Thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), thời gian qua, bộ đã nỗ lực xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý thúc đẩy phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo; tìm kiếm, kết nối, tận dụng sự giúp đỡ, hợp tác của các quốc gia, tổ chức quốc tế.

Đổi mới sáng tạo - “đòn bẩy” giúp doanh nghiệp phát triển
Nhiều doanh nghiệp Việt đang đẩy mạnh đổi mới sáng tạo giúp tăng năng suất chất lượng. Ảnh: TL.

Các kênh hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động này ngày càng đa dạng, phong phú, như: thúc đẩy phát triển lực lượng doanh nghiệp KHCN; khuyến khích doanh nghiệp nghiên cứu, đổi mới công nghệ, thu hút chuyên gia giỏi nước ngoài, hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo...

Tăng cường xã hội hóa đầu tư cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, bộ này đang thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia và tăng cường sự gắn kết, hợp tác giữa các trường đại học, viện nghiên cứu với doanh nghiệp để đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu trong sản xuất, kinh doanh; kết nối các mạng lưới đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước, phát huy vai trò của các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, gắn kết với các địa phương thúc đẩy hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, Bộ KH&CN chú trọng thúc đẩy các giải pháp nhằm tăng cường xã hội hóa đầu tư cho KHCN và đổi mới sáng tạo, nhất là từ doanh nghiệp.

Đánh giá về đổi mới sáng tạo giúp tăng năng suất chất lượng trong doanh nghiệp, ông Nguyễn Tùng Lâm - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Năng suất Việt Nam cho biết, những năm vừa qua, năng suất lao động Việt Nam đã có sự gia tăng so với giai đoạn trước. KH&CN thể hiện rõ vai trò là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế của đất nước khi năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) tăng lên 45,7% giai đoạn 2016 - 2020.

Tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt 50% năm 2020. Điều này khẳng định các doanh nghiệp Việt nhất thiết phải đổi mới sáng tạo trong quá trình sản xuất, kinh doanh, đây là một trong những công cụ đắc lực, tiềm năng nhất để thúc đẩy nâng cao năng suất, sử dụng "đòn bẩy" công nghệ mới tạo những cơ hội đổi mới cho doanh nghiệp khi việc ứng dụng công nghệ thông tin và tự động hóa các quá trình kinh doanh còn yếu ở hầu hết doanh nghiệp hiện nay.

Để giúp doanh nghiệp phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo, theo ông Lâm, hiện nay nhiều nước trên thế giới đã lựa chọn chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng dựa vào phát triển năng suất dựa trên đổi mới sáng tạo và thực tế cho thấy đây chính là yếu tố giúp tăng trưởng kinh tế một cách bền vững.

Đối với lĩnh vực năng suất chất lượng, mục tiêu đặt ra là công tác tiêu chuẩn hóa phải khích lệ được sự đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, trong từng cá nhân và từng nhóm, lĩnh vực sản xuất. Đặc biệt, tiêu chuẩn hóa trong các lĩnh vực mới như IoT, blockchain, thương mại số, thương mại điện tử, in 3D, sản xuất thông minh sẽ tạo nền tảng vững chắc cho hoạt động đổi mới sáng tạo.

Đưa sản phẩm công nghệ Việt đến người tiêu dùng

Chia sẻ về hành trình đổi mới sáng tạo đưa sản phẩm khoa học công nghệ ra thị trường, ông Nguyễn Đức Tài - CEO Công ty cổ phần Lumi Việt Nam, cho biết năm 2012, công ty ra đời nhưng đối mặt rất nhiều khó khăn. Cơ hội đến khi hãng Texas Instrument gửi một số linh kiện mẫu là chip xử lý cảm ứng điện dung và truyền thông không dây. Đây được xem là các linh kiện công nghệ mới ở thời điểm đó. Món quà từ đối tác mở ra nhiều ý tưởng cho công ty phát triển và là chất xúc tác để chiếc công tắc cảm ứng đầu tiên ra đời.

Sau ba năm nghiên cứu và phát triển, giải pháp smarthome của công ty ra mắt với các tính năng điều khiển các hệ thống chiếu sáng, rèm tự động, cổng tự động, an ninh giám sát... thông qua ứng dụng trên app hoặc trợ lý ảo, điều khiển bằng giọng nói. Để nền tảng nhà thông minh toàn diện hơn về hệ thống và tính năng, công ty hợp tác với các hãng Hogar Control, EFL (Ấn Độ) và một số doanh nghiệp trong nước, như Việt Tiệp, Pavana, CNC Tech...

Đổi mới sáng tạo - “đòn bẩy” giúp doanh nghiệp phát triển

Đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp có nhiều nội dung, trong đó có đổi mới quản trị, đổi mới sản phẩm và đổi mới về quy trình công nghệ. Ảnh: TL.

Đến nay, Công ty cổ phần Lumi Việt Nam thiết kế và phát triển 65 kiểu dáng sản phẩm khác nhau. Hệ sinh thái smarthome toàn diện giúp giải quyết bài toán về năng lượng, thẩm mỹ, an ninh, đồng thời nâng cao trải nghiệm sống của người dùng Việt. Sau 11 năm phát triển, công ty cũng là thương hiệu smarthome Việt Nam đầu tiên xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, bao gồm Israel, Thái Lan, Ấn Độ, Lebanon.

Theo ông Tài, điều quan trọng tiếp theo mà doanh nghiệp hướng đến là truyền cảm hứng khởi nghiệp cho thế hệ trẻ mê công nghệ. Những năm qua công ty đã hợp tác và tài trợ phòng thí nghiệm, chuyển giao toàn bộ giáo trình đào tạo IoT cho 12 trường đại học như Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên, Đại học Sao Đỏ, Đại học Hồng Đức...

Ông Nguyễn Đoàn Kết - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông cho biết, nhờ áp dụng KHCN và đổi mới sáng tạo, công ty đã giữ được vị thế tiên phong trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm nguồn sáng và thiết bị chiếu sáng, được người tiêu dùng ưa chuộng. Doanh thu của công ty năm sau luôn cao hơn năm trước. Đặc biệt, giai đoạn 2020-2021, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, doanh nghiệp vẫn tăng trưởng từ 15% đến18%, lợi nhuận tăng khoảng 17%.