Phòng vệ thương mại: Nguy sơ sát sườn, doanh nghiệp cần chủ động ứng phó Ra mắt Cổng thông tin hướng dẫn xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam trong nhóm 5 nước có chỉ số kết nối thương mại ấn tượng Phát triển logistics xanh là xu thế tất yếu trong thương mại quốc tế
Doanh nghiệp
Doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ các quy định pháp lý để tránh rủi ro. Ảnh: TL

PV: Ông nhìn nhận thế nào về các nguy cơ lừa đảo trong thương mại quốc tế liên tục xảy ra đối với doanh nghiệp (DN) Việt Nam thời gian qua?

TS. Vũ Tiến Lộc: Theo tôi trong xúc tiến thương mại đầu tư, liên quan đến rất nhiều vấn đề đối tác, thị trường, giá cả, nhất là trong bối cảnh hoạt động thương mại của Việt Nam có độ mở cao, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, nên rủi ro gia tăng là điều không tránh khỏi. Trong khi đó, DN Việt Nam hiện nay mới chú ý đến các vấn đề thương mại, lợi nhuận của từng thương vụ kinh doanh, rất coi nhẹ vấn đề pháp lý.

Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), mỗi năm các DN toàn cầu thiệt hại khoảng 5% doanh thu vì lừa đảo. Còn theo khảo sát của Công ty kiểm toán PwC Việt Nam, 52% số DN Việt Nam cho biết, đã từng phải trải nghiệm bị lừa đảo quốc tế.

Điều này cho thấy, để hạn chế những rủi ro trong thương mại quốc tế, việc thay đổi các phương thức giao dịch, sử dụng những biện pháp phòng ngừa là yêu cầu được đặt ra.

Doanh nghiệp "trả giá đắt" vì coi nhẹ quy định pháp lý thương mại quốc tế
TS. Vũ Tiến Lộc

PV: Nhiều vụ việc vừa xảy ra mới đây như vụ 5 container gồm hồ tiêu, hạt điều, quế, hoa hồi trị giá hơn 500.000 USD của 4 DN Việt Nam đang có nguy cơ mất trắng tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) do gian lận thương mại, một lần nữa cho thấy những rủi ro trong thương mại quốc tế. Ông bình luận thế nào về thực tế này?

TS. Vũ Tiến Lộc: Trên thực tế, không ít DN xuất khẩu đã phải đối diện với nguy cơ bị lừa gạt, chịu thiệt hại tài sản, hàng hóa khi chủ quan và thiếu hiểu biết về đối tác của mình trong các giao dịch xuyên biên giới.

Vụ việc lô hàng gần 100 container hạt điều của 5 DN Việt Nam với trị giá hàng chục triệu USD được xuất khẩu sang Italia hồi tháng 3/2022 "suýt" bị mất trắng đặt ra một bài học kinh nghiệm to lớn cho các DN khi tham gia ký kết hợp đồng thương mại với các đối tác nước ngoài. Hiện nay là vụ việc 5 container gồm hồ tiêu, hạt điều, quế, hoa hồi trị giá hơn 500.000 USD (hơn 12 tỷ đồng) của 4 DN Việt Nam đang có nguy cơ mất trắng tại UAE thực sự đáng cảnh báo.

Phân tích vụ hạt điều và các vụ việc bị lừa đảo xảy ra gần đây đều có đặc điểm giống nhau, đó là DN ký kết và sử dụng những phương thức thanh toán không an toàn, không có sự tư vấn pháp lý trong hoạt động thương mại.

Trong bối cảnh hiện nay, an toàn về pháp lý là yêu cầu quan trọng hàng đầu trong hoạt động nội bộ nền kinh tế và hoạt động thương mại xuyên biên giới. Tôi muốn nhấn mạnh, đây là điểm yếu trong việc ký kết hợp đồng kinh tế, thương mại, DN mới chỉ quan tâm đến vấn đề giá cả, chất lượng sản phẩm mà không chú ý đến hình thức hợp đồng việc xác minh, kiểm tra đối tác. Trong ký kết hợp đồng vẫn còn nhiều DN Việt Nam chưa sử dụng luật sư và chưa có sự tư vấn pháp lý của các cơ quan chuyên môn, trọng tài kinh tế. Do ký kết chưa thực sự bài bản nên hệ quả đã xảy ra nhiều vụ việc đáng tiếc.

PV: Đối với DN đang gặp tình huống bị lừa đảo tranh chấp thương mại thì có thể nhờ cậy vào cơ quan chức năng nào, thưa ông?

TS. Vũ Tiến Lộc: Có thể thấy, trong các hoạt động thương mại quốc tế, các DN của chúng ta đã quá tin tưởng vào người môi giới, sử dụng hợp đồng do môi giới soạn thảo rất đơn giản, nên thường thiếu nhiều điều khoản quan trọng, thậm chí bỏ qua các khâu kiểm tra thông tin, năng lực của đối tác.

VCCI và cơ quan chức năng của Bộ Công thương cũng thường xuyên cảnh báo và đưa ra các biện pháp phòng tránh rủi ro đối với DN khi tham gia giao dịch quốc tế. Khi gặp trường hợp rủi ro xảy ra DN cần nhanh chóng liên hệ với cơ quan chức năng của Bộ Công thương, các thương vụ tại nước ngoài và cơ quan chức năng ở nước sở tại để có hướng dẫn cụ thể.

Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp tình thế còn trên thực tế DN cần xây dựng cho mình các biện pháp phòng ngừa rủi ro. DN nên chỉ định ngân hàng quốc tế có uy tín tại nước nhập khẩu để thu tiền, ký hậu vận đơn, giao bộ chứng từ.

PV: Với tư cách Chủ tịch VIAC, ông có lời khuyên gì cho DN trong việc phòng ngừa rủi ro, tránh bị thua thiệt, thậm chí mất trắng hàng hóa, tài sản khi giao thương qua biên giới?

TS. Vũ Tiến Lộc: Có thể rút ra 3 điểm yếu mà DN Việt Nam gặp phải và cần chú ý đó là vấn đề pháp lý, điều khoản ký kết hợp đồng, phương thức thanh toán.

Thời gian qua VIAC đã triển khai hàng loạt hoạt động hợp tác với các bộ, ngành, cơ quan hiệp hội, chính quyền địa phương tổ chức các khóa tập huấn nâng cao năng lực pháp lý cho DN. Thậm chí hỗ trợ cho cơ quan chức năng bộ, ngành trong việc xây dựng bộ hợp đồng mẫu phục vụ xúc tiến kinh tế, thương mại. VIAC cũng tư vấn cho DN các biện pháp phòng ngừa rủi ro, giải quyết sự cố bằng hình thức trọng tài quốc tế khi vụ việc xảy ra.

Trong bối cảnh thị trường thế giới có nhiều biến động địa chính trị, đứt gãy các chuỗi cung ứng, khó dự báo như hiện nay, tôi cho rằng DN càng cần ý thức việc phòng ngừa rủi ro thương mại xuyên biên giới, coi đây là nội dung đặc biệt quan trọng.

PV: Xin cảm ơn ông!

Doanh nghiệp cần quan tâm đến phương thức trọng tài kinh tế

Theo TS. Vũ Tiến Lộc, hiện nay Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy phương thức trọng tài trong nền kinh tế. Sắp tới có sửa đổi luật trọng tài, bổ sung sửa đổi chế định trọng tài trong các luật liên quan đến quyền, nghĩa vụ của công dân và doanh nghiệp. Vì vậy doanh nghiệp rất cần quan tâm đến vấn đề này, để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình trên thị trường trong nước và quốc tế.