Đó là ý kiến chia sẻ của ông Park Won Sang - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam, trong cuộc trao đổi với phóng viên TBTCVN.

* PV: Thị trường chứng khoán Việt Nam sau một thời gian dài tăng trưởng trong năm 2020-2021 cũng đã có sự điều chỉnh mạnh kể từ tháng 4/2022. Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong tương lai?

Ông Park Won Sang: Thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua một đợt điều chỉnh lớn kể từ tháng 4. Những người tham gia thị trường chứng khoán bắt đầu tìm kiếm lý do cho sự sụt giảm. Tôi xin nhắc đến sự việc của FLC và Tân Hoàng Minh.

Tuy nhiên, xét ở góc độ rộng và với mối tương quan ngày càng cao với thị trường toàn cầu thì thị trường chứng khoán Việt Nam khó có thể đứng ngoài các diễn biến chung của thế giới. Do đó, chúng ta cần chỉ ra những ưu thế của Việt Nam so với các nước trong khu vực và những điểm mạnh này sẽ được gia tăng như thế nào trong tương lai, thay vì bám vào những nguyên nhân sụt giảm trong quá khứ.

Điều gì tạo nên sức hút của thị trường chứng khoán Việt Nam với nhà đầu tư nước ngoài?
Sức hút của thị trường chứng khoán Việt Nam với nhà đầu tư nước ngoài ngày càng tăng.

Nền tảng kinh tế vĩ mô và các yếu tố tổng thể khác của quốc gia sẽ thúc đẩy sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, từ đó tạo ra tác động tích cực đến thị trường chứng khoán.

Điều gì tạo nên sức hút của thị trường chứng khoán Việt Nam với nhà đầu tư nước ngoài?
Ông Park Won Sang

Ở đây, tôi có thể đề cập đến tiềm năng của thị trường chứng khoán Việt Nam ở khía cạnh nền tảng vĩ mô hấp dẫn. Đầu tiên là các biện pháp bình ổn giá mạnh mẽ của Chính phủ. Tôi rất ấn tượng với những nỗ lực của Chính phủ trong việc bình ổn giá xăng dầu sau khi giá dầu quốc tế tăng. Cơ cấu thuế của giá xăng dầu ở Việt Nam lần đầu tiên được xác nhận và những nỗ lực của Chính phủ trong việc phân tích và giảm cơ cấu thuế một cách chi tiết đã mang lại kết quả ổn định chỉ số giá tiêu dùng không giống như các nước khác.

Thứ hai, khu vực công và tư nhân đang làm việc cùng nhau để thu hút FDI. Cần ít nhất 2 - 3 năm nỗ lực để thu hút vốn FDI. Mặc dù tổng lượng vốn FDI đã giảm do phần vốn đăng ký mới và M&A (mua bán sáp nhập) giảm do đại dịch, nhưng số vốn thực hiện thực tế và vốn mở rộng của các công ty FDI hiện hữu trong nước đã bù đắp sự sụt giảm này, cho thấy khả năng tăng vốn FDI năm sau.

Lý do tại sao tôi tập trung vào kinh tế vĩ mô là các nhà đầu tư nước ngoài ở các nước cận biên như Việt Nam không tiếp cận bằng phương pháp từ dưới lên, mà bằng phương pháp từ trên xuống. Do đó, ý chí của Chính phủ và các thành quả kinh tế tương ứng có thể nói là tiềm năng rất lớn cho thị trường chứng khoán.

* PV: Việc chu kỳ thanh toán được rút ngắn sẽ có tác động như thế nào tới thị trường? Ông đánh giá như thế nào về những nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước thời gian qua nhằm cải thiện các tiêu chí tiến tới việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam?

Ông Park Won Sang: Mặc dù chu kỳ thanh toán đã được rút ngắn, nhưng trên thực tế, nó được cho là không hấp dẫn lắm đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Việc thay đổi này cũng sẽ không gây tác động lớn. Trước hết, các nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam chủ yếu là các nhà đầu tư tổ chức như các quỹ thực hiện đầu tư từ góc độ dài hạn hơn là giao dịch ngắn hạn.

Tuy nhiên, nỗ lực từ các cơ quan liên quan được nhìn nhận một cách tích cực. Để được công nhận là một hệ thống thị trường tiên tiến và để tăng khối lượng giao dịch, tôi cho rằng việc áp dụng một hệ thống tiên tiến có khả năng xử lý một khối lượng lớn giao dịch trong ngày nên được ưu tiên.

