Theo đánh giá của Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng, trong những năm qua, TP. Đà Nẵng đã chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, phát triển và đạt được nhiều thành tựu to lớn trên các lĩnh vực, trong đó có sự phát triển mạnh mẽ của ngành khoa học và công nghệ nói chung và hoạt động sở hữu trí tuệ nói riêng.

TP. Đà Nẵng đã quan tâm chú trọng thực hiện các giải pháp về phát triển tài sản trí tuệ, đặc biệt là xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã/phường một sản phẩm), sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, xây dựng nhãn hiệu thập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý để nâng cao giá trị hàng hoá nông sản thực phẩm, sản phẩm tiểu thủ công nghiệp nhằm xây dựng thương hiệu cộng đồng và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.

Đà Nẵng: Ưu tiên phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030
Đà Nẵng ưu tiên phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030. Ảnh: TL

TP. Đà Nẵng cũng đã hỗ trợ phát triển 32 sản phẩm phẩm đặc trưng của thành phố xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, góp phần gia tăng giá trị nông sản, phát triển thương hiệu cộng đồng (nước mắm Nam Ô, bưởi Hòa Ninh, khô mè Quang Châu, chè dây Hòa Bắc, kiệu hương Hòa Nhơn, gà đồi Đồng Nghệ, trứng cút Hòa Phước ….).

Đáng chú ý là lần đầu tiên TP. Đà Nẵng đề xuất với Bộ Khoa học và Công nghệ nhiệm vụ cấp quốc gia “Đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nước mắm Nam Ô của TP. Đà Nẵng, bắt đầu thực hiện từ năm 2022.

Trong năm 2022, TP. Đà Nẵng tập trung vào việc thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 ban hành kèm theo quyết định trên, với các nhiệm vụ chủ yếu sau: nâng cao nhận thức, chất lượng nguồn lực về sở hữu trí tuệ; khuyến khích, thúc đẩy các hoạt động tạo ra và xác lập tài sản trí tuệ và nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ.

Để đảm bảo triển khai Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030, Hội đồng Nhân dân TP. Đà Nẵng đã ban hành nghị quyết quy định mức hỗ trợ đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ đến năm 2030 trên địa bàn TP. Đà Nẵng. Trong đó quy định cụ thể mức hỗ trợ đăng ký bảo hộ đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu; đăng ký bảo hộ, công nhận giống cây trồng mới.

Cụ thể, đối với đơn đăng ký bảo hộ sáng chế và đăng ký bảo hộ trong nước, công nhận giống cây trồng mới: 30 triệu đồng/đơn (trường hợp đã có quyết định chấp nhận đơn hợp lệ); đối với đơn đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu: 15 triệu đồng/văn bằng bảo hộ.

Đối với đăng ký bảo hộ ở nước ngoài, đơn đăng ký bảo hộ đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu; đăng ký bảo hộ, công nhận giống cây trồng mới: 60 triệu đồng/đơn được chấp nhận hợp lệ, các văn bản tương ứng theo quy định của tổ chức quốc tế hoặc quốc gia nộp đơn./.