Nếu xây dựng mức doanh thu không chịu thuế là 200 triệu đồng/năm sẽ có khoảng trên 620 nghìn hộ kinh doanh không phải nộp thuế. Ảnh tư liệu |
Nộp ngân sách chưa tương xứng với tiềm năng
Thông tin về tình hình quản lý hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, tính đến tháng 8/2024, cả nước có 3,24 triệu hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Trong đó số hộ hoạt động thường xuyên, ổn định là 2,11 triệu hộ, số hộ có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm và phải nộp thuế là 1,27 triệu hộ, chiếm 60%.
Trình Quốc hội các phương án cụ thểTheo phương án đánh giá của Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, dự kiến trình lên Quốc hội mức doanh thu không chịu thuế cụ thể, có phương án dưới 200 triệu đồng hoặc dưới 300 triệu đồng. Các cơ quan của Quốc hội đang cân nhắc và phụ thuộc vào quyết định của Quốc hội - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh. |
Theo tính toán của Tổng cục Thuế, hiện nay mức đóng góp của nhóm hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh vào ngân sách nhà nước chỉ chiếm 1,5 - 2% tổng thu ngân sách do cơ quan thuế quản lý.
Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) đã triển khai nhiều biện pháp tăng cường công tác quản lý hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Cụ thể, Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan thuế rà soát đối tượng tại địa bàn để tránh bỏ sót hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; tổ chức khảo sát doanh thu và các yếu tố liên quan đến hoạt động kinh doanh thực tế của hộ kinh doanh để điều chỉnh doanh thu, mức thuế khoán sát với thực tế phát sinh. Tuy nhiên, mức đóng góp này chưa tương xứng với tiềm năng của nhóm hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh.
Theo quy định hiện hành, hiện hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch từ 100 triệu đồng trở xuống thuộc trường hợp miễn lệ phí môn bài và không phải nộp thuế giá trị gia tăng, không phải nộp thuế thu nhập cá nhân theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, mức doanh thu trên hiện đang bị lạc hậu, cần nâng ngưỡng doanh thu chịu thuế này để nhằm phù hợp mức biến động của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và một số yếu tố khác.
Đề xuất doanh thu chịu thuế là 200 triệu đồng
Góp ý vào dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), PGS. TS Lê Xuân Trường - Trưởng Khoa Thuế - Hải quan (Học viện Tài chính) cho rằng, nên nghiên cứu nâng ngưỡng doanh thu không chịu thuế giá trị gia tăng đối với hộ, cá nhân kinh doanh. Dự án Luật đề xuất tăng từ mức hiện hành 100 triệu đồng/năm lên mức 150 triệu đồng một năm trên cơ sở tham chiếu mức độ trượt giá theo chỉ số giá tiêu dùng CPI. Tuy nhiên, bản chất của việc quy định ngưỡng doanh thu không chịu thuế giá trị gia tăng đối với hộ kinh doanh là để miễn thuế giá trị gia tăng cho hộ kinh doanh có thu nhập thấp. Vì thế, nếu tham khảo thu nhập bình quân đầu người sẽ hợp lý hơn. Theo đó, khi bắt đầu áp dụng ngưỡng doanh thu 100 triệu đồng/năm vào năm 2014 thì GDP bình quân đầu người của Việt Nam là 2.052 USD, trong khi đó, năm 2023 GDP bình quân đầu người của Việt Nam là 4.284 USD, gấp hơn hai lần.
Với căn cứ này, PGS. TS Lê Xuân Trường đề xuất nâng ngưỡng doanh thu không chịu thuế giá trị gia tăng đối với hộ, cá nhân kinh doanh lên 200 triệu đồng/năm. Thực hiện đề xuất này sẽ mở rộng đối tượng hộ kinh doanh được miễn thuế giá trị gia tăng, hỗ trợ tốt hơn cho người kinh doanh có thu nhập thấp nhưng giảm thu ngân sách nhà nước không nhiều do số thuế giá trị gia tăng thu của những hộ kinh doanh nhỏ rất ít. Tính cả số thu của toàn bộ khu vực hộ kinh doanh cá thể (cả hộ nhỏ, hộ vừa và hộ kinh doanh lớn) thì tỷ trọng chỉ chiếm chưa đầy 2% tổng thu từ thuế.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Được - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín cho rằng, việc nghiên cứu nâng ngưỡng chịu thuế cho hộ kinh doanh là rất cần thiết. Đây là cơ sở để động viên, khuyến khích hộ kinh doanh và các doanh nghiệp siêu nhỏ nhanh lớn, nhanh chóng gia nhập thị trường, thành lập doanh nghiệp. Khi nâng ngưỡng doanh thu chịu thuế thì số đông doanh nghiệp và các hộ kinh doanh cá thể không phải chịu thuế giá trị gia tăng sẽ nhiều hơn, đây là cơ hội để khu vực kinh tế này được lớn lên. Khi thành lập công ty, doanh nghiệp, thì mô hình chịu thuế và mô hình kinh doanh sẽ được nâng tầm lên, đồng nghĩa họ sẽ đóng góp nhiều hơn vào ngân sách nhà nước.
Ông Nguyễn Văn Được nêu ý kiến, mức doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng của hộ, cá nhân kinh doanh không quy định giá trị cố định mà được xác định tương ứng mức giảm trừ gia cảnh bản thân và một người phụ thuộc để phù hợp với quy định giảm trừ gia cảnh theo Luật Thuế thu nhập cá nhân.
Trao đổi tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Tài chính mới đây về những vấn đề liên quan đến việc sửa đổi một số luật thuế, trong đó có Luật Thuế giá trị gia tăng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết, Chính phủ đang trình Quốc hội sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng và kỳ họp tới Quốc hội dự kiến sẽ thông qua. Chính phủ đang được giao thẩm quyền căn cứ tình hình thực tế để ban hành mức không chịu thuế phù hợp. Hiện nay đang là ngưỡng dưới 100 triệu đồng là không chịu thuế giá trị gia tăng. Tuy nhiên theo phương án báo cáo, được đánh giá của Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, đang dự kiến trình lên Quốc hội mức cụ thể, có phương án là dưới 200 triệu đồng hoặc là dưới 300 triệu đồng.
“Trách nhiệm của cơ quan thuế và Bộ Tài chính là đảm bảo nguyên tắc công bằng giữa thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân, giữa đối tượng kinh doanh và người làm công ăn lương. Chúng tôi sẽ đưa ra các đánh giá cụ thể để Quốc hội cân nhắc” - Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh thông tin.
Theo số liệu tính toán của Bộ Tài chính, nếu xây dựng mức doanh thu không chịu thuế là 200 triệu đồng/năm thì sẽ có khoảng trên 620 nghìn hộ kinh doanh sẽ không phải nộp thuế. Còn nếu tính theo mức 300 triệu đồng thì sẽ có hơn 734 nghìn hộ kinh doanh sẽ không phải nộp thuế./.