tự chủ

NSNN chuyển từ hỗ trợ cho các ĐVSNCL sang hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng người nghèo. Ảnh: Bùi Tư

Quá trình triển khai thực hiện đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đạt được những kết quả bước đầu quan trọng.

Nâng cao hiệu quả chi NSNN với ĐVSNCL

Triển khai Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 quy định cơ chế tự chủ đối với ĐVSNCL, Nghị định số 54/2016/NĐ-CP ngày 14/6/2016 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập và Nghị định số 141/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác, trong năm 2017, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 90/2017/TT-BTC hướng dẫn cơ chế tự chủ tài chính đối với tổ chức khoa học và công nghệ công lập; Thông tư số 145/2017/TT-BTC hướng dẫn cơ chế tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác.

Nghị định 16 quy định lộ trình giá dịch vụ sự nghiệp công phù hợp với khả năng của NSNN và thu nhập của người dân; từng bước tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và khấu hao tài sản cố định. Căn cứ tình hình thực tế, các ĐVSNCL được thực hiện trước lộ trình giá dịch vụ sự nghiệp công. Việc chuyển đổi từ phí sang giá dịch vụ là một bước tiến quan trọng trong đổi mới cơ chế tài chính của các ĐVSNCL góp phần bù đắp chi phí của các đơn vị, giảm chi thường xuyên của NSNN. Luật Phí, lệ phí năm 2015 quy định 17 khoản phí được chuyển sang thực hiện theo cơ chế giá dịch vụ do Nhà nước định giá và các khoản phí được chuyển sang cơ chế giá thị trường mà Nhà nước không định giá (trừ dịch vụ giáo dục, dịch vụ khám, chữa bệnh... tiếp tục thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành). Về cơ bản, các bộ, ngành, địa phương đã kịp thời ban hành thông tư, văn bản hướng dẫn, việc chuyển từ phí sang giá dịch vụ không gây xáo trộn lớn đối với các đơn vị cung cấp dịch vụ và thị trường.

Các ĐVSNCL được giao quyền tự chủ tài chính đã chủ động sử dụng nguồn kinh phí NSNN giao để thực hiện nhiệm vụ có hiệu quả; đồng thời chủ động sử dụng tài sản, nguồn nhân lực để phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động cung cấp dịch vụ sự nghiệp công (khám chữa bệnh, đào tạo...), phát triển nguồn thu, góp phần giảm chi NSNN; xây dựng các giải pháp quản lý nội bộ để tiết kiệm chi phí, tăng thu nhập cho người lao động.

Đồng thời, để thực hiện giải pháp về đổi mới phương thức chi từ NSNN cho các ĐVSNCL theo phương thức đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định về giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng NSNN từ nguồn kinh phí chi thường xuyên.

Bên cạnh đó, để tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách về đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính của ĐVSNCL, thu hút các nguồn lực trong xã hội tham gia cung ứng dịch vụ sự nghiệp công, ngày 25/10/2017 Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL (Nghị quyết số 19).

Nghị quyết số 19 đã khẳng định mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện và đồng bộ hệ thống các đơn vị SNCL, bảo đảm tinh gọn, có cơ cấu hợp lý, có năng lực tự chủ, quản trị tiên tiến, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; giữ vai trò chủ đạo, then chốt trong thị trường dịch vụ sự nghiệp công; cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu có chất lượng ngày càng cao. Giảm mạnh đầu mối, khắc phục tình trạng manh mún, dàn trải và trùng lắp; tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức. Giảm mạnh tỷ trọng, nâng cao hiệu quả chi NSNN cho ĐVSNCL để cơ cấu lại NSNN, cải cách tiền lương và nâng cao thu nhập cho cán bộ, viên chức trong ĐVSNCL. Phát triển thị trường dịch vụ sự nghiệp công và thu hút mạnh mẽ các thành phần kinh tế tham gia phát triển dịch vụ sự nghiệp công.

Theo đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 24/01/2018, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 429/QĐ-BTC ngày 29/3/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 19. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính nghiên cứu để xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 16 để đổi mới toàn diện tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công.

Đẩy mạnh cơ chế đặt hàng ĐVSNCL

Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính các đơn vị SNCL và đẩy mạnh xã hội hóa đối với một số loại hình dịch vụ công là đúng hướng và phù hợp với yêu cầu đổi mới cơ chế quản lý đối với các đơn vị sự nghiệp; tuy nhiên việc thể chế hoá các chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực sự nghiệp công còn chậm, chưa đầy đủ, đồng bộ và phù hợp với tình hình (đến nay mới có 2/7 Nghị định về cơ chế tự chủ của từng lĩnh vực được ban hành).

Công tác phổ biến, tuyên truyền về chủ trương chính sách đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với ĐVSNCL và khuyến khích xã hội hóa còn hạn chế dẫn đến việc thực hiện và áp dụng các chính sách gặp nhiều khó khăn và không thống nhất. Một số tổ chức, đơn vị nhận thức chưa đầy đủ, thiếu quyết liệt và đồng bộ trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện; chưa chủ động chuyển các ĐVSNCL sang hoạt động theo cơ chế tự chủ, còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước.

