Sẽ trình Quốc hội việc thí điểm đấu giá biển số xe ô tô Khó xác định giá khởi điểm khi đấu giá biển số xe Đề nghị thống nhất mức giá khởi điểm đấu giá biển số xe là 40 triệu đồng

Đấu giá biển số xe trên toàn quốc: Khó quản lý xe theo địa giới hành chính

Sáng 26/10, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá.

Nêu ý kiến tại tổ Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nêu băn khoăn về mức giá khởi điểm của 1 biển số đưa ra đấu giá tại vùng 1 (gồm Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh) là 40 triệu đồng và vùng 2 (các địa phương còn lại) là 20 triệu đồng. Cho rằng “dự thảo để mức giá 40 triệu, 20 triệu thì sẽ loạn cào cào”, Chủ tịch TP. Hà Nội đề xuất nghị quyết chỉ nên quy định mức sàn của giá khởi điểm, còn lại giao HĐND các tỉnh, thành quyết định mức giá khởi điểm, bước giá.

Về bước giá khi đấu giá, ông Trần Sỹ Thanh cũng cho rằng bước giá 5 triệu đồng thì “đấu giá mấy ngày mới đến giá thật”. Với những thành phố như Hà Nội, bước giá nên là 20, 40, 50 triệu đồng. Với tiền thu được từ đấu giá, dự thảo quy định nộp 100% về ngân sách trung ương, song Chủ tịch TP Hà Nội đề nghị đưa về ngân sách địa phương.

Đề xuất để các địa phương xác định giá khởi điểm đấu giá biển số xe

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh

Theo đại biểu Nguyễn Phương Thuỷ (đoàn Hà Nội) dự thảo nghị quyết quy định đấu giá trực tuyến trên phạm vi toàn quốc. Nhưng hiện tại đang thực hiện cấp đăng ký, cấp biển số xe theo địa bàn các tỉnh, thành phố và quản lý phương tiện theo địa bàn các địa phương. Đồng thời có những trường hợp khi chủ xe và xe chuyển sang địa bàn khác phải đăng ký lại.

“Bây giờ đấu giá biển số đồng loạt như vậy, một người ở Cà Mau đấu giá ở Hà Nội và gắn biển số Hà Nội nhưng chạy ở Cà Mau thì công tác quản lý sẽ tạo ra rất nhiều phức tạp. Khi chạy xe, chúng ta không hạn chế chạy ở đâu nhưng có quy định về việc đăng ký để quản lý theo địa bàn. Chúng tôi chưa thấy lý giải cụ thể về cách thức mà Bộ Công an sẽ tiến hành quản lý ô tô và phải thay đổi thế nào để phù hợp với quy định bán đấu giá trên địa bàn cả nước như thế này”- đại biểu Nguyễn Phương Thủy băn khoăn.

Về vấn đề này, Chủ tịch TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh thí điểm đấu giá biển số không được phép phá vỡ nguyên tắc quản lý xe theo địa giới hành chính. Nếu đấu giá tập trung trên phạm vi cả nước thì có thể toàn bộ người dân phía Bắc sẽ đấu giá biển số xe Hà Nội và như thế sẽ không quản lý được.

Cùng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Trúc Anh (đoàn Hà Nội) cho rằng “Quản lý phương tiện cá nhân là bài toán cực kỳ nan giải của đại đô thị, nếu phá vỡ mà chưa có tổng kết, đánh giá thì cũng rất nguy hiểm. Cho nên, tôi nghĩ vẫn giữ theo truyền thống gắn phương tiện xe và biển số xe”.

Người nghèo hết cơ hội có "biển số đẹp" ?

Tại tổ TP.Hồ Chí Minh, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh số xe được xác định là tài sản công, coi đó là phương tiện quản lý của Nhà nước, do đó không được chuyển nhượng, thừa kế số xe đó. "Tuy nhiên, khi chúng ta xây dựng dự thảo nghị quyết này, đã đặt ra vấn đề về đấu giá tài sản công. Trên thực tế hiện nay, luôn có một lực lượng chuyên chi phối các cuộc đấu giá, không ít cán bộ làm nhiệm vụ quản lý Nhà nước về đấu giá đã vi phạm pháp luật"- ông Nghĩa nêu thực tế.

Trương Trọng Nghĩa
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa

Khi đặt vấn đề đấu giá quyền sử dụng biển số ôtô, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng đã tạo ra một thị trường, biển số xe từ chỗ không là tài sản công, phục vụ công tác quản lý, thì bây giờ có thể có giá lên tới vài tỷ đồng, hoặc hơn. Do đó, đại biểu đề nghị khi đã tạo ra thị trường thì cần phải có quy định chặt chẽ để quản lý, bởi tài sản còn liên quan đến vấn đề chuyển nhượng, thừa kế, cho tặng.

Ngoài ra, đại biểu đoàn TP.Hồ Chí Minh cho rằng, việc đấu giá quyền sử dụng biển số ôtô còn liên quan đến tài sản vợ chồng và rất nhiều vấn đề khác. "Vợ chồng bỏ ra 5 tỷ để đấu giá lấy một biển số ôtô, thì khi ly hôn chia tài sản như thế nào", đại biểu nêu vấn đề. Từ đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo thận trọng, nếu các nội dung trong dự thảo chưa ổn thì không vội, phải chặt chẽ.

Bên cạnh đó, đại biểu Dương Ngọc Hải và đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng đặt vấn đề về việc đảm bảo công bằng trong xã hội khi đấu giá biển số. Bởi khi đưa ra đấu giá, cũng có nghĩa là chỉ dành cho người giàu, người có điều kiện, người nghèo sẽ không còn cơ hội có được biển số đẹp, và chỉ có thể có biển số “không đẹp”. "Nếu quay số ngẫu nhiên, họ vẫn hi vọng sẽ quay được số đẹp. Còn khi đấu giá, chỉ người giàu mới có được”- đại biểu Dương Ngọc Hải nói.

Theo dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá, biển số đưa ra đấu giá là biển số ôtô chưa đăng ký. Bộ Công an dự kiến cấp mới cho xe ôtô của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân (nền màu trắng, chữ và số màu đen), được đăng công khai trên Cổng thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản, Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, Trang thông tin điện tử Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến của tổ chức đấu giá tài sản và trên các phương tiện thông tin đại chúng trước 30 ngày tổ chức đấu giá.

Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có nhu cầu được lựa chọn biển số của tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên toàn quốc để đăng ký tham gia đấu giá (kể cả biển số của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không phải là nơi đăng ký thường trú, đặt trụ sở của người tham gia đấu giá). Biển số trúng đấu giá sẽ được chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá theo xe theo quy định; không được giữ lại biển số trúng đấu giá để đăng ký cho xe khác.