Thuê xưởng, chuyển vốn, công nghệ sang Việt Nam sản xuất ma túy

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, tại khu vực biên giới Việt Nam - Trung Quốc, hoạt động của tội phạm ma túy diễn biến hết sức phức tạp và tinh vi. Trong suốt nhiều năm qua, ma túy thẩm lậu vào Việt Nam từ Tam giác Vàng qua biên giới các tỉnh Tây Bắc, Bắc miền Trung rồi sau đó sang Trung Quốc tiêu thụ. Ở chiều ngược lại, ma túy đá, ketamine và một số loại ma túy tổng hợp khác lại từ Trung Quốc qua biên giới các tỉnh phía Bắc xâm nhập trở lại nước ta.

Đơn cử, trong quý I/2021, lực lượng chức năng Nghệ An đã bắt giữ một đối tượng vận chuyển bằng ô tô 227,5 kg ma túy từ Nghệ An chuyển đến Lào Cai và đưa sang Trung Quốc tiêu thụ. Mở rộng chuyên án, tại huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, công an bắt giữ 115 kg ma túy dạng đá, 17.600 viên ma túy tổng hợp của 3 đối tượng vận chuyển bằng xe máy.

Thực tế cho thấy, thời gian qua, các lực lượng chức năng của Việt Nam và Trung Quốc tăng cường phối hợp tuyên truyền, tấn công, trấn áp mạnh nên hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép ma túy tổng hợp từ Trung Quốc về Việt Nam có giảm so với trước.

Để ngăn chặn ma túy thẩm lậu, lực lượng Hải quan tăng cường tuần tra, kiểm soát tại khu vực biên giới.                    Ảnh: Phương Thảo
Để ngăn chặn ma túy thẩm lậu, lực lượng Hải quan tăng cường tuần tra, kiểm soát tại khu vực biên giới. Ảnh: Phương Thảo

Song, vài năm trở lại đây đã xuất hiện nhiều phương thức, thủ đoạn mới, tiềm ẩn nhiều phức tạp, nguy cơ khi các đối tượng người Trung Quốc chuyển vốn, nhân lực, phương tiện, kỹ thuật sang các nước khác, trong đó có Việt Nam để tổ chức sản xuất trái phép ma túy, thay vì sản xuất ma túy đá ở Trung Quốc như trước. Theo chia sẻ của lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy ngành Hải quan, tội phạm ma túy sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi hơn như đầu tư nhiều nhà xưởng sản xuất quy mô lớn ở những vị trí biệt lập tại khu vực Tam giác Vàng và đưa công nghệ, máy móc, thiết bị sản xuất ma túy. Sản phẩm sẽ đưa ngược sang Trung Quốc và đi nước thứ 3 tiêu thụ”.

Mới đây, qua khám xét kho xưởng rộng 300m2 tại thôn Xuyên Lâm, xã Hồng Vân, huyện Thường Tín (Hà Nội) của một đối tượng người Trung Quốc thuê, lực lượng chức năng Hà Nội đã phát hiện, thu giữ 900 dạ dày lợn được ép chân không, bên trong mỗi dạ dày lợn chứa khoảng 100g ketamin, tổng ma túy ketamin thu giữ được tại kho hàng này là 90kg. Số ma túy cất giấu lẫn với thịt lợn, nội tạng để xuất khẩu sang Trung Quốc tiêu thụ.

Còn nhớ, năm 2019, lực lượng chức năng đã triệt phá đường dây sản xuất ma túy cực lớn do người Trung Quốc điều hành, đặt “xưởng” chế biến tại Tây Nguyên và thu giữ hàng trăm lít dung dịch tổng hợp, khoảng 13 tấn hóa chất, tiền chất phục vụ sản xuất chất ma túy cùng toàn bộ dây chuyền, máy móc, thiết bị, dụng cụ dùng để sản xuất ma túy. Đây là đường dây sản xuất trái phép chất ma túy có quy mô, tính chất lớn nhất từ trước đến nay ở Việt Nam.

Ngoài ra, một điểm nổi bật trong các đường dây ma túy xuyên quốc gia ở biên giới Trung – Việt là các đối tượng người Trung Quốc thường lôi kéo người dân tộc thiểu số tham gia vào đường dây. Thực tế các vụ bị bắt giữ trên địa bàn tỉnh Lào Cai, Điện Biên, Sơn La đều cho thấy, đối tượng thực hiện hành vi phạm tội thường là người dân tộc thiểu số, có quan hệ thân tộc với bên kia biên giới. Còn đối tượng nước bạn điều hành đường dây thì ít khi xuất đầu lộ diện, gây khó khăn trong công tác đấu tranh của lực lượng chức năng.

Không để Việt Nam là địa bàn trung chuyển ma tuý quốc tế

Xác định biên giới tiếp giáp Trung Quốc là một trong những tuyến trọng điểm trong công tác đấu tranh đẩy lùi ma túy, lực lượng Hải quan cho biết trong thời gian tới tiếp tục tập trung kiểm soát chặt chẽ hàng hóa qua lại, không để ma túy trà trộn vào hàng hóa tràn vào Việt Nam, nhất là ma túy tổng hợp, các tiền chất, kể cả tiền chất mới phát hiện chưa có trong danh mục chất cấm.

Tội phạm ma túy sử dụng công nghệ rất tối tân, hiện đại

Sau khi Trung Quốc tập trung trấn áp mạnh tội phạm ma túy và kiểm soát chặt chẽ các đối tượng người Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), gần đây xuất hiện những đối tượng người Hàn Quốc đã chuyển địa bàn hoạt động sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Do đó, Đông Nam Á có nguy cơ rất lớn bị biến thành trọng điểm ma túy toàn cầu.

Bên cạnh đó, các tội phạm ma túy Trung Quốc thường sử dụng nhiều công nghệ hiện đại, lợi dụng không gian mạng internet để thực hiện các hành vi phạm tội và vi phạm pháp luật về ma túy. Đây là vấn đề đáng báo động trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 với sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống kết nối mạng toàn cầu, công nghệ số và nhiều ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại.

Dự báo, nhu cầu sử dụng ma túy tổng hợp ngày càng tăng cao và với lợi nhuận khổng lồ, thời gian tới, số lượng các tổ chức tội phạm người Trung Quốc, Đài Loan nhập cảnh vào Việt Nam bằng visa du lịch dưới “vỏ bọc” là các thương gia để sản xuất, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy sẽ gia tăng. Do đó, lực lượng Hải quan cũng sẽ tập trung thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, chủ động nắm chắc tình hình, rà soát đối tượng nghi vấn nêu trên để kịp thời phát hiện, triệt phá các đường dây mua bán, vận chuyển, sản xuất trái phép chất ma túy.

Bên cạnh đó, nắm bắt được thủ đoạn của các đối tượng người Trung Quốc là nhập cảnh vào Việt Nam bằng nhiều đường khác nhau, đi đến các địa phương ở xa trung tâm thành phố, tìm những doanh nghiệp có sẵn kho xưởng, có đường vào độc đạo, dễ che giấu việc sản xuất ma túy..., Hải quan Việt Nam cùng các cơ quan chức năng khác cùng chủ trương phối hợp chặt chẽ với nước bạn bắt giữ tội phạm ma túy ngay từ bên kia biên giới với mục tiêu kiên quyết không để Việt Nam trở thành địa bàn trung chuyển ma túy quốc tế. Có thể thấy, vụ việc “xóa sổ” đường dây sản xuất ma túy ở Tây Nguyên nêu trên chính là minh chứng cho sự hợp tác quốc tế chặt chẽ, hiệu quả giữa lực lượng chức năng Việt Nam và Trung Quốc.

Quyết tâm “chặt đứt” các tuyến vận chuyển ma túy khu vực cửa khẩu, biên giới

Theo đánh giá của Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), thời gian qua, công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 được triển khai chặt chẽ trên các tuyến biên giới, cửa khẩu, hạn chế người xuất cảnh, nhập cảnh; nắm bắt được nhiều thủ đoạn tinh vi của tội phạm ma túy để triệt phá hiệu quả, triệt để các đường dây, ổ nhóm.

Từ đầu năm đến nay, lực lượng Hải quan đã chủ trì và phối hợp triệt phá thành công nhiều chuyên án lớn về mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, quyết tâm “chặt đứt” các tuyến vận chuyển ma túy tại khu vực cửa khẩu, biên giới. Có thể thấy, số các vụ bị phát hiện bắt giữ ngày càng có tính chất nghiêm trọng, liên quan đến nhiều đối tượng là người nước ngoài và hoạt động có tổ chức chặt chẽ, hoạt động xuyên quốc gia, sẵn sàng sử dụng vũ khí nóng để chống trả khi bị phát hiện, truy bắt.

Cục Điều tra chống buôn lậu cũng nhận định, nước ta là địa bàn thuận lợi, để tội phạm ma túy lợi dụng trung chuyển ma túy sang nước thứ ba. Nhất là trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các đối tượng lợi dụng đủ mọi khe hở để thực hiện hành vi phạm tội và hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy có sự gia tăng trở lại tại các địa phương vùng biên.

Trước tình hình đó, ngành Hải quan càng nhận thức rõ yêu cầu, thách thức để chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả công tác tham mưu cũng như trực tiếp đấu tranh phòng, chống ma túy và kiểm soát tiền chất.

Thời gian tới, lực lượng Hải quan sẽ kết hợp khai thác tối đa nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài, trong khuôn khổ các quan hệ hợp tác, phối hợp với các lực lượng chức năng trong nước và quốc tế nhằm thúc đẩy hiệu quả công tác phòng, chống ma túy.