Tàu container của Tập đoàn vận tải biển Maersk tại cảng Gothenburg, Thụy Điển.

Tàu container của Tập đoàn vận tải biển Maersk tại cảng Gothenburg, Thụy Điển.

Đây là thông điệp được gửi đến các phóng viên của Bloomberg trong cuộc phỏng vấn có sự tham gia của những người ở tuyến đầu các ngành sản xuất và vận chuyển. Theo đó, cuộc khủng hoảng từng được cho là ngắn hạn nhiều khả năng sẽ kéo dài đến năm 2022.

Karsten Michaelis, Trưởng bộ phận vận tải đường biển của hãng vận chuyển DHL Global Forwarding khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nhận định: “Chúng tôi không kỳ vọng giá cước sẽ ổn định lại trong thời gian tới. Sự kết hợp của những yếu tố như một năm gián đoạn hoạt động, tình trạng thiếu container, tắc nghẽn cảng và thiếu tàu đang tạo ra sự dư cầu vượt quá khả năng sản xuất".

Trong khi DHL Global Forwarding đang cung cấp cho khách hàng nhiều lựa chọn thay thế về tuyến đường và phương thức vận tải để đảm bảo việc giao hàng được thực hiện, Trưởng bộ phận Karsten Michaelis vẫn cảnh báo rằng: “Chúng tôi phải chuẩn bị cho môi trường chi phí cao hơn và dự kiến sẽ chưa thể quay lại mức trước đại dịch COVID-19".

Trong khi đó, giữa bối cảnh năm 2021 đã đi được hơn nửa chặng đường, các chuyên gia lo ngại nhu cầu tiêu thụ hàng hoá tăng đột biến vào giai đoạn các kỳ nghỉ lễ cuối năm sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng khủng hoảng, khi các nhà máy gấp rút dồn hàng hóa đến các thị trường Mỹ và châu Âu.

Trưởng bộ phận Michaelis cho biết: “Việc lập kế hoạch hoạt động cho mùa Giáng sinh 2021 đã bắt đầu sớm hơn nhiều trong năm nay vì khả năng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển quá eo hẹp".

Cùng với đó, nhiều công ty cũng đang phải thực hiện những điều chỉnh tương tự. Nhà sản xuất tấm phủ cửa sổ của vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) Nien Made Enterprise đang tận dụng thêm các dây chuyền sản xuất mới được mở rộng ở Dallas (Mỹ) và cũng đang mở rộng cơ sở ở Mexico để giảm bớt tác động của tình trạng thiếu container./.

Theo TTXVN