PV: Nhiều ý kiến đánh giá rất cao chính sách giảm thuế giá trị gia tăng còn 8% đối với tất cả các mặt hàng đang chịu thuế giá trị gia tăng 10% trong năm 2022. Đây là nội dung của Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội vừa được Quốc hội thông qua. Dưới góc độ là chuyên gia về thuế, ông thấy chính sách này sẽ tác động như thế nào đến nến kinh tế nói chung và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nói riêng?

Ông Nguyễn Văn Được: Tôi đánh giá cao những tác động tích cực của chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) sẽ giúp nền kinh tế phục hồi và phát triển, bởi chính sách này sẽ tác động đa chiều đến nền kinh tế, bao gồm cả người dân và doanh nghiệp đều được hưởng lợi.

Hiện nay, hầu hết các hàng hóa, dịch vụ đều chịu thuế suất thuế GTGT là 10%, nên giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% thì chính sách này sẽ có độ bao phủ, tác động là rất rộng. Đặc biệt thuế GTGT là loại thuế gián thu, được cấu thành trong giá bán của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, do đó khi giảm thuế thì giá hàng hóa, dịch vụ sẽ giảm, từ đó giúp người dân mua được nhiều hàng hóa dịch vụ hơn với cùng một lượng tiền. Điều này là rất cần thiết trong bối cảnh khó khăn của hậu Covid-19.

Mặt khác, khi giá bán giảm thì cầu tiêu dùng tăng, từ đó kích thích và gia tăng sản xuất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì và phục hồi sản xuất và mở rộng kinh doanh. Điều này cũng sẽ tạo công ăn việc làm cho người lao động, góp phần hạ tỷ lệ thất nghiệp…

Doanh nghiệp được
Việc giảm thuế giá trị gia tăng sẽ góp phần kích thích tiêu dùng, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Ảnh: NM.

Ngoài ra, do thuế GTGT là loại thuế gián thu, được thu thông qua người bán (doanh nghiệp), nên khi giảm thuế từ 10% xuống 8% thì doanh nghiệp sẽ được giảm tiền vốn chi ra để trả tiền thuế GTGT ở các khâu đầu vào khi mua nguyên, nhiên, vật liệu và các yếu tố đầu vào khác trong một chu kỳ luân chuyển vốn. Điều đó có nghĩa là doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được nguồn tài chính tương đương khoảng 2% (bằng tỷ lệ giảm thuế) tổng doanh số mua vào của doanh nghiệp, con số này không phải là nhỏ.

Ở góc độ khác, như đã phân tích trên đây, do giảm thuế GTGT làm cho cán cân cung - cầu của nền kinh tế được gần nhau hơn, nên thị trường sẽ xác lập mức giá mới thấp hơn mức gia khi không giảm thuế. Điều này cũng sẽ góp một phần vào công cuộc giảm tỷ lệ lạm phát trong thời gian tới.

Tóm lại, khi giảm thuế GTGT thì người dân sẽ được hưởng lợi vì sẽ mua được nhiều hàng hóa hơn với cùng một lượng tiền và doanh nghiệp có điều kiện duy trì và gia tăng sản xuất, qua đó vực dạy nền kinh tế, tạo công ăn việc làm giảm tỷ lệ thất nghiệp, đồng thời góp phần giảm tỷ lệ lạm phát trong thời gian tới.

Doanh nghiệp được
Ông Nguyễn Văn Được

PV: Như ông vừa nói thì chính sách giảm thuế mang lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, cũng như nền kinh tế. Vậy xin ông cho biết cụ thể những tác động này đến nền kinh tế là như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Được: Tôi đánh giá rất cao Nghị quyết của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bởi đây không chỉ thể hiện ý trí quyết tâm của Đảng, Nhà nước, Quốc hội về sự phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội ở giai đoạn mới phục hồi, mà nó còn thể hiện sự quan tâm, chia sẻ của Nhà nước đối với người dân, cộng đồng doanh nghiệp và thể hiện ý trí quản lý vĩ mô của nhà nước luôn vì dân, phục vụ nhân dân.

