Đây là nhấn mạnh của ông Trần Giang Khuê - Trưởng Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TP. Hồ Chí Minh tại Hội thảo “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dựa trên sáng chế, công nghệ và tài sản trí tuệ” do Sở Khoa học và Công nghệ TP. Cần Thơ phối hợp cùng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức ngày 5/5, tại TP. Cần Thơ.

Doanh nghiệp khởi nghiệp cần tạo nên sự khác biệt độc đáo
Toàn cảnh hội thảo.

Hội thảo được tổ chức nhằm thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo để tạo ra giá trị hữu ích cho cuộc sống; tăng cường các hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ; hình thành tạo dựng văn hóa sở hữu trí tuệ trong xã hội. Đồng thời, gắn quyền sở hữu trí tuệ với các hoạt động đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển, sản xuất kinh doanh để phục vụ phát triển kinh tế xã hội; kết nối mạng lưới nghiên cứu phát triển, ứng dụng, chuyển giao và thương mại hóa các sản phẩm khoa học và công nghệ, sáng chế giữa các nhà sáng chế, các tổ chức nghiên cứu với doanh nghiệp.

Tại hội thảo, đại diện các doanh nghiệp, sở, ngành đã nêu nhiều tham luận, ý kiến về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, sáng chế, công nghệ và tài sản trí tuệ từ trường đại học; thực trạng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dựa trên sáng chế, công nghệ và tài sản trí tuệ tại doanh nghiệp; các chính sách, biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển tài sản trí tuệ; các chính sách, biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo...

Phát biểu tại hội thảo, ông Khuê cho rằng, để xây dựng và phát triển thương hiệu, tạo ra sự phát triển đột phá và bền vững, doanh nghiệp cần tạo nên sự khác biệt độc đáo, đáp ứng các giá trị cốt lõi của sản phẩm và thương hiệu; không ngừng đổi mới sáng tạo để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ có tính cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Doanh nghiệp cần xây dựng và phát triển thương hiệu gắn với chiến lược khai thác tài sản trí tuệ; cần bền bỉ và lâu dài trong quảng bá, truyền thông xây dựng và phát triển thương hiệu./.

Theo Sở Khoa học và Công nghệ TP. Cần Thơ, thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ TP. Cần Thơ giai đoạn 2016 - 2020, sở đã đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến kiến thức, chính sách và pháp luật về sở hữu trí tuệ bằng nhiều hình thức phong phú. Trong đó, phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức nhiều cuộc tập huấn, hội thảo cho từng đối tượng cụ thể, nhằm nâng cao nhận thức của xã hội và cộng đồng về sở hữu trí tuệ, chủ động hơn trong việc bảo vệ tài sản trí tuệ của các cá nhân, đơn vị trên địa bàn thành phố.

Cùng với đó, chương trình đã thực hiện Dự án Hỗ trợ đăng ký quyền sở hữu trí tuệ trong nước và nhãn hiệu ở nước ngoài, giai đoạn từ năm 2019 - 2020 và Dự án Phổ biến kiến thức trên đài phát thanh và truyền hình TP. Cần Thơ, giai đoạn 2016 - 2020. Đến nay, Cần Thơ có 4.261 văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp được cấp cho hơn 1.200 doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân, gồm 4.030 nhãn hiệu, 203 kiểu dáng công nghiệp, 20 sáng chế và 8 giải pháp hữu ích (vượt hơn 20% so với chỉ tiêu Nghị quyết số 02-NQ/TU của Thành ủy Cần Thơ về phát triển ứng dụng khoa học và công nghệ đề ra).