tuyen sinh

Toàn cảnh buổi tọa đàm

Tránh tình trạng học sinh học lệch, học tủ

Theo dự thảo tóm tắt đề án thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ từ năm 2017 mà Bộ GD-ĐT vừa báo cáo Chính phủ, từ năm 2017 phương án thi THPT quốc gia và việc tuyển sinh vào ĐH, CĐ sẽ có một số thay đổi.

Cụ thể, kỳ thi THPT Quốc gia 2017 sẽ giao về cho các Sở GD&ĐT chủ trì. Cả nước sẽ chỉ còn một cụm thi ở các tỉnh, không có 2 cụm thi tốt nghiệp và ĐH như năm 2016. Các trường đại học, cao đẳng cử người về hỗ trợ coi thi và có trách nhiệm giám sát.

Dự thảo cũng nói rõ, phương án thi năm 2017 là tổng hợp một số môn thi riêng rẽ làm thành bài thi tổng hợp trắc nghiệm. Tất cả chỉ còn 5 bài thi: Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên (gồm: Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (gồm: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Công dân).

Trong đó, bài thi Ngữ văn vẫn thi bằng hình thức tự luận, còn tất cả các bài thi còn lại theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Đề thi môn Ngoại ngữ dự kiến sẽ có 40 câu hỏi trắc nghiệm làm trong 60 phút; các bài thi Toán, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội có 50 câu trắc nghiệm làm trong 90 phút. Mỗi thí sinh tham gia dự thi sẽ được cấp một mã đề thi riêng để tránh trường hợp quay cóp.

Sau khi Bộ giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo phương án tuyển sinh 2017 đã có nhiều băn khoăn của phụ huynh và học sinh về những đổi mới này.

Giải đáp về những băn khoăn của hình thức tuyển sinh mới này, TS.Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết, từ năm 2015 trở lại đây chúng ta chỉ tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia và lấy kết quả để xét tuyển đại học, cao đẳng. Theo nguyên tắc, tùy theo tính chất kỳ thi, yêu cầu nội dung ra đề thi phải khác nhau.

Những năm trở về trước, kỳ thi THPT có tỷ lệ đỗ cao tới 99,3%, con số đó chưa phản ánh thực chất năng lực của người học bởi còn tình trạng bệnh thành tích, tiêu cực trong thi cử.

“Kỳ thi THPT quốc gia phải đánh giá toàn diện, đồng thời chuyển một bộ phận môn thi sang hình thức trắc nhiệm khách quan theo tỷ lệ phù hợp. Cũng không nên quy định 3 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn sẽ dẫn tới thí sinh học lệch, học tủ từ lớp 10, gây tác hại xấu, không đào tạo được toàn diện”, ông Khuyến cho hay.

Đánh giá về phương thức thi trắc nghiệm, G.S Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, mỗi phương pháp có 1 ưu nhược điểm riêng. So sánh về hai hình thức thi trắc nghiệm và tự luận thì đối với các kỳ thi tiêu chuẩn hóa quy mô lớn như thi THPT, phương pháp trắc nghiệm có ưu thế hơn, chất lượng của kỳ thi phụ thuộc vào đề thi. Đối với thi tự luận, chất lượng của kỳ thi phụ thuộc vào trình độ của người chấm.

GS Thiệp lấy ví dụ, ở Mỹ tuyển đại học có hai kỳ thi cũng sử dụng phương pháp trắc nghiệm và có một câu hỏi nhỏ tự luận để đánh giá khả năng tư duy của thí sinh. Vì vậy đối với kỳ thi tiêu chuẩn hóa quy mô lớn như thi THPT, phương pháp trắc nghiệm có ưu thế áp đảo.

Giảm chi phí xã hội

Bà Nguyễn Phương Nga, Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục trực thuộc Hiệp hội các Trường đại học, cao đẳng Việt Nam (CEA-AVU&C) cho rằng, sử dụng hình thức thi nào trước hết phải xác định được mục tiêu của kỳ thi đó.

Kỳ thi THPT nhằm đánh giá kiến thức kỹ năng cơ bản nhất của chương trình lớp 12, xét các em có đủ khả năng để tốt nghiệp không. Đó không phải là kỳ thi tuyển chọn nhân tài chẳng hạn như thi Olimpic toán sẽ không sử dụng phương thức trắc nghiệm.

“Ở góc độ đó tôi cho rằng, phương án thi năm 2017 thể hiện nhiều ưu điểm, nếu như kỳ thi năm 2016 là 4 ngày thì kỳ thi năm 2017 chỉ còn 2 ngày. Điều này sẽ tiết kiệm được chi phí cho xã hội”, bà Nga cho hay.

Bên cạnh đó, bà Nga cho rằng hình thức thi trắc nghiệm khách quan sẽ phủ rộng hơn, đo được nhiều kiến thức hơn và Bộ chỉ đánh giá kiến thức cơ bản để thí sinh học lực trung bình đỗ THPT, giỏi phải đỗ điểm cao, phải thi toàn diện không được học lệch, thi tất cả các môn.

Bên cạnh đó, dự thảo 2017 mỗi thí sinh 1 đề thi như vậy lý tưởng sẽ hạn chế được tiêu cực trong việc đề thi bị tuồn ra ngoài và chuyển bài giải vào phòng thi. Bên cạnh đó, việc chấm điểm bằng máy sẽ giảm được áp lực chấm thi và không có hiện tượng chấm lệch, chấm sai.

Băn khoăn của người học về cách thức học và ôn tập theo phương thức thi mới, bà Nga cho hay đánh giá thế giới khẳng định thi tự luận hay trắc nghiệm thì không ảnh hưởng tới việc dạy và học trên lớp, đề thi phải dựa trên mục đích thi vì vậy thầy cô chỉ cần dậy đúng chương trình học sinh trung bình sẽ đỗ tốt nghiệp.

Cũng theo bà Nga, Bộ GD&ĐT đã công bố dự thảo phương án tuyển sinh ngay từ đầu năm học, vì vậy giáo viên và học sinh hoàn toàn có khả năng để thích ứng, chuẩn bị tốt cho kỳ thi. Điều còn băn khoẳn là ngân hàng đề thi có đạt được chất lượng và Bộ GD&ĐT cần sớm công bố đề thi mẫu, tỷ lệ các câu hỏi dễ, trung bình, khó để người học sớm thích ứng./.

Hồng Quyên