PV: Theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP quý I/2023 khoảng 3,32%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng 5,6% đưa ra trong kịch bản điều hành, tại Nghị quyết 01/NQ-CP. Ông đánh giá thế nào về những tác động làm ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng?

GS.TS Tô Trung Thành
GS.TS Tô Trung Thành

GS.TS Tô Trung Thành: Tốc độ tăng trưởng kinh tế quý I/2023 chỉ đạt khoảng 3,32% là mức tăng trưởng rất thấp, phản ánh nền kinh tế còn đang rất khó khăn trên con đường hồi phục hoàn toàn sau đại dịch. Về phía cầu, tiêu dùng chỉ tăng ở mức 3,01% (so với mức tăng cả năm 2022 là 7,18%), phản ánh thu nhập cũng như niềm tin tiêu dùng còn đang ở mức độ thấp. Trong khi đó, tổng vốn đầu tư xã hội cũng chỉ tăng 3,7% (so với mức tăng cả năm 2022 là 11,2%), chủ yếu do sự thu hẹp của đầu tư khu vực tư nhân và khu vực FDI.

Về phía cung, đóng góp chính vào kinh tế "ảm đạm" là từ khu vực công nghiệp. Cụ thể, ngành này quý I/2023 đã giảm 0,82% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2023. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thường là động lực tăng trưởng chính của ngành công nghiệp thì quý I đã giảm 0,37%.

Như vậy có thể nói, những yếu tố bất lợi vẫn đang ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh tế, như bất ổn kinh tế vĩ mô thế giới; sức ép lạm phát khiến chi tiêu người tiêu dùng bị ảnh hưởng; lãi suất tăng cao, giá năng lượng và chi phí đầu vào gia tăng ảnh hưởng đến doanh nghiệp và động lực đầu tư trong nước.

Nguồn: Tổng cục Thống kê
Nguồn: Tổng cục Thống kê

PV: Có ý kiến cho rằng, khó khăn, thách thức của nền kinh tế thế giới còn tiếp tục ảnh hưởng đến Việt Nam. Do vậy, tăng trưởng GDP quý II/2023 vẫn khó có thể đạt được kỳ vọng. Ông nhìn nhận thế nào về ý kiến này?

GS.TS Tô Trung Thành: Khó khăn từ kinh tế thế giới còn rất lớn và sẽ ảnh hưởng đến kinh tế quý II cũng như cả năm 2023. Tác động từ thế giới là sự suy giảm kinