Phát triển y học kỹ thuật cao, chuyên sâu không ngừng

Nhìn vào thực tiễn phát triển của ngành Y tế thời gian qua cho thấy, liên tiếp trong nhiều năm, bằng nhiều sáng tạo cùng sự nỗ lực không ngừng, ngành y tế đã triển khai và ứng dụng thành công nhiều kỹ thuật cao trong khám chữa bệnh (KCB) trên nhiều “mặt trận” khác nhau như ghép đa mô, tạng, can thiệp tim mạch, ECMO, chấn thương chỉnh hình, sản khoa, nhi khoa, ngoại khoa, phẫu thuật nội soi rôbốt, ghép tế bào gốc...

Nhiều kỹ thuật cao đã sánh ngang tầm các nước có điều kiện kinh tế và nền y học phát triển. Việt Nam đã thành điểm đến để học hỏi, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ của nhiều thầy thuốc từ các nước trong khu vực và trên thế giới như: Philippines, Indonesia, Malaysia, Singapore, Ấn Độ, Bồ Đào Nha, Thái Lan...

Đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội và hướng tới nền y tế nhân văn

Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan chỉ đạo tháo gỡ cơ bản các vướng mắc tại hội nghị thực hiện các giải pháp đảm bảo thuốc, trang thiết bị y tế về quản lý trang thiết bị y tế.

Một trong những điểm sáng nổi bật nữa của ngành Y tế là thành tựu thực hiện giảm tải bệnh viện. Các giải pháp đã thực hiện như luân phiên cán bộ tuyến trên về tuyến dưới để nâng cao chất lượng KCB cho tuyến dưới, giúp người dân không phải vất vả vượt tuyến; triển khai Đề án Bệnh viện (BV) vệ tinh...; xây mới và đưa vào sử dụng một số công trình, hạng mục khang trang, hiện đại của một số BV tuyến Trung ương, BV đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh để thực sự nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, làm người bệnh hài lòng khi đi KCB, song song với quá trình thực hiện các giải pháp giảm tải BV.

Ngành Y tế đã tạo được một bước đột phá trong thực hiện BHYT nhằm đạt mục tiêu BHYT toàn dân nhờ việc tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, với quy định bắt buộc tham gia BHYT theo hộ gia đình, bổ sung đối tượng tham gia, quy định các chính sách BHYT nhằm tạo điều kiện cho người nghèo, người trong diện chính sách, trẻ em dưới 6 tuổi...

Để chất lượng sức khỏe nhân dân được bảo vệ một cách toàn diện, đảm bảo sự công bằng trong thụ hưởng chính sách an sinh xã hội, ngành Y tế cũng tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành nhiều chính sách phát triển y tế cơ sở bởi đây là tuyến y tế gần dân nhất, tiếp cận dân nhanh nhất.

Bên cạnh đó, ngành y tế cũng triển khai đồng bộ những “thành lũy” bảo vệ sức khỏe người dân qua việc kiểm soát và ngăn ngừa không để các dịch bệnh nguy hiểm như dịch MERS-CoV, Ebola, cúm A/H7N9, cúm A/H5N6 xâm nhập Việt Nam; triển khai trên quy mô toàn quốc Chương trình Tiêm chủng mở rộng và các biện pháp ngăn chặn dịch sốt xuất huyết, ho gà, dịch hạch... Nhờ vậy, không có dịch bệnh lớn xảy ra và giảm tỷ lệ tử vong của hầu hết các bệnh truyền nhiễm.

Trên thực tế, sự đóng góp của ngành Y tế đối với xã hội là rất lớn nhưng âm thầm nên ít người nhận thấy. Nhìn lại số liệu thống kê, chúng ta sẽ thấy tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam vài thập kỷ trước chỉ trên 60 tuổi, nhưng nay đã là trên 73 tuổi; tỷ lệ tử vong mẹ, tử vong trẻ em đều giảm trong những năm gần đây.

Sự phát triển của ngành Y tế vượt bậc của ngành Y tế thể hiện ở chất lượng đội ngũ cán bộ có trình độ cao, có khả năng ứng dụng tiến bộ y học trong chẩn đoán và điều trị, lòng đam mê nghề nghiệp, yêu thương con người với phương châm “trị bệnh cứu người chính là lẽ sống của thầy thuốc” ...

Đồng hành cùng đất nước trên con đường hội nhập và phát triển 79 mùa thu lịch sử, ngành Y tế cũng đã chủ động không ngừng mở rộng hợp tác quốc tế với các quốc gia, vùng lãnh thổ, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi Chính phủ.

Hiện nay, Bộ Y tế có quan hệ hợp tác với hàng chục quốc gia và vùng lãnh thổ, nhiều tổ chức quốc tế và tổ chức phi Chính phủ, các ngân hàng quốc tế, các quỹ tài chính toàn cầu, các trường đại học, viện nghiên cứu và các trung tâm khoa học lớn trên thế giới. Trên chặng đường dài, ngành Y tế đã hoàn thành xuất sắc nhiều nhiệm vụ quan trọng. Mỗi cán bộ ngành Y tế đều luôn hướng về nhân dân, niềm khao khát cháy bỏng được cống hiến cho sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân…

Trách nhiệm nặng nề, vinh quang thầm lặng

Cách đây 69 năm, trong thư gửi cho ngành Y tế ngày 27/2/1955 nhân dịp tổ chức Hội nghị Cán bộ y tế toàn quốc, Bác Hồ đã căn dặn, những người làm công tác y tế phải thực hiện cho kỳ được tinh thần trách nhiệm lớn lao trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Đặc biệt, “phải thương yêu, phải săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn. Lương y phải như từ mẫu”.

