VACPA - 20 năm hoạt động hiệu quả |
![]() |
Chủ tịch VACPA Phạm Sỹ Danh (áo trắng - ngồi) cùng các đại biểu tham dự phiên họp ban chấp hành lần thứ 14, ngày 14/4/2025. Ảnh Ngọc Anh |
Sự ra đời của VACPA đáp ứng yêu cầu phát triển ngành kiểm toán độc lập
Sự phát triển nhanh và đặc thù của hoạt động kiểm toán độc lập đặt ra yêu cầu phải có một tổ chức nghề nghiệp chuyên nghiệp với mục tiêu tập hợp các tổ chức, cá nhân làm nghề kiểm toán để phát triển nghề nghiệp, đồng thời cùng phối hợp quản lý hoạt động nghề nghiệp này.
Năm 2005, Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) được thành lập, theo thông lệ của tất cả các nước phát triển trên thế giới thì đây là một hiệp hội mang tính chuyên ngành, chuyên nghiệp mà các nước đều có. Hoạt động của VACPA gắn liền với hoạt động của các kiểm toán viên hành nghề và các công ty kiểm toán Việt Nam.
Phấn đấu trở thành tổ chức nghề nghiệp chuyên nghiệp, uy tín trên thế giớiVACPA phấn đấu trở thành tổ chức nghề nghiệp chuyên nghiệp, có uy tín trong khu vực và trên thế giới, tiếp tục triển khai các dự án lớn trong tương lai để gia tăng hiệu quả làm việc của hội viên, nâng cao hiệu suất và chất lượng dịch vụ kiểm toán, góp phần xây dựng nền kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển bền vững trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. |
Sự khác biệt của việc hành nghề kiểm toán đó là việc hành nghề này phải có khung pháp lý, có các điều kiện ràng buộc, có các chuẩn mực nghề nghiệp mà các kiểm toán viên (KTV) phải thực thi, trong đó “tính độc lập” là nguyên tắc căn bản của hoạt động dựa trên quy định của pháp luật về kiểm toán độc lập và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp. Vì vậy, VACPA giữ vai trò là một hội nghề nghiệp chuyên nghiệp có tính đặc thù khác với một số hội xã hội - nghề nghiệp khác.
Gần 30 năm, đến nay ngành kiểm toán độc lập Việt Nam có 221 doanh nghiệp kiểm toán, gần 2.500 kiểm toán viên hành nghề và khoảng 7.000 người sở hữu chứng chỉ kiểm toán viên. Tuy nhiên, sự phát triển của ngành kiểm toán độc lập không chỉ là việc gia tăng số lượng doanh nghiệp hay kiểm toán viên mà vấn đề cốt lõi là làm sao bảo đảm chất lượng dịch vụ, sự tuân thủ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và pháp luật.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, những yêu cầu này thường được đặt ra là một phần trọng trách của các tổ chức nghề nghiệp, nơi tập hợp đội ngũ chuyên gia đầu ngành, có tầm hiểu biết sâu rộng và am hiểu thực tiễn để hỗ trợ, kết nối và nâng cao năng lực cho người hành nghề.
Đối với lĩnh vực kế toán, kiểm toán ở Việt Nam, sự ra đời của VACPA chính là dấu mốc đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực, chất lượng cho người hành nghề; hướng dẫn thực hành chuyên môn, tư vấn chính sách; thúc đẩy hoàn thiện hành lang pháp lý, hệ thống chuẩn mực; tăng cường kiểm soát chất lượng dịch vụ và mở rộng hợp tác quốc tế.
