Cán bộ KBNN huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ kiểm đếm tiền trước khi giao cho khách hàng. Ảnh: H.T

Cán bộ KBNN huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ kiểm đếm tiền trước khi giao cho khách hàng. Ảnh: H.T

Tuy nhiên, hoạt động huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) hiện vẫn còn khá bị động, phụ thuộc rất nhiều vào tình hình thị trường. KBNN đang tiếp tục định hướng, tìm giải pháp cho công tác này trong thời gian tới, góp phần thực hiện tốt mục tiêu cơ cấu lại ngân sách và nợ công theo đúng chủ trương đã đề ra.

Điều chỉnh lãi suất, tiết kiệm chi cho ngân sách

Bà Trần Thị Huệ, Phó Tổng giám đốc KBNN cho biết, những năm qua, bên cạnh việc hoàn thành nhiệm vụ huy động vốn cho cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) theo dự toán được Quốc hội phê duyệt, KBNN đã đóng góp tích cực trong hoạt động quản lý rủi ro danh mục nợ TPCP để Bộ Tài chính thực hiện hiệu quả mục tiêu cơ cấu lại ngân sách và nợ công. Theo đó, ngoài việc chú trọng vào khối lượng và kỳ hạn phát hành TPCP, KBNN đã đặc biệt chú trọng vào giảm mức lãi suất trong huy động, giảm gánh nặng trả lãi cho NSNN trong thời gian dài.

Cụ thể, với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, KBNN đã đưa lãi suất phát hành TPCP trên thị trường giảm mạnh từ mức 12%/năm của năm 2011 xuống mức 6,54%/năm của năm 2014 và tiếp tục xu hướng giảm đến năm 2017 xuống mức 5,98%/năm. Lãi suất phát hành TPCP bình quân hàng năm đi theo chiều hướng giảm dần, hỗ trợ giảm lãi suất bình quân danh mục TPCP, tiết kiệm cho phí vay của NSNN, giảm gánh nặng trả lãi cho NSNN trong thời gian dài, phù hợp với định hướng Chiến lược nợ công, lộ trình phát triển thị trường trái phiếu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Năm 2017, KBNN huy động 244.220 tỷ đồng TPCP kỳ hạn bình quân 12,74 năm, lãi suất bình quân 5,98%/năm. Theo so sánh của KBNN, nếu cùng khối lượng vay này nhưng với lãi suất vay bình quân năm 2016 là 6,49%/năm thì trong gần 13 năm sắp tới, mỗi năm NSNN tiết kiệm chi được 1.245,5 tỷ đồng.

Hoặc cũng cùng khối lượng vay năm 2017 nhưng với lãi suất vay bình quân của năm 2011 là 12%/năm thì trong gần 13 năm sắp tới, mỗi năm NSNN tiết kiệm chi được 14.702 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo đánh giá từ KBNN, việc huy động vốn thông qua phát hành TPCP hiện nay vẫn còn khá bị động. Tuy đã hình thành thị trường TPCP chuyên biệt, cấu trúc thị trường đã từng bước được hoàn thiện nhưng do quy mô của thị trường nhỏ, số lượng, độ đa dạng các nhà đầu tư chưa cao nên thị trường hoạt động còn thiếu ổn định, phụ thuộc nhiều vào diễn biến thị trường tiền tệ và ảnh hưởng rất lớn từ các biến động trên thị trường tài chính quốc tế. Số lượng các công ty bảo hiểm, các quỹ đầu tư còn khiêm tốn, tiềm lực tài chính còn mỏng nên sự tham gia vào thị trường trái phiếu còn hạn chế. Do đó, việc hỗ trợ bình ổn thị trường trong những giai đoạn thị trường có biến động mạnh chưa thực sự hiệu quả.

KBNN cũng gặp áp lực khi phải đảm bảo yêu cầu gắn nhiệm vụ huy động vốn thông qua phát hành TPCP trên thị trường với tiến độ sử dụng vốn đầu tư, để tránh tình trạng vay về nhưng chưa sử dụng. Việc huy động vốn gắn với tốc độ giải ngân vốn đầu tư trong thời gian đầu có thể tăng hiệu quả sử dụng vốn TPCP, tuy nhiên gây áp lực nguồn cung trong thời gian cuối năm và mức lãi suất trên thị trường.

Thực tế, nếu KBNN đợi khi phát sinh nhu cầu sử dụng vốn mới tiến hành huy động sẽ gặp rủi ro không có vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu chi. Mặt khác, nếu nhu cầu chi rơi vào thời điểm thị trường khó khăn, KBNN sẽ không thể huy động được vốn hoặc buộc phải tăng lãi suất rất cao để đảm bảo khả năng huy động, dẫn đến gây tác động xấu cho thị trường, làm tăng chi phí vay nợ của NSNN phải trả trong thời gian dài do vay vốn đầu tư cần dài hạn.

Thực hiện hoán đổi, mua lại TPCP để tránh đỉnh nợ

Bà Trần Thị Huệ cho biết, Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội đã đặt ra một số mục tiêu cụ thể đối với công tác quản lý NSNN và nợ công, bao gồm mức bội chi NSNN giai đoạn 2016 - 2020 không quá 3,9% GDP và đến năm 2020 không quá 3,5% GDP. Tại Quyết định số 1191/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã đề ra mục tiêu phát triển thị trường trái phiếu với dư nợ đạt 38% GDP vào năm 2020, kéo dài kỳ hạn bình quân danh mục nợ TPCP hàng năm khoảng 6 - 7 năm.

Để đạt được các mục tiêu này, trong thời gian tới, cùng với sự ra đời của Luật Quản lý nợ công năm 2017 và hệ thống văn bản pháp lý đã ban hành, nghiệp vụ phát hành TPCP sẽ tiếp tục được hoàn thiện và đổi mới theo hướng hỗ trợ phát triển thị trường. Theo đó, KBNN sẽ tập trung phát hành TPCP theo phương thức đấu thầu, đảm bảo công khai, minh bạch và hiệu quả. Đồng thời, chủ động duy trì kỳ hạn danh mục TPCP bình quân ở mức 6 - 8 năm, kết hợp hài hòa giữa phát hành kỳ hạn dài để kéo dài danh mục nợ với kỳ hạn ngắn để tiết kiệm chi phí.

Bên cạnh đó, KBNN tiếp tục điều hành lãi suất phát hành theo hướng tiếp cận lãi suất thị trường đảm bảo duy trì sự ổn định của thị trường TPCP, phù hợp với định hướng điều hành lãi suất của Ngân hàng Nhà nước. Đồng thời, KBNN thực hiện tái cơ cấu nợ TPCP trong nước giai đoạn 2019 - 2021 thông qua việc tập trung phát hành TPCP có kỳ hạn dài; phát hành linh hoạt TPCP có kỳ thanh toán lãi đầu tiên dài/ngắn hơn 1 kỳ thanh toán chuẩn và thực hiện hoán đổi/mua lại TPCP để tránh đỉnh nợ, giảm sức ép về nghĩa vụ thanh toán trái phiếu đến hạn cho NSNN; thực hiện phát hành bổ sung để tăng quy mô mã trái phiếu, hình thành các mã trái phiếu chuẩn.

Vân Hà