Suốt những năm qua, lời căn dặn của Bác Hồ đã trở thành kim chỉ nam và động lực cho đội ngũ người thầy thuốc Việt Nam phấn đấu, rèn luyện. Trong những năm tháng gian khổ, ác liệt của chiến tranh, lớp lớp thầy thuốc đã có mặt trên khắp các chiến trường để chăm sóc, cứu chữa thương binh, bệnh binh và nhân dân. Không ít thầy thuốc đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đội ngũ những người thầy thuốc tiếp tục nỗ lực vượt qua những khó khăn, thách thức, nâng cao y đức, y nghiệp để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, góp phần bảo đảm an sinh, an toàn xã hội và phát triển bền vững đất nước.

Đặc biệt, trong những năm diễn ra đại dịch Covid-19, đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế đã không quản gian khổ, hy sinh, luôn vững vàng trên “mặt trận” chống dịch, cùng với các lực lượng trên tuyến đầu kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, góp phần bảo đảm điều kiện cho kinh tế - xã hội của đất nước phát triển.

Hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh, y tế dự phòng từ tuyến tỉnh đến cơ sở không ngừng được đầu tư, xây dựng, cải tạo, nâng cấp. Đội ngũ y, bác sĩ được tăng cường, các quy trình thủ tục từng bước được rút gọn đáp ứng ngày càng tốt hơn nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Xã hội phát triển cũng đặt ra cho ngành Y tế nhiều thách thức hơn khi nhiều loại dịch bệnh có nguy cơ bùng phát, các bệnh truyền nhiễm, bệnh mới, lạ khó lường. Điều đó, đòi hỏi dịch vụ khám chữa bệnh, thái độ phục vụ, ứng xử của cán bộ, nhân viên Y tế càng phải được đề cao. Thời gian, thủ tục khám chữa bệnh phải được cải tiến để đem lại thuận lợi cho người bệnh.

Bên cạnh sự nỗ lực, cố gắng của toàn ngành Y tế, sự phấn đấu của bản thân mỗi thầy thuốc, luôn cần có sự đồng cảm, ủng hộ, chia sẻ, động viên khích lệ của người dân, của cộng đồng. Qua đó, những người làm ngành Y tế có thêm niềm tin, động lực để nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.

Một trong những dấu ấn quan trọng nữa là ngày 15/7/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định số 568-QĐNS/TW điều động, phân công bà Đào Hồng Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, thôi tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và thôi giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh để chỉ định giữ chức Bí thư Ban Cán sự đảng Bộ Y tế. Cùng ngày hôm đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 839/QĐ-TTg, về việc giao Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế. Ngày 26/8/022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 578/NQ-UBTVQH15 về phê chuẩn việc cho thôi làm nhiệm vụ Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Bắc Ninh đối với đồng chí Đào Hồng Lan để thực hiện nhiệm vụ khác.

Từ năm 1945 đến nay, bà là nữ Bộ trưởng Bộ Y tế thứ 3 của Việt Nam sau Trần Thị Trung Chiến và Nguyễn Thị Kim Tiến. Bà cũng là người đầu tiên đứng đầu Bộ Y tế mà không xuất thân từ ngành Y và cũng là nữ Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của tỉnh Bắc Ninh.

Một trong những dấu ấn quan trọng của Bộ trưởng Đào Thị Hồng Lan là, trước tình hình dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng, bà yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, nhất là sự xuất hiện của các biến thể mới của COVID-19; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó và triển khai đáp ứng mọi tình huống có thể xảy ra, góp phần cực kỳ quan trọng vào thắng lợi của công cuộc phòng, chống dịch của đất nước.

Đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội và hướng tới nền y tế nhân văn
Vấn đề thiếu vật tư y tế sẽ sớm được giải quyết.

Trước tình hình dịch bệnh đậu mùa khỉ xuất hiện Bộ Y tế đã đề xuất khai báo y tế để ngăn đậu mùa khỉ xâm nhập trước tình hình Việt Nam đang phải đối phó với nhiều bệnh truyền nhiễm cùng lúc như sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm, COVID-19, Tư lệnh ngành Y tế cũng nhận định phải có các biện pháp để ngăn chặn ngay từ cửa khẩu với bệnh đậu mùa khỉ.

Hiện tại, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cũng đang chỉ đạo các đơn vị liên quan tham mưu xây dựng chính sách để góp phần phát triển bền vững ngành Y tế, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về việc nâng chất lượng dịch vụ y tế, thúc đẩy hoàn thiện chính sách y tế và hệ thống quản lý y tế, ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số nhằm tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế của người dân… góp phần phục vụ ngày một tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe toàn dân.

Điều đáng quý nhất là ở bất kỳ hoàn cảnh nào, những người làm công tác y tế trên cả nước luôn thầm lặng cống hiến, hy sinh để thực hiện tốt sứ mệnh chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân mà Đảng, Nhà nước giao phó. Vì thế, Đảng, Nhà nước ta cũng luôn đánh giá cao và tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt cho y tế phát triển, nhân dân ta luôn quý trọng những người làm nghề y.

Ngày 6/2/1985, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Quyết định số 39-HĐBT lấy ngày 27/2 hàng năm làm ngày Thầy thuốc Việt Nam. Thực hiện lời dạy “Lương y phải như từ mẫu” của Bác Hồ, cùng với đội ngũ những người thầy thuốc trong cả nước; các y, bác sĩ luôn phát huy vai trò trách nhiệm, nỗ lực thực hiện y đức, nêu cao những phẩm chất tốt đẹp của người thầy thuốc, tận tụy phục vụ và thương yêu chăm sóc cho người bệnh. Các thế hệ thầy thuốc đã vượt qua nhiều khó khăn, vất vả để hoàn thành nhiệm vụ được giao, xứng đáng là người thầy thuốc của nhân dân.