Tối ưu hóa quyền đánh thuế của Việt Nam

Ngày 29/11/2023, Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 107/2023/QH15 về việc áp dụng Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) bổ sung theo Quy định Chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu (GloBE) về thuế tối thiểu toàn cầu (TTTC), có hiệu lực từ 1/1/2024, bao gồm thuế TNDN bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn (QDMTT) và tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu (IIR).

Doanh nghiệp cần chuẩn bị nguồn lực để sẵn sàng cho việc tuân thủ thuế tối thiểu toàn cầu
Dự kiến có 122 doanh nghiệp sẽ thuộc đối tượng điều chỉnh của thuế tối thiểu toàn cầu. Ảnh minh họa

Chia sẻ nhận định về việc áp dụng thuế TTTC tại Việt Nam từ năm 2024, Deloitte Việt Nam cho biết, Nghị quyết về thuế TTTC sẽ có tác động rất trọng yếu tới các doanh nghiệp thuộc phạm vi áp dụng, bao gồm cả những doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, tập đoàn và doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động đầu tư ra nước ngoài.

Thuế TTTC (hay Trụ cột 2) là giải pháp được Diễn đàn Hợp tác chung OECD/G20 đưa ra để đối phó với thực trạng chuyển lợi nhuận và cạnh tranh thuế không lành mạnh. Trụ cột 2 đưa ra các quy tắc đánh thuế nhằm đảm bảo rằng, các tập đoàn đa quốc gia thuộc phạm vi áp dụng sẽ phải nộp thuế TNDN tối thiểu 15% tại bất kỳ quốc gia nào nơi tập đoàn đó hoạt động.

Cụ thể, các doanh nghiệp thuộc phạm vi áp dụng sẽ chịu tác động rõ rệt về nghĩa vụ thuế bổ sung (nếu thuế suất thực tế nhỏ hơn 15%, đặc biệt với các doanh nghiệp đang hưởng ưu đãi thuế) và nghĩa vụ tuân thủ kê khai thuế.

Các quy định về tính toán và kê khai tại Nghị quyết theo Quy định GloBE khá phức tạp với nhiều khái niệm và thuật ngữ lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam, đòi hỏi doanh nghiệp cần hiểu rõ quy định, thu thập thông tin của nhiều đơn vị hợp thành, cân nhắc các yếu tố có ảnh hưởng trọng yếu đến việc tính toán và kê khai.

Theo Deloitte, nếu QDMTT của Việt Nam thỏa mãn là chính sách đạt chuẩn theo GloBE (thông qua các thủ tục xem xét và phê duyệt đồng cấp của OECD), các tập đoàn đa quốc gia hoạt động tại Việt Nam sẽ có khả năng được miễn tính toán lại thuế bổ sung theo Quy tắc GloBE tại nước sở tại, giúp giảm thiểu các gánh nặng về thủ tục hành chính và tiết kiệm chi phí tuân thủ liên quan.

“Quy tắc đối với các khoản thanh toán chịu thuế dưới mức thuế suất TTTC” (UTPR) - nguyên tắc bổ trợ cho IIR theo Quy định GloBE hiện chưa được đề cập trong Nghị quyết. Việc áp dụng cả 2 cơ chế QDMTT và IIR cũng đảm bảo thuế bổ sung của các đơn vị hợp thành tại Việt Nam sẽ không bị thu bởi một nước thứ ba theo cơ chế UTPR, từ đó đảm bảo quyền đánh thuế của Việt Nam.

Còn theo chuyên gia tư vấn thuế, Luật sư Phan Hoài Nam - giảng viên bộ môn Thuế của chương trình đào tạo ACCA và Học viện Tư pháp, việc áp dụng thuế TTTC không chỉ giúp tối ưu hóa quyền đánh thuế của Việt Nam, mà còn có ảnh hưởng tích cực đến môi trường kinh doanh, đặc biệt là trong việc tạo ra một hệ thống thuế ổn định và thuận lợi cho cả doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Doanh nghiệp cần theo sát lộ trình ban hành các hướng dẫn chi tiết

Khuyến nghị cho các doanh nghiệp, các chuyên gia của Deloitte lưu ý, với việc ban hành Nghị quyết về thuế TTTC áp dụng từ năm 2024, các doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng cần sớm triển khai nghiên cứu quy định và chuẩn bị cho việc tuân thủ, cũng như hoạch định các chính sách tối ưu có thể.

Doanh nghiệp cần chuẩn bị nguồn lực để sẵn sàng cho việc tuân thủ thuế tối thiểu toàn cầu
Doanh nghiệp cần chuẩn bị nguồn lực để sẵn sàng cho việc tuân thủ thuế tối thiểu toàn cầu. Ảnh minh họa

Theo đó, trước hết, các doanh nghiệp cần đánh giá tác động của thuế TTTC tại Việt Nam, cũng như các quốc gia có hoạt động kinh doanh khác của tập đoàn.

Tiếp đó là theo sát lộ trình ban hành các hướng dẫn chi tiết liên quan đến thuế TTTC tại Việt Nam để hiểu rõ và nắm vững về các quy định, các quy tắc tính toán và kê khai. Doanh nghiệp cũng cần chuẩn bị sẵn nguồn lực cả về nhân lực, công cụ, tư vấn… để sẵn sàng cho việc triển khai áp dụng và tuân thủ.

Đồng thời, cần lập kế hoạch tối ưu bằng cách lên kế hoạch cho việc tuân thủ kê khai nghĩa vụ thuế bổ sung, cân nhắc các biện pháp tối ưu, ưu đãi khác nếu có nhằm giảm thiểu ảnh hưởng phát sinh của nộp thuế TTTC.

Về phía cơ quan nhà nước, theo chuyên gia Phan Hoài Nam, trong giai đoạn đầu thực hiện thuế TTTC, cần chú ý đến một số điểm quan trọng để đảm bảo việc áp dụng được thuận lợi và hợp lý cả cho cơ quan thuế và doanh nghiệp.

Trước hết, cần đầu tư nâng cao năng lực cơ quan thuế bằng việc tăng cường đào tạo và nâng cao kỹ năng của cán bộ thuế để họ có hiểu biết sâu sắc về các quy định mới và cách thức tính toán thuế TTTC. Song song với đó, cũng cần đảm bảo có đủ nguồn lực và công nghệ để cơ quan thuế có thể thực hiện và kiểm soát thuế một cách hiệu quả.

Bên cạnh đó, cần ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện một cách chi tiết và rõ ràng về quy định mới để doanh nghiệp có thể hiểu rõ hơn về cách áp dụng và ảnh hưởng của thuế TTTC đối với hoạt động kinh doanh của mình. Điều này có thể được thực hiện thông qua tổ chức các buổi hội thảo cho các nhóm doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nhằm hướng dẫn chính sách thuế và giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp…

Miễn phạt hành chính trong giai đoạn chuyển tiếp

Theo Nghị quyết về thuế TTTC, trong giai đoạn chuyển tiếp 2024 - 2026, các hành vi vi phạm về khai và nộp tờ khai thuế TTTC sẽ không bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế. Tuy nhiên, theo hướng dẫn của OECD, các hành vi vi phạm cần mang tính hợp lý, có nghĩa là các công ty cần chứng minh đã hành động thiện chí để hiểu và tuân thủ theo quy định về thuế TTTC.