Miễn giảm thuế tạo động lực thu hút đầu tư vào nông nghiệp.

Miễn giảm thuế tạo động lực thu hút đầu tư vào nông nghiệp. Ảnh: N.K

Đó là ý kiến của GS. Đặng Đình Đào, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và phát triển (Đại học Kinh tế Quốc dân) xung quanh câu chuyện cải cách thuế để tạo điều kiện cho sự phát triển của nền kinh tế, với việc khai thác lợi thế đặc thù của Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp.

PV: Thưa ông, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 5 luật thuế gồm thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế TNDN, thuế TNCN và thuế tài nguyên môi trường. Trong Dự thảo này, Bộ Tài chính đưa ra nhiều nội dung sửa đổi liên quan đến chính sách thuế như ưu đãi thuế TNDN đối với doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa từ 20% xuống còn 15 - 17%, trong đó có DN lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản. Theo ông, điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi như thế nào đối với các DN nông nghiệp?

- GS. Đặng Đình Đào: Theo số liệu điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cả nước có 1% tổng số DN đầu tư vào nông nghiệp với số vốn chỉ chiếm khoảng gần 3% tổng số vốn đầu tư của cộng đồng DN vào sản xuất, kinh doanh; hơn 70% DN khó tiếp cận về vốn, tài chính, tín dụng, 65% DN khó tiếp cận về đất đai, trên 55% DN vướng mắc về thuế TNCN, TNDN… Trong bối cảnh nền nông nghiệp hiện nay, Dự thảo sửa 5 Luật thuế lần này, Bộ Tài chính đã đề xuất điều chỉnh thuế TNDN từ 20% xuống 17 - 15% thể hiện nỗ lực và ưu đãi rất lớn của Nhà nước cho sản xuất nông nghiệp, nhất là đối với DN vừa và nhỏ… Sự ưu đãi này rõ ràng nhằm khuyến khích thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là đối với các DN vừa và nhỏ, siêu nhỏ. Bên cạnh đó, ưu đãi này sẽ giúp các DN có thêm nguồn lực đầu tư vào công nghệ, đổi mới công nghệ trong quá trình sản xuất kinh doanh. Tôi nghĩ đây là cơ hội cho các DN và các DN cũng nên tính toán, có chiến lược đầu tư vào nông nghiệp bởi ngành nông nghiệp vẫn còn nhiều dư địa.

GS. Đặng Đình Đào
GS. Đặng Đình Đào

PV: Tại dự thảo, Bộ Tài chính không chỉ đề xuất ưu đãi về thuế cho các DN đầu tư vào nông nghiệp nói chung mà còn ưu đãi thuế đối với lĩnh vực công nghệ cao, trong đó có DN nông nghiệp ứng dụng CNC. Theo đó, Bộ Tài chính áp dụng thuế suất 10% trong 15 năm, miễn thuế 4 năm, giảm thuế 9 năm liên tiếp đối với thu nhập của DN từ thực hiện dự án đầu tư mới... Ông đánh giá như thế nào về sự điều chỉnh này?

- GS. Đặng Đình Đào: Đó là những điều chỉnh hợp lý, cần thiết. Ưu đãi thuế đối với lĩnh vực CNC vào nông nghiệp và thu hút các DN nông nghiệp ứng dụng CNC là cần thiết. Trước hết, để thấy rõ chủ trương này, chúng ta cũng cần nhìn nhận lại bức tranh nông nghiệp Việt Nam. Thực tế, từ trước đến nay, Việt Nam vẫn còn nhiều vùng nông nghiệp có năng suất, chất lượng khá thấp so với các nước. Sản phẩm nông nghiệp lưu thông có công nghệ chế biến thấp cho nên giá trị gia tăng rất thấp. Đây là điểm yếu của nông sản Việt Nam. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp vẫn thường xuyên rơi vào tình trạng được mùa mất giá. Đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp vẫn gặp khó khăn đối với cả thị trường trong và ngoài nước. Cùng với đó, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều rủi ro do phụ thuộc thiên nhiên.

Như vậy, chính sách ưu đãi thuế này là cơ hội lớn để các DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, trong đó đẩy mạnh ứng dụng CNC vào nông nghiệp. Đây cũng là một giải pháp thúc đẩy luồng vốn đầu tư vào CNC trong lĩnh vực nông nghiệp. Phát triển CNC sẽ giải quyết được những vấn đề then chốt trong nông nghiệp. Tôi hy vọng nền nông nghiệp sẽ thu hút được các DN đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt đầu tư ứng dụng CNC vào khâu sản xuất, chế biến, phân phối lưu thông.

Bên cạnh sự ưu đãi cho DN, trong dự thảo sửa đổi lần này, được biết Bộ Tài chính có ưu đãi đối với thuế TNCN. Theo đó, bổ sung quy định giảm 50% thuế TNCN đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của các cá nhân là nhân lực CNC làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, chế biến nông sản thuộc dự án ứng dụng CNC. Tôi nghĩ đề xuất này rất quan trọng, sẽ tạo động lực để hạn chế sự di chuyển của dòng người từ nông thôn ra thành phố và ngược lại là thu hút lực lượng lao động CNC, có trình độ tay nghề cao về nông thôn.

Tóm lại, giảm thuế cho DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp thực sự tạo động lực lớn thu hút nguồn nhân lực đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và khắc phục được những hạn chế của ngành Nông nghiệp. Giảm thuế TNCN cũng cần thiết, tạo lợi ích cho người lao động và tạo sự liên kết chặt chẽ trong quá trình sản xuất nông nghiệp.

PV: Theo ông, ngoài những chính sách hỗ trợ về thuế, tài chính, cần phải có những chính sách ưu tiên nào để thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thời gian tới?

- GS. Đặng Đình Đào: Lâu nay các chính sách về thuế, tài chính và các chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp chủ yếu thu hút khuyến khích sản xuất nông nghiệp, nghĩa là chỉ tập trung vào khâu sản xuất mà không chú ý đến kênh phân phối, lưu thông sản phẩm. Vì vậy, ngoài chính sách phát triển nông nghiệp hiện nay, đã đến lúc cần phải ưu tiên các chính sách thu hút đầu tư vào dịch vụ nông nghiệp, hệ thống logistic để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cho nông nghiệp như: Chính sách gắn với tổ chức và quản lý quá trình phân phối lưu thông của sản phẩm nông nghiệp; chính sách gắn với công nghệ sau thu hoạch, đầu tư công nghệ; chính sách xây dựng các trung tâm logistic để thu hút các nhà đầu tư chế biến sản phẩm nông nghiệp, đầu tư công nghệ bảo quản sau thu hoạch, đầu tư hệ thống kết cấu giao thông nông nghiệp; đặc biệt là hệ thống phương tiện vận tải chuyên dùng cho nông nghiệp hiện nay… Đó là những chính sách vẫn còn bị bỏ trống.

PV: Xin cảm ơn ông!

Nam Khánh (Thực hiện)