Việc thực hiện xã hội hóa lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công còn chậm; mức độ phổ cập xã hội hóa trong các lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công là không đồng đều, thường chỉ tập trung ở một số lĩnh vực, loại hình dễ thu lợi nhuận và tập trung ở các địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội phát triển.

Nhằm thúc đẩy việc thực hiện tự chủ của các ĐVSNCL, Bộ Tài chính đưa ra một số giải pháp: Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng chủ trương quan điểm của Đảng, Nhà nước về nội dung đổi mới cơ chế hoạt động của ĐVSNCL, đẩy mạnh xã hội hóa lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công nhằm tạo ra sự đồng thuận trong nhận thức và tổ chức triển khai thực hiện.

Hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật về cơ chế tự chủ đối với các ĐVSNCL theo chủ trương nêu tại Nghị quyết số 19 và Nghị định số 16/2015/NĐ-CP trong các ngành, lĩnh vực để thực hiện một cách tổng thể, toàn diện các nội dung về đổi mới cơ chế hoạt động của ĐVSNCLvà đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công.

Hoàn thiện cơ chế phân bổ NSNN theo hướng đổi mới cơ chế phân bổ nguồn lực, quản lý, cấp phát NSNN. NSNN bảo đảm đầu tư cho các dịch vụ công cơ bản, thiết yếu và đối với các ĐVSNCL ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người.

NSNN chuyển từ hỗ trợ cho các ĐVSNCL sang hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng người nghèo, đối tượng chính sách khi sử dụng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu; chuyển từ hỗ trợ theo cơ chế cấp phát theo dự toán sang cơ chế Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công căn cứ vào chất lượng đầu ra hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công nhằm đảm bảo mục tiêu: Giai đoạn từ nay đến năm 2021, phấn đấu có 10% đơn vị tự chủ tài chính, giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ NSNN cho các ĐVSNCL so với giai đoạn 2011 - 2015; đến năm 2025, tiếp tục giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ NSNN cho ĐVSNCL so với giai đoạn 2016 - 2020; đến năm 2030, giảm bình quân 15% chi trực tiếp từ NSNN cho ĐVSNCL so với giai đoạn 2021 – 2025; khuyến khích các doanh nghiệp và cá nhân đóng góp xây dựng quỹ xã hội, quỹ từ thiện.

Đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế đặt hàng cung cấp các dịch vụ sự nghiệp công gắn liền với nhu cầu sử dụng, với số lượng, chất lượng cụ thể để đảm bảo hiệu quả đầu tư từ ngân sách nhà nước, tránh lãng phí; có lộ trình cụ thể thực hiện cơ chế đầu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN để tạo điều kiện cho cơ sở ngoài công lập cùng tham gia cung cấp; giảm dần các sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN thực hiện theo phương thức giao nhiệm vụ, giao kế hoạch.

Sắp xếp, tổ chức lại các ĐVSNCL và hoàn thiện cơ chế khuyến khích xã hội hóa tại các đơn vị SNCL của từng ngành, lĩnh vực theo nguyên tắc: Đẩy mạnh việc chuyển đổi các ĐVSNCL sang hoạt động theo hình thức tự bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động hoặc vận dụng cơ chế tài chính như doanh nghiệp, kiên quyết chuyển sang cơ chế tự bảo đảm hoàn toàn về tài chính đối với nhóm các ĐVSNCL cung cấp các dịch vụ sự nghiệp công có khả năng xã hội hóa cao trên cơ sở Nhà nước thực hiện lộ trình bảo đảm kinh phí hoạt động có thời hạn. Trường hợp cần thiết phải thành lập mới ĐVSNCL, thì đơn vị đó phải tự bảo đảm toàn bộ về tài chính (trừ trường hợp phải thành lập mới để cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu). Đẩy mạnh xã hội hóa, chuyển các đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác đủ điều kiện thành công ty cổ phần.

Thực hiện tốt công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra các hoạt động của các ĐVSNCL và ngoài công lập, đảm bảo chất lượng dịch vụ, kịp thời xử lý các vướng mắc và cập nhật, bổ sung các chính sách chế độ cho phù hợp với thực tiễn.

Sớm hoàn thiện văn bản hướng dẫn cơ chế tự chủ

Bộ Tài chính đề nghị các bộ quản lý ngành, lĩnh vực sớm hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành 5 Nghị định quy định và các văn bản hướng dẫn về cơ chế tự chủ của ĐVSNCL trong các lĩnh vực: Giáo dục và đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, văn hóa thể thao và du lịch, thông tin và truyền thông, y tế; đẩy nhanh tiến độ ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công, quy hoạch mạng lưới các ĐVSNCL, ban hành định mức kinh tế kỹ thuật, tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ sự nghiệp công của ngành, lĩnh vực quản lý.

Các bộ, ngành đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL.

Các bộ, ngành, địa phương, ĐVSNCL quyết tâm, quyết liệt và chịu trách nhiệm trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách đổi mới, cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với ĐVSNCL của Đảng và Nhà nước.

Các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền chủ trương, chính sách đổi mới về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính của ĐVSNCL và đẩy mạnh xã hội hóa lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công./.

Vụ HCSN