Cử tri Thụy Sỹ bỏ phiếu ủng hộ mức thuế tối thiểu toàn cầu 15%
Cử tri Thuỵ Sỹ đã ủng hộ việc tăng thuế doanh nghiệp của đất nước từ mức tối thiểu trung bình hiện tại là 11% lên mức thuế tối thiểu toàn cầu 15% vào năm tới. Ảnh: Rea

Thuế tối thiểu toàn cầu 15% có thể được áp dụng từ tháng 1/2024

Thuế tối thiểu toàn cầu của OECD được 78,5% cử tri Thuỵ Sỹ ủng hộ, theo kết quả được chính phủ Thuỵ Sỹ công bố vào ngày 18/6. Kết quả, được mong đợi dựa trên cuộc trưng cầu dân ý, sẽ xóa bỏ rào cản cuối cùng đối với việc thực hiện mức thuế cao hơn cho các công ty đa quốc gia vào năm tới.

Với khẩu hiệu “Vì vậy, tiền sẽ ở lại Thụy Sỹ”, chính phủ và hầu hết các đảng phái đã kêu gọi bỏ phiếu “có”. Theo thỏa thuận của OECD, việc bác bỏ biện pháp này sẽ cho phép các quốc gia khác bỏ túi khoản doanh thu bổ sung hàng năm ước tính từ 1 tỷ đến 2,5 tỷ franc (1,1 tỷ đến 2,8 tỷ USD).

Trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 18/6, các cử tri Thuỵ Sỹ cũng đã chấp thuận mở rộng một số điều khoản của luật Covid-19 khẩn cấp của đất nước, một kế hoạch nhằm đảm bảo rằng các biện pháp của ứng phó Covid bao gồm giám sát và truy tìm người tiếp xúc luôn sẵn sàng được kích hoạt lại nếu cần - đã được các cử tri ủng hộ.

Năm 2021, Thụy Sỹ cùng với gần 140 quốc gia đã ký kết thỏa thuận của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) nhằm ấn định mức thuế tối thiểu đối với các công ty lớn, một động thái nhằm hạn chế hành vi chuyển lợi nhuận sang các quốc gia có mức thuế thấp.

Ngay cả khi tăng thuế, Thụy Sỹ vẫn sẽ có một trong những mức thuế doanh nghiệp thấp nhất trên thế giới và đề xuất này, ước tính mang lại doanh thu bổ sung 2,5 tỷ franc Thụy Sĩ (2,8 tỷ USD) mỗi năm, đã được hỗ trợ bởi các nhóm kinh doanh, hầu hết các chính trị gia và công chúng nói chung.

Thụy Sỹ cũng là nơi đặt văn phòng và trụ sở chính của khoảng 2.000 công ty nước ngoài, bao gồm Google cũng như 200 công ty đa quốc gia của Thụy Sỹ, chẳng hạn như Nestle. Mặc dù tất cả sẽ bị ảnh hưởng, nhưng các nhóm kinh doanh đã hoan nghênh mức độ chắc chắn cao hơn mà mức thuế mới sẽ mang lại, ngay cả khi Thụy Sỹ mất đi một số sức hấp dẫn về mức thuế thấp.

Christian Frey từ Economiesuisse, một nhóm vận động hành lang, cho biết: "Không có quốc gia nào khác sẽ có mức thuế thấp hơn. Chúng tôi muốn doanh thu thuế bổ sung ở lại trong nước và được sử dụng để cải thiện sức hấp dẫn của nó đối với các doanh nghiệp".

Ủng hộ các mục tiêu khí hậu

Cũng theo kết quả trưng cầu, đề xuất của chính phủ về việc Thụy Sỹ trở thành quốc gia trung lập về khí hậu vào năm 2050 đã được 59,1% cử tri ủng hộ. Dự luật bao gồm các cam kết cắt giảm lượng khí thải nhà kính ở mức 50%, dưới mức của những năm 1990 vào cuối thập kỷ này.

Cử tri Thụy Sỹ bỏ phiếu ủng hộ mức thuế tối thiểu toàn cầu 15%
Một áp phích bầu cử có nội dung "Đầu tư vào tương lai của chúng ta. Đúng, Luật Khí hậu ngày 18/6", ở Lausanne, Thụy Sỹ. Ảnh: AFP

Thụy Sỹ hiện là một trong số ít quốc gia trên toàn cầu bỏ phiếu về các mục tiêu khí hậu quốc gia. Luật hiện hành là một phiên bản nhẹ nhàng hơn của một đề xuất trước đó, vốn sẽ cấm hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch, nhưng bị các nhà lập pháp và công chúng cho là quá cực đoan.

Những người ủng hộ nói rằng luật này là điều tối thiểu mà quốc gia giàu có cần làm để chứng minh cam kết chống biến đổi khí hậu trong khi những người phản đối từ Đảng Nhân dân cánh hữu nói rằng, nó sẽ gây nguy hiểm cho an ninh năng lượng.

Từ chối tăng thuế tài sản đối với 1% người giàu nhất

Cũng trong cuộc trưng cầu dân ý, các cử tri của Thuỵ Sỹ cũng đã bác bỏ việc tăng thuế tài sản đối với 1% người giàu nhất sống ở Geneva - thành phố lớn thứ hai của Thụy Sỹ.

Biện pháp này đã thất bại với 55,12% số người bỏ phiếu chống, theo kết quả cuối cùng của chính phủ được công bố vào Chủ nhật. Kế hoạch tạm thời nâng thuế tài sản từ 1% lên 1,5% đối với những cá nhân có tài sản trị giá hơn 3 triệu franc (3,4 triệu USD) - được đề xuất bởi một liên minh gồm các nhà lập pháp cánh tả, công đoàn và các nhà hoạt động trong thời kỳ đại dịch - nhằm tăng doanh thu tài chính.

Chính phủ của thành phố giàu có Geneva đã lên tiếng phản đối việc tăng thuế, nói rằng tiền thuế thu được đủ để giải quyết hậu quả xã hội do cuộc khủng hoảng Covid.

Các nhóm kinh doanh cũng đã cảnh báo rằng những cư dân giàu có nhất của thành phố có thể chuyển đến các bang lân cận với mức thuế thấp hơn. Điều này đã xảy ra ở Na Uy, nơi thuế tài sản tăng lên từ 1% đến 1,1% - thấp hơn đáng kể so với đề xuất ở Geneva - đã thúc đẩy các triệu phú rời khỏi đất nước.

Dữ liệu thuế tài sản của bang cho thấy hơn 19.000 trong số khoảng 500.000 cư dân của Geneva đạt ngưỡng triệu phú. Một số lượng nhỏ hơn, khoảng từ 4.200 đến 10.000, sẽ bị ảnh hưởng bởi đề xuất này, tương ứng khoảng 1%./.