Trải qua 20 năm xây dựng và phát triển, VACPA đã thu hút hơn 3.300 hội viên cá nhân (chủ yếu là các kiểm toán viên hành nghề) và 189 hội viên tổ chức (là doanh nghiệp kiểm toán), chiếm phần lớn tổng số doanh nghiệp kiểm toán đang hoạt động trên cả nước. VACPA thực sự trở thành tổ chức nghề nghiệp quy tụ đông đảo hội viên, trở thành tiếng nói đại diện cho kiểm toán viên và các doanh nghiệp kiểm toán, đã và đang khẳng định được uy tín và vị thế của mình trong cộng đồng doanh nghiệp, xã hội và với các cơ quan Nhà nước, là thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), là thành viên chính thức của Liên đoàn Kế toán Quốc tế (IFAC) và Liên đoàn Kế toán châu Á - Thái Bình Dương (CAPA) và đã có quan hệ hợp tác với nhiều hội nghề nghiệp có uy tín lớn trên thế giới...
VACPA - Mục tiêu và định hướng phát triển tới năm 2035
Vào thời điểm hiện tại, Hội đứng trước ngưỡng cửa của chặng đường mới, tiếp tục tiến bước với tinh thần đổi mới, đột phá và hội nhập sâu rộng. 10 năm tới (2025 – 2030) được kỳ vọng sẽ là giai đoạn VACPA nâng tầm năng lực và vị thế, sánh vai với các tổ chức nghề nghiệp kiểm toán khu vực, đáp ứng những đòi hỏi ngày càng cao của thị trường và xu thế toàn cầu hóa.
Theo đó, VACPA tiếp tục sẽ là địa chỉ tin cậy trong hoạt động kiểm toán, kế toán đối với hội viên, kiểm toán viên, doanh nghiệp kiểm toán. Đồng thời tiếp tục phát triển hoạt động theo hướng chuyên nghiệp sánh ngang với các tổ chức nghề nghiệp của nhóm nước phát triển nhất trong khu vực Đông Nam Á, có nguồn lực vững vàng để phát triển và đóng góp cho nghề nghiệp trong dài hạn.
Tiếp tục đổi mới, cải tiến hoạt động và nâng cao chất lượng đào tạo, đóng góp vào việc phát triển nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán, nhằm đảm bảo đội ngũ kiểm toán viên và kế toán viên được đào tạo và cập nhật kiến thức theo chuẩn mực Việt Nam và quốc tế.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong hoạt động kiểm toán nhằm mục tiêu không chỉ nâng cao hiệu quả hoạt động mà còn cải thiện chất lượng dịch vụ, giúp giảm thiểu rủi ro sai sót trong quá trình kiểm toán, đồng thời tăng cường khả năng phân tích và xử lý dữ liệu lớn một cách nhanh chóng và chính xác.
Phát triển mạng lưới hội viên đông đảo và chuyên nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho hội viên tham gia vào các hoạt động nghề nghiệp, nâng cao vai trò, trách nhiệm của hội viên trong việc phát triển nghề nghiệp, bảo vệ lợi ích công chúng.
Đảm bảo vai trò của VACPA trong phối hợp với cơ quan nhà nước để kiểm tra chất lượng, đồng thời đề cao mục tiêu hỗ trợ hội viên nâng cao chất lượng kiểm toán.
Hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, trong đó ưu tiên phát huy vai trò của Hội đối với nghề nghiệp thông qua xây dựng và hướng dẫn các chuẩn mực về báo cáo phát triển bền vững, các chuẩn mực dịch vụ đảm bảo về báo cáo về phát triển bền vững và tầm quan trọng của minh bạch tài chính và kiểm toán độc lập đối với sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
Tiếp tục phát huy các giá trị đã đạt được, đồng thời nỗ lực, đổi mới và sáng tạo để đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới.
Ngày 18/4/2025, tại Hà Nội, VACPA tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập VACPA và Đại hội Đại biểu toàn quốc nhiệm kỳ VI (2025 - 2030). Trên cơ sở đánh giá hiệu quả hoạt động thực tế và các bài học kinh nghiệm từ thực tiễn hoạt động của Nhiệm kỳ V vừa qua và để đáp ứng yêu cầu đổi mới hoạt động, VACPA sẽ thông qua chiến lược, kế hoạch đổi mới, phát triển cho phù hợp với những thay đổi của nghề nghiệp trong nước và quốc tế trong bối cảnh hiện nay cũng như trong tương lai. |