* PV: Ông có thể chia sẻ thêm về sức hút của thị trường chứng khoán Việt Nam đối với nhà đầu tư nước ngoài nói chung và nhà đầu tư Hàn Quốc nói riêng?

Ông Park Won Sang: Thay vì nêu bật sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán, như tôi đã nói trước đó, tôi muốn đánh giá rằng nền tảng kinh tế vĩ mô và các yếu tố tổng thể khác của quốc gia sẽ thúc đẩy sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài và từ đó, tạo ra tác động tích cực đến thị trường chứng khoán.

Trước hết, tôi muốn đánh giá rằng sức hút lớn nhất của Việt Nam chính là sự chân thành và đam mê của người Việt Nam. Điều này cho thấy rõ sự khác biệt lớn so với các nước Đông Nam Á. Tôi đánh giá rằng, tính cách siêng năng và tinh thần trách nhiệm tạo nên sức hút lớn của người Việt Nam, một điểm mạnh riêng của đất nước và nó tạo ra sự thu hút của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Ở cấp độ vi mô, tốc độ tăng trưởng của các công ty đang được cải thiện đáng kể. Nhìn vào các công ty niêm yết trên HOSE, tăng trưởng lợi nhuận ròng mỗi quý so với cùng kỳ năm trước của các công ty này chưa bao giờ thấp hơn hai con số, ngoại trừ sau cuộc khủng hoảng tài chính ở Hoa Kỳ và trong đợt đại dịch. Đồng thời, lợi nhuận ròng theo năm cũng chưa từng ghi nhận tăng trưởng âm. Đây là một thành tích đáng kinh ngạc, rất khó để tạo nên thành tích này nếu không có sự nỗ lực của mỗi doanh nghiệp. Những nỗ lực của các doanh nghiệp được xem là một sức hút lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

* PV: Thời gian tới để có sức hút hơn nữa với nhà đầu tư nước ngoài, thị trường chứng khoán Việt Nam cần cải thiện những nhân tố nào, thưa ông?

Ông Park Won Sang: Vấn đề đầu tiên cần đề cập là giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. Giới hạn đầu tư 49% nói chung và 30% đối với ngân hàng nói riêng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, điều này được xem là quá thận trọng. Trên thực tế, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài có thể được nâng lên mức 100% theo nghị quyết của đại hội đồng cổ đông, và có nhiều công ty đã thực hiện theo cách này. Nhưng, những giới hạn này vẫn được đánh giá như một chiếc dây cương chưa được dỡ bỏ. Cho dù việc nâng tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài được áp dụng ở các ngành công nghiệp trọng điểm của quốc gia thì cũng không cần quá lo lắng, vì có thể thấy ở Hàn Quốc cũng như nhiều quốc gia khác đã không phát sinh vấn đề gì lớn ngay cả khi họ đã mở cửa thực sự.

Thứ hai là vấn đề về chế độ kế toán. Mặc dù đã cải thiện rất nhiều so với trước đây nhưng điều đáng tiếc là qua một số sự kiện gần đây, nó lại một lần nữa cho các nhà đầu tư nước ngoài thấy rằng vẫn chưa đủ tốt. Do đó, có vẻ như cần phải tích cực đưa ra áp dụng các tiêu chuẩn toàn cầu về tính minh bạch trong kế toán.

Muốn vậy, tôi cho rằng việc hoàn thành áp dụng Basel II vào lĩnh vực ngân hàng và áp dụng chuẩn mực IFRS trong việc trình bày, công bố báo cáo tài chính đối với các công ty niêm yết là việc đầu tiên cần làm để hiệu ứng lan tỏa trên toàn thị trường.

* PV: Xin cảm ơn ông!

Theo số liệu thống kê, tính chung cả tháng 8/2022, khối ngoại đã mua ròng 980 tỷ đồng, nâng tổng giá trị mua ròng tính từ đầu năm tới nay lên 3.972 tỷ đồng. Cụ thể, dòng vốn ngoại trong tháng 8 mua vào 682 triệu cổ phiếu, trị giá 23.269 tỷ đồng, trong khi bán ra 640 triệu cổ phiếu, trị giá 22.290 tỷ đồng. Tổng khối lượng khối ngoại mua ròng ở mức 41,9 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng là 980 tỷ đồng. Trên sàn HOSE, khối ngoại giao dịch tích cực trở lại khi mua ròng 1.106 tỷ đồng, tương ứng khối lượng mua ròng là 48 triệu cổ phiếu. Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, khối ngoại đã mua ròng tổng cộng 2.631 tỷ đồng trên sàn HOSE.