Trong đó, chính sách tài khóa bao gồm thuế và đầu tư công có vai trò then chốt đã kích tổng cầu của nền kinh tế lớn lên, từ đó kích thích sản xuất, kinh doanh, giúp cho tổng cung của nền kinh tế cũng đi lên, từ đó góp phần phát triển nền kinh tế và hạn chế lạm phát, cũng như tạo ra được công ăm việc làm cho xã hội…

Bên cạnh đó, khi chính sách đầu tư công được phát huy sẽ tạo ra cơ sở hạ tầng cho nền kinh tế (điện, đường, trường, trạm…) được phát triển, tạo cơ hội và tiền để cho nền kinh tế phát triển nhanh hơn, hiệu quả hơn và bền vững hơn.

Song song với chính sách tài khóa, thì chính sách tiền tệ cũng vô cùng quan trọng trong việc góp phần kiểm soát theo hướng giảm mức lãi suất, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế, kiềm chế lạm phát…

Tóm lại chính sách tài khỏa và tiền tệ theo Nghị quyết của Quốc hội không chỉ góp phần phục hồi kinh tế trong giai đoạn mới, mà còn là tiền đề bảo đảm cho sự phát triển của kinh tế - xã hội trong thời gian tiếp theo.

PV: Cũng theo Nghị quyết, ngoài giảm thuế GTGT, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh còn được hỗ trợ lãi suất (2%/năm) thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng, gói hỗ trợ này khoảng 40.000 tỷ đồng. Để người nộp thuế được hưởng lợi chính sách này, theo ông cơ quan quản lý nhà nước cần phải có hướng dẫn cụ thể như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Được: Theo quan điểm cá nhân của tôi, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, thì trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và bộ, ngành chuyên môn cần xây dựng các văn bản hướng dẫn chi tiết, cụ thể hóa tinh thần của nghị quyết theo phương châm ngắn gọn, dễ hiểu, rõ ràng và dễ thực hiện để doanh nghiệp, hộ cá nhân và các bên có liên quan có cơ sở tham chiếu thực hiện cũng như kiểm tra, giám sát hậu kiểm.

Đặc biệt, văn bản hướng dẫn cần xây dựng những tiêu chuẩn và điều kiện rõ ràng đối với từng đối tượng được hưởng chính này, từ đó mọi doanh nghiệp có thể tự xác định được mình có thuộc đối tượng được hưởng chính sách này hay không, đồng thời cũng giúp các bên có căn cứ xác định xét duyệt khi thực thi chính sách, cũng như hạn chế được các tiêu cực trong quá trình thẩm định, xét duyệt…

Một vấn đề đặt ra cũng khá quan trọng, đòi hỏi văn bản hướng dẫn cần xây dựng quy trình, thủ tục thực hiện một cách đơn giản, thuận tiện và có tính khả thi để giúp doanh nghiệp thuộc đối tượng của chính sách có điều kiện tiếp cận được chính sách nhanh hơn, thuận tiện hơn với chi phí thực hiện thấp hơn.

Cuối cùng, cần thống nhất các chính sách và thủ tục đồng bộ từ địa phương đến trung ương với sự vào cuộc của cơ quan các cấp, các ngành để tuyên tuyền, phổ biến chính sách, tránh bỏ sót đối tượng, hoặc xác định sai đối tượng ảnh hưởng đến tính hiệu quả của chính sách.

PV: Xin cảm ơn ông!

Thêm nguồn lực tài chính để doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh

Do thuế GTGT của hàng tồn kho chưa được khấu trừ do chưa luân chuyển, nên doanh nghiệp cũng sẽ tiết kiệm được nguồn tài chính khoảng 2% tổng giá trị hàng tồn kho, tương ứng với số thuế GTGT chưa được khấu trừ còn nằm trong hàng tồn kho từ mức 10% xuống còn 8%. Như vậy, khi giảm thuế GTGT không chỉ giúp doanh nghiệp duy trì và gia tăng sản xuất, mà doanh nghiệp còn được hưởng lợi khi tiết kiệm được nguồn tài chính để duy trì sản xuất kinh doanh, hoặc có điều kiện để thực hiện các hoạt động kinh doanh khác có hiệu quả. Chính sách này cũng làm giảm áp lực vốn, tài chính cho doanh nghiệp, điều đó cũng góp phần giảm các chi phí tài chính như lãi vay cho doanh nghiệp, từ đó cũng góp phần hạ nhiệt lãi suất cho vay trên thị trường tín dụng.