Doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động ứng phó với khó khăn sau đại dịch Covid-19
Diễn giả trình bày tham luận tại hội thảo. Ảnh: Minh Tân

Đánh giá về tình hình kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng năm 2022-2023, TS. Lê Đăng Doanh nhận định, đại dịch Covid-19 kéo dài tác động tiêu cực đến tất cả lĩnh vực và bộ phận kinh tế.

Cùng với đó, xung đột Nga – Ukraine khiến giá cả mặt hàng xăng dầu, lương thực, thực phẩm tăng cao. Biến đổi khí hậu gây khô hạn ở châu Âu và Trung Quốc. Từ đó có thể thấy, quá trình phục hồi kinh tế có thể diễn ra theo các phương thức và nhịp độ khác nhau.

“Việt Nam nên tham gia vào các hiệp định thương mại tự do khác nhau. Chúng ta cần xây dựng hệ thống các doanh nghiệp đa ngành, nghề, lĩnh vực, phù hợp với các dân tộc vùng, miền nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của nền nông nghiệp Việt” - TS. Lê Đăng Doanh khuyến nghị.

Dự báo cơ cấu ngành kinh tế Việt Nam năm 2035 mới trở thành nước công nghiệp. Tỷ lệ DN/ 1.000 dân ở Việt Nam còn thấp. Thách thức lớn DN Việt Nam đang gặp phải là giá năng lượng, an ninh năng lượng và biến đổi khí hậu.

Để ứng phó với những khó khăn, chuyên gia quản trị DN Đỗ Hòa chia sẻ, thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam là Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc,... Kinh tế nước Mỹ cũng đang trên đà lạm phát, sức mua giảm sút, chuyển sản xuất về lại Trung Quốc.

Trong khi đó, nền kinh tế của Trung Quốc lại đang bị ảnh hưởng bởi những trừng phạt thương mại, chính sách đóng cửa chống dịch, chính sách thương mại biên mậu khó đoán gây khó khăn cho các DN Việt Nam trong việc xuất khẩu hàng hóa. Thị trường châu Âu hiện cũng đang khủng hoảng năng lượng, lạm phát cao, tác động mạnh đến giá vận chuyển.

Tại hội thảo, các chuyên gia khuyến nghị, thời điểm này các DN Việt Nam cần marketing tốt hơn, nâng cao chất lượng sản phẩm, giá thành phải cạnh tranh, tổ chức lại và quản lý kinh doanh hiệu quả, ứng dụng công nghệ thông tin, điều chỉnh mô hình kinh doanh đáp ứng tình hình thị trường./.