Doanh nghiệp Nhật Bản kỳ vọng môi trường kinh doanh hấp dẫn tại Việt Nam
Hiện có khoảng hơn 2.000 doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, lớn nhất trong khối ASEAN. Ảnh: TL

PV: Ông đánh giá thế nào về môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam? Điểm đến đầu tư Việt Nam có vị trí thế nào trong mắt nhà đầu tư Nhật Bản?

Doanh nghiệp Nhật Bản kỳ vọng môi trường kinh doanh hấp dẫn tại Việt Nam
Ông Takeo Nakajima

Ông Takeo Nakajima: Môi trường kinh doanh của Việt Nam có nhiều kỳ vọng hứa hẹn về tiềm năng tăng trưởng. Việt Nam vẫn là một trong những thị trường hấp dẫn, có nhiều tiềm năng với các công ty mẹ của Nhật Bản, xếp ở vị trí thứ 2 sau Hoa Kỳ. Hiện có khoảng hơn 2.000 doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, lớn nhất trong khối ASEAN.

Kết quả khảo sát gần đây của JETRO cho thấy, các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đánh giá, môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam có nhiều lợi thế so sánh. Đó là có tình hình chính trị xã hội ổn định, nhân lực phong phú và có trình độ, quy mô thị trường và khả năng tăng tưởng của thị trường tốt….

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn những rủi ro về môi trường đầu tư kinh doanh. Đó là thủ tục hành chính còn chưa minh bạch, thời gian thực hiện thủ tục dù đã có nhiều cải thiện nhưng vẫn còn dài, gây mất chi phí cho doanh nghiệp. Tiếp đó là hạn chế về cơ sở hạ tầng, hệ thống pháp luật còn chưa hoàn thiện, không rõ ràng…Nếu Việt Nam cải thiện được những rủi ro này thì sẽ thu hút được nhiều hơn nguồn đầu tư chất lượng cao của các doanh nghiệp Nhật Bản trong tương lai.

PV: Ông đánh giá như thế nào về những cải cách về thuế trong năm 2023 của Việt Nam và những hỗ trợ về thuế đối với doanh nghiệp?

Ông Takeo Nakajima: Chính phủ Việt Nam đã đưa ra một số biện pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 như giảm thuế giá trị gia tăng, gia hạn thời hạn nộp thuế… Đây là những chính sách rất nhanh chóng mà Chính phủ đã đưa ra để hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Chúng tôi đánh giá rất cao những nỗ lực cũng như những biện pháp kịp thời này của Chính phủ.

Triển vọng lợi nhuận kinh doanh trong năm 2024

Theo báo cáo “Kết quả khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài năm tài chính 2023, ấn bản Việt Nam” vừa được JETRO công bố ngày 26/1, triển vọng lợi nhuận kinh doanh trong năm 2024 tại Việt Nam được các doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá cao.

Có tới 50,4% doanh nghiệp được hỏi trả lời triển vọng lợi nhuận kinh doanh trong năm nay sẽ cải thiện hơn năm 2023, trong khi tỷ lệ bình quân của khu vực ASEAN chỉ là 43,8%. Bên cạnh đó, 41,3% doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng lợi nhuận kinh doanh sẽ đi ngang 2023, chỉ có 8,3% dự đoán tình hình lợi nhuận sẽ xấu đi.

Trong năm vừa qua, Việt Nam bước vào giai đoạn phục hồi kinh tế thời kỳ hậu Covid-19, các doanh nghiệp tại Việt Nam cũng gặp rất nhiều khó khăn do cầu thế giới giảm. Vì vậy, việc Chính phủ tiếp tục có những những biện pháp nhanh chóng, kịp thời để kéo dài thêm các ưu đãi như là giảm thuế cho các doanh nghiệp là điều mà chúng tôi cũng đánh giá rất cao.

Tuy nhiên, để có thể thúc đẩy cho sự phát triển kinh tế mạnh mẽ hơn, hỗ trợ tốt hơn cho các doanh nghiệp thì không chỉ là những ưu đãi thuế. Điều quan trọng là cần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, đặc biệt là đảm bảo hạ tầng cho đầu tư cần được đẩy mạnh hơn nữa.

PV: Trong thời gian tới, đâu là những lĩnh vực mà nhà đầu tư Nhật Bản sẽ quan tâm và đẩy mạnh đầu tư tại Việt Nam, thưa ông?

Ông Takeo Nakajima: Việt Nam được xem như là một quốc gia sản xuất phục vụ xuất khẩu đồng thời cũng là một nơi sản xuất để hướng vào thị trường nội địa. Điều này có nghĩa là bản thân nhu cầu đầu tư vào Việt Nam là rất đa dạng.

