Số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng gấp 39 lần

Trình bày tham luận tại hội nghị tổng kết 20 năm hoạt động Hệ thống đối thoại Doanh nghiệp - Chính quyền TP. Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Quốc Thanh - Phó Giám đốc quản lý điều hành Bảo hiểm Xã hội (BHXH) TP. Hồ Chí Minh khẳng định, hoạt động của hệ thống đã giúp cho cơ quan BHXH đạt được những kết quả tốt hơn trong việc thực hiện chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).

Toàn cảnh hội nghị tổng kết 20 năm hoạt động đối thoại doanh nghiệp - Chính quyền TP. Hồ Chí Minh. Ảnh Đỗ Doãn
Toàn cảnh hội nghị tổng kết 20 năm hoạt động đối thoại doanh nghiệp - Chính quyền TP. Hồ Chí Minh. Ảnh Đỗ Doãn

Cụ thể, thông qua hoạt động đối thoại, các đơn vị sử dụng lao động tiếp cận được những văn bản mới có liên quan đến việc thực hiện Luật BHXH, Luật BHYT, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật… Điều đó được thể hiện thông qua những kết quả đạt được trên các mặt công tác của BHXH thành phố như: Mở rộng phát triển người tham gia, tăng thu, giảm nợ, thực hiện chính sách BHXH, BHYT cho người tham gia.

Trong những năm qua, việc triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã được triển khai đồng bộ, thống nhất từ thành phố đến quận - huyện, phường - xã. Các chính sách BHXH, BHYT, BHTN đã từng bước được hoàn thiện, hướng tới mở rộng phạm vi bao phủ, tạo cơ hội cho mọi người dân trong việc tiếp cận, tham gia, thụ hưởng chính sách, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Kết quả từ năm 2012 cho thấy, đối với BHXH bắt buộc, số người tham gia tăng từ 1,75 triệu người lên hơn 2,38 triệu người vào năm 2020; ước đến cuối năm 2022 là 2,79 triệu người. Như vậy trong 10 năm qua, số người tham gia BHXH bắt buộc đã tăng 1,5 lần, tương đương tăng hơn 0,9 triệu lượt người. Đối với BHXH tự nguyện, số người tham gia tăng từ 3.140 người lên 56.477 người vào năm 2020 và ước đến cuối năm 2022 là 125.322 người. Như vậy số người tham gia BHXH tự nguyện đã tăng gấp 39 lần (122.182 người) trong 10 năm qua.

Đối với BHTN, số người tham gia tăng từ 1,6 triệu người lên 2,33 triệu người vào năm 2020 và ước đến cuối năm 2022 đạt 2,64 triệu người. Như vậy trong 10 năm qua, số người tham gia BHXH thất nghiệp đã tăng gấp 1,6 lần, tương đương tăng hơn 1 triệu lượt người. Đối với BHYT, số người tham gia tăng từ 4,8 triệu người lên gần 7,9 triệu người vào năm 2020 và dự kiến đến cuối năm 2022 đạt 8,58 triệu người, tức số người tham gia đã tăng gấp 1,78 lần sau 10 năm, tương đương gần 3,8 triệu lượt người.

Cầu nối giữa cơ quan bảo hiểm với doanh nghiệp

Theo ông Nguyễn Quốc Thanh, tại các buổi đối thoại, đơn vị được tiếp cận, nắm bắt thông tin về chế độ, chính sách, thủ tục hồ sơ, điều kiện tham gia, mức đóng, mức hưởng và các quyền lợi có liên quan. Những vướng mắc của người lao động được cơ quan BHXH trả lời trực tiếp ngay tại buổi đối thoại, trường hợp không trả lời kịp thì được trả lời bằng văn bản để đơn vị sử dụng lao động biết và thực hiện. Qua đó cũng giúp cơ quan BHXH nắm được tình hình khó khăn vướng mắc của DN, từ đó có những cải cách để tạo điều kiện tốt hơn cho DN khi tham gia BHXH, BHYT, BHTN.

Ông Nguyễn Quốc Thanh - Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội TP. Hồ Chí Minh trình bày tham luận. Ảnh Đỗ Doãn
Ông Nguyễn Quốc Thanh - Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội TP. Hồ Chí Minh trình bày tham luận. Ảnh Đỗ Doãn

Một số cải cách về thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin mà cơ quan BHXH đã thực hiện để hỗ trợ, giải đáp chính sách, pháp luật về BHXH, BHTN, BHYT cho cộng đồng DN như thông qua trang fanpage, cổng thông tin điện tử BHXH thành phố, bộ phận tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính cũng góp phần đưa những nội dung đối thoại đến với người dân, DN được dễ dàng và nhanh hơn.

Các nội dung này cũng được lồng ghép trong nội dung hỗ trợ, giải đáp thắc mắc về BHXH, BHTN, BHYT thông qua các hội nghị tuyên truyền; công khai hệ thống các số điện thoại tiếp nhận phản ánh, thắc mắc, hỏi đáp; tiếp nhận và trả lời câu hỏi từ DN, người lao động, người dân qua diễn đàn hỏi đáp với khoảng 5.000 câu hỏi mỗi năm; trả lời câu hỏi của đơn vị và gửi câu hỏi đăng định kỳ trên báo Người lao động, Pháp Luật… Thông qua đó giúp cho cộng đồng DN hiểu rõ hơn chính sách BHXH, BHTN, BHYT, từ đó tích cực tham gia đóng và hưởng đầy đủ các chế độ theo quy định của pháp luật.

‘‘Không thể phủ nhận vai trò của Hệ thống Đối thoại Doanh nghiệp - Chính quyền thành phố đối với việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN tại thành phố. Có thể nói, hệ thống đã góp phần giúp cơ quan BHXH thành phố hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chính sách an sinh xã hội trên địa bàn…’’ - ông Nguyễn Quốc Thanh nói.

Việc quản lý thu BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh từng bước đi vào ổn định khi số thu hàng năm đều đạt và vượt kế hoạch: Năm 2015 được 36.450 tỷ đồng, đến năm 2021 thu hơn 67.000 tỷ đổng (tăng 84%). Số nợ BHXH, BHYT, BHTN giảm dần qua các năm, cao nhất là tỷ lệ nợ 5,88% so với kế hoạch thu (năm 2017), đến năm 2018 là 1,78% và năm 2019 còn 1,42%. Số lượt người hưởng chế độ BHXH từ năm 2015 đến năm 2019 tăng 647.926 lượt người, tăng 46,6%; khám chữa bệnh BHYT tăng 9,5 triệu lượt người, tăng 76,13%. Tổng chi BHXH, BHYT tăng 24.757 tỷ đồng, tăng 112,33%, gấp 2,12 lần…