đối với chi phí sinh hoạt và sản xuất ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, niềm tin của người dân và doanh nghiệp vào sự kiên định của Chính phủ trong ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát được củng cố sau nhiều năm hoàn thành tốt mục tiêu lạm phát cũng là yếu tố thuận lợi./.

Năm 2024, Bộ Tài chính tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, nhất là các mặt hàng quan trọng thiết yếu, nguyên, nhiên phụ liệu đầu vào, kịp thời đề xuất các giải pháp cân đối cung - cầu, bình ổn giá cả thị trường.

Đặc biệt, tăng cường theo sát diễn biến giá các mặt hàng thiết yếu, mặt hàng xăng dầu trong các dịp lễ, tết, nhất là Tết Nguyên đán sắp tới.