Có thể thấy, trước đây Trung Quốc là cơ sở sản xuất để xuất khẩu thì hiện nay vị thế này đã dần dịch chuyển sang Việt Nam, tức là Việt Nam hiện nay đang được các doanh nghiệp Nhật Bản nhìn nhận như là một nơi có thể đầu tư sản xuất các sản phẩm phục vụ cho xuất khẩu. Ở góc độ hướng tới sản xuất phục vụ thị trường nội địa thì tôi nghĩ rằng, đây cũng là một tiềm năng rất lớn cho các doanh nghiệp của Nhật Bản đầu tư theo mô hình B to C, tức là hướng tới người tiêu dùng trong nước.

Kết quả khảo sát của JETRO cho thấy, nếu như trước đây có doanh nghiệp chỉ tập trung vào đối tượng khách hàng là những người giàu có thì trong thời gian tới, đối tượng khách hàng sẽ được mở rộng sang tầng lớp trung lưu đang ngày càng lớn mạnh tại Việt Nam.

Đứng ở mức độ mô hình kinh doanh B to B thì có thể thấy rằng, hiện nay rất nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư vào những lĩnh vực góp phần giải quyết các vấn đề xã hội của Việt Nam. Ví dự như lĩnh vực về môi trường hay năng lượng, chuyển đổi số, giáo dục, chăm sóc sức khỏe... Đây là những lĩnh vực trong thời gian tới sẽ có nhu cầu rất lớn tại Việt Nam.

PV: Để thu hút nhiều hơn nữa đầu tư chất lượng cao từ Nhật Bản sang Việt Nam, Việt Nam cần làm gì, thưa ông?

Ông Takeo Nakajima: Đầu tư chất lượng cao nói một cách nôm na là đầu tư vào những lĩnh vực tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Tuy nhiên, để Việt Nam có thể tiếp nhận hấp thụ được những lĩnh vực chất lượng cao đó thì cần phải có môi trường đủ sức hấp thụ, tiếp nhận. Ví dụ như cần có nguồn nhân lực phù hợp, đảm bảo hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng về điện, cũng như hệ thống pháp luật có thể tiếp nhận được những lĩnh vực mới này.

Rất cần có một môi trường kinh doanh thuận lợi với các thủ tục hành chính minh bạch, rõ ràng, được đảm bảo thời gian về mặt thời gian, giúp cho các doanh nghiệp có khả năng dự báo, dự đoán trước để họ xây dựng được chiến lược hành động, chiến lược kinh doanh của mình. Có như vậy chúng ta mới có thể thu hút được đầu tư chất lượng cao. Còn nếu như không đảm bảo được các điều kiện đó thì chắc chắn có doanh nghiệp sẽ cảm thấy e ngại.

Đặc biệt, tôi cũng nhấn mạnh yêu cầu liên quan đến hạ tầng về điện. Bởi vì khi doanh nghiệp đã quyết định đầu tư cho những ngành chất lượng cao mà nếu không đảm bảo nguồn điện để sản xuất thì đó sẽ là một trở ngại rất lớn để Việt Nam có thể thu hút được những đầu tư này.

PV: Xin cảm ơn ông!

Tập trung vào thế mạnh thay vì ưu đãi thuế

Trả lời câu hỏi nêu quan điểm về việc Việt Nam áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ 1/1/2024, ông Takeo Nakajima cho biết, trong ngắn hạn, điều này sẽ ảnh hưởng tới với một số doanh nghiệp Nhật Bản đang được hưởng một số ưu đãi về miễn giảm thuế trong một số năm.

Theo ông Takeo Nakajima, có thể thấy, một trong những yếu tố mà trước đây Việt Nam cạnh tranh với các quốc gia khác trong việc thu hút đầu tư - cạnh tranh về thuế - sẽ không còn nữa khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Vì vậy, việc Việt Nam có tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài được mạnh mẽ hơn hay không sẽ phụ thuộc vào rất nhiều các yếu tố khác.

“Bản thân những ưu đãi thuế sẽ không tác động nhiều đến quyết định đầu tư của doanh nghiệp. Vì vậy, triển khai áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, mặc dù Việt Nam không còn lợi thế về thuế nữa nhưng ưu đãi thuế không phải là sức hấp dẫn nhất của thị trường Việt Nam. Sức hấp dẫn nhất của thị trường Việt Nam hiện nay chính là khả năng, tiềm năng phát triển của thị trường, cùng với đó là nguồn nhân lực chất lượng cao, phong phú. Đó mới là thế mạnh mà Việt Nam nên tập trung vào để tạo ra sự cạnh tranh trong việc thu hút đầu tư” - ông Takeo Nakajima khẳng định.