Nhiều hoạt động thúc đẩy thanh toán viện phí không dùng tiền mặt

Theo PGS.TS Trần Quý Tường - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế), thực hiện các văn bản chỉ đạo của Chính phủ tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 26/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam; cùng với Nghị quyết số 01 và 02 ngày 1/1/2021 của Chính phủ. Đặc biệt, trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 như hiện nay, Bộ Y tế (Cục Công nghệ thông tin) đã triển khai nhiều hoạt động thúc đẩy thanh toán viện phí không dùng tiền mặt tại các cơ sở y tế.

Đẩy nhanh thanh toán viện phí không dùng tiền mặt

Nhiều ngân hàng đã tích hợp các tiện ích hỗ trợ người dân và bệnh viện thanh toán
không dùng tiền mặt.

Trong đó, chỉ đạo các bệnh viện, trường trực thuộc Bộ Y tế và sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đôn đốc các đơn vị khẩn trương phối hợp với các tổ chức tín dụng, đơn vị trung gian thanh toán đẩy mạnh tiến độ triển khai thanh toán viện phí điện tử.

Bộ Y tế đã có công văn gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc giảm phí giao dịch điện tử trong thanh toán viện phí không dùng tiền mặt, hỗ trợ đẩy mạnh thanh toán trực tuyến trong ngành Y tế nhằm phòng, chống dịch Covid-19.

Đồng thời, xây dựng tài liệu hướng dẫn triển khai các phương thức thanh toán chi phí dịch vụ y tế không dùng tiền mặt tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Tài liệu hướng dẫn nguyên tắc và trình tự khi triển khai, các phương thức thanh toán từ đơn giản đến phức tạp cùng các ưu nhược điểm để các đơn vị lựa chọn triển khai cho phù hợp, thuận tiện cho người bệnh.

Ông Tường cho biết, theo số liệu thống kê báo cáo từ các địa phương, tỷ lệ các bệnh viện chấp nhận thanh toán qua ngân hàng đã tăng lên rõ rệt, từ 41% (cuối 2019) tăng lên 60% (đầu 2021).

Về mục tiêu được xác định tại Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 23/2/2018 của Thủ tướng Chính phủ (50% bệnh viện các thành phố lớn chấp nhận thanh toán viện phí qua ngân hàng), tính đến đầu năm 2021, các thành phố lớn có tỷ lệ bệnh viện chấp nhận thanh toán viện phí qua ngân hàng vượt chỉ tiêu như sau: TP. Đà Nẵng 100%, TP. Cần Thơ 100%, TP. Hồ Chí Minh đạt 98%, TP. Hà Nội đạt 73%, TP. Hải Phòng đạt 96%.

Cùng với đó, các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế có triển khai thanh toán viện phí không dùng tiền mặt chiếm tỷ lệ 75%.

Tạo thuận lợi cho người bệnh và cán bộ y tế

Chia sẻ về việc đẩy mạnh thanh toán viện phí không dùng tiền mặt, TS. Đỗ Anh Tú - Phó Giám đốc Bệnh viện K cho hay, Bệnh viện K đã làm việc và học tập mô hình Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Thống Nhất TP. Hồ Chí Minh. Trong năm 2021 sẽ cố gắng triển khai thuận lợi cho người bệnh và nhân viên y tế của Bệnh viện K trong phòng chống dịch Covid-19 và chủ động cho người bệnh đến khám chữa bệnh tại bệnh viện, đến nay công tác chuẩn bị để triển khai thanh toán viện phí không dùng tiền mặt đạt 80-90%.

Theo ông Tú, đối với các bệnh viện khác có thể gặp khó khăn, nhưng Bệnh viện K thuận lợi do bệnh nhân ung thư phải điều trị liên tục. Bệnh viện K sẽ cấp thẻ miễn phí cho hơn 13.000 bệnh nhân và người dân đến khám chữa bệnh hàng ngày; việc thanh toán viện phí rất thuận tiện, chỉ cần người bệnh đóng tiền đi khám trong thẻ, nếu phải nhập viện thì đóng thêm, nếu không khám thì có thể thanh toán lại tiền ngay tại quầy thu tiền, hoặc để lần sau đến khám.

Khi tình hình dịch bệnh Covid-19 đã giảm, Chính phủ vừa mới ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP đảm bảo đi lại bình thường giữa các địa phương, số lượng người bệnh sẽ quay trở lại Bệnh viện K rất lớn. Với số lượng bệnh nhân như vậy, việc thanh toán viện phí không dùng tiền mặt sẽ tạo điều kiện thuận lợi, giảm thời gian cho người bệnh cũng như cán bộ y tế.

Còn theo TS. Nguyễn Công Hựu - Giám đốc Bệnh viện E, Bệnh viện E đã kết hợp cùng với các ngân hàng để thực hiện đa dạng các hình thức thanh toán điện tử, đảm bảo đáp ứng các yêu cầu sử dụng các hình thức giao dịch tạm ứng và thanh toán viện phí mà người bệnh sử dụng.

Tính đến thời điểm hiện tại, người bệnh có thể lựa chọn các hình thức: Thanh toán qua POS, thanh toán qua QR và chuyển khoản, thanh toán qua ngân hàng điện tử. Đặc biệt, hệ thống phần mềm của bệnh viện tích hợp trực tiếp với hệ thống thanh toán của ngân hàng: người bệnh và thu ngân giảm được các thao tác và tăng độ chính xách khi thực hiện giao dịch. Các công việc đối soát giữa bệnh viện và ngân hàng cũng được thực hiện tự động.

Chính vì vậy, người bệnh tại bệnh viện được khuyến khích sử dụng thanh toán không tiền mặt. Tỷ lệ thanh toán không tiền mặt đã tăng dần trong thời gian gần đây, hiện đạt được từ 10-15%. Trong 6 tháng tới, bệnh viện phát triển thêm các hình thức thanh toán và đạt mục tiêu tăng tỷ lệ thanh toán không tiền mặt lên 30%.

Bệnh viện K tích hợp thẻ thanh toán trong thẻ khám chữa bệnh

TS. Đỗ Anh Tú - Phó Giám đốc Bệnh viện K cho biết, khi thanh toán viện phí không dùng tiền mặt, thuận lợi hơn cho người bệnh là Bệnh viện K tích hợp thẻ thanh toán trong thẻ khám chữa bệnh, trường hợp người bệnh đã khám chữa bệnh tại bệnh viện rồi thì đến khám chỉ việc đưa thẻ tại nơi đón tiếp bệnh nhân đã có sẵn thông tin. Khi đăng ký khám bệnh, người khám chỉ cần cung cấp số chứng minh thư là hiển thị thông tin và số thứ tự làm các thủ tục như siêu âm, xét nghiệm máu, chụp X-quang…, qua đó người bệnh có thể lựa chọn đi khám dịch vụ nào trước.

Bên cạnh đó, việc thanh toán viện phí tại bệnh viện vẫn chấp nhận những hình thức khác như thanh toán tiền mặt, kể cả các loại thẻ tài chính khác. Bệnh viện không áp đặt với người dân, việc thanh toán trên tinh thần tự nguyện, nhưng việc sử dụng thẻ khám chữa bệnh rất thuận tiện cho người bệnh và nhân viên y tế.