Cử tri lo ngại giá cả leo thang

Kiến nghị cử tri tỉnh Thái Bình gửi đến sau kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, cử tri bày tỏ băn khoăn, lo lắng trước tình trạng "lương chưa tăng nhưng giá cả đã tăng trước". Cử tri kiến nghị, để tránh làm tăng thêm gánh nặng cho người lao động, Chính phủ cần thực hiện các giải pháp cụ thể, thiết thực để bình ổn giá cả thị trường; ổn định cuộc sống của người dân.

Cử tri tỉnh Sóc Trăng cho biết, việc Quốc hội thông qua Nghị quyết về tăng lương cơ sở từ 1.490.000 đồng lên 1.800.000 đồng từ ngày 1/7/2023, nhưng hiện nay giá cả các mặt hàng thiết yếu đã có dấu hiệu tăng, nhất là những tháng gần Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023. Cử tri tỉnh này kiến nghị có giải pháp bình ổn giá cả các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống, sản xuất của người dân và doanh nghiệp.

Cùng vào cuộc để kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu
Đảm bảo nguồn cung hàng hóa sẽ góp phần bình ổn giá cả thị trường. Ảnh: T.T

Cử tri tỉnh Hà Nam, Bình Phước cho rằng, việc tăng lương là niềm phấn khởi của đại đa số cán bộ nghỉ hưu và cán bộ, công chức, viên chức hiện đang công tác. Việc các mặt hàng thiết yếu đã đồng loạt tăng giá, gây khó khăn cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động có thu nhập thấp. Do đó, cử tri đề nghị Chính phủ có biện pháp bình ổn giá các mặt hàng sinh hoạt thiết yếu trên thị trường, giảm khó khăn cho người dân.

Trả lời các kiến nghị cử tri, Bộ Tài chính cho biết, hiện nay, nước ta đang thực hiện nhất quán chủ trương quản lý giá theo nguyên tắc thị trường có sự điều tiết của Nhà nước theo quy định của Luật Giá và các văn bản hướng dẫn. Giá các mặt hàng nhìn chung được hình thành theo cơ chế thị trường; tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh mặt hàng trên được quyền tự định giá theo tín hiệu khách quan trên thị trường, tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh.

Về phía Nhà nước, Nhà nước tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh theo quy định của pháp luật. Nhà nước chỉ gián tiếp tác động vào sự hình thành và vận động của giá cả qua các biện pháp kinh tế vĩ mô và sử dụng biện pháp bình ổn giá khi giá các hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá có biến động bất thường, hoặc khi mặt bằng giá biến động ảnh hưởng đến ổn định kinh tế - xã hội.

Thận trọng điều chỉnh giá mặt hàng do Nhà nước định giá

Nghị quyết số 69/2022/QH15 ngày 11/11/2022 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 quy định, về việc tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên 1.800.000 đồng/tháng áp dụng kể từ ngày 1/7/2023.

Theo Bộ Tài chính, việc tăng lương cơ sở là rất ý nghĩa và cần thiết trong thời điểm này để kịp thời hỗ trợ người lao động yên tâm làm việc sau đại dịch Covid-19, phù hợp với nguyện vọng của người dân và tình hình kinh tế - xã hội đất nước, tăng lương cũng góp phần phát triển kinh tế chung của cả nước, thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

Cùng vào cuộc để kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu
Rau củ, hoa quả đang vào mùa, thời tiết thuận lợi nên giá cả ổn định.

Bộ Tài chính cho rằng, để ổn định giá cả thị trường từ nay tới cuối năm, đặc biệt trước thông tin tăng lương cơ sở, cần tăng cường các giải pháp kiềm chế lạm phát, bình ổn giá đi kèm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát chặt về giá, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Trong đó, cần sự vào cuộc của Cục Quản lý thị trường và các địa phương trong việc quản lý giá hàng hóa.

Các bộ, ngành, địa phương cần chủ động chuẩn bị tốt phương án điều hành giá các mặt hàng Nhà nước định giá, đánh giá kỹ tác động để thực hiện điều chỉnh theo thẩm quyền, hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định mức độ điều chỉnh phù hợp với diễn biến, mặt bằng giá thị trường. Đồng thời, chú trọng theo dõi sát diễn biến kinh tế và lạm phát thế giới tác động đến Việt Nam để có những giải pháp ứng phó phù hợp; sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ, biện pháp điều tiết giá theo quy định của pháp luật về giá để kiểm soát, bình ổn thị trường; tăng cường triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giả; công khai thông tin về giá.

Theo Bộ Tài chính, các bộ, ngành, địa phương cập nhật sát tình hình cung cầu trong nước để có chỉ đạo dự phòng tại địa phương đảm bảo cân đối cung cầu trong nước. Đặc biệt, điều hành chính sách tiền tệ theo mục tiêu đề ra phối hợp với chính sách tài khóa và các chính sách khác để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Ngoài ra, cần tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục những điểm còn hạn chế, bất cập, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Giám sát chặt chẽ biến động giá các mặt hàng thiết yếu, nhất là các mặt hàng vẫn có biến động tăng giá để có giải pháp quản lý, điều hành, bình ổn giá phù hợp.

Theo Bộ Tài chính, các bộ, ngành thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải thường xuyên theo dõi, kịp thời có giải pháp để đảm bảo cân đối cung cầu trong nước, tránh tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành chính sách tiền tệ theo mục tiêu đề ra, phối hợp với chính sách tài khóa và các chính sách khác để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo chức năng quản lý nhà nước tại địa phương có giải pháp quản lý, bình ổn thị trường, kiểm tra các yếu tố hình thành giá khi có biến động bất thường. Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chú trọng thông tin, tuyên truyền, công khai minh bạch, trung thực thông tin về giá để kiểm soát lạm phát kỳ vọng; hạn chế những thông tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng, gây bất ổn thị trường.

Theo sát diễn biến để có kế sách kịp thời

Bộ Tài chính cho biết, sẽ tiếp thu đầy đủ các kiến nghị của cử tri để cùng với các bộ, ngành tiếp tục tham mưu với Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá của Thủ tướng Chính phủ các giải pháp, biện pháp chủ động ứng phó với những thách thức trong công tác điều hành giá trong thời gian tới. Trong đó, Bộ Tài chính với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá, thường xuyên theo sát tình hình chung, tham mưu chính sách, kịch bản phù hợp, linh hoạt, kịp thời nhất là đối với những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tác động lớn tới mặt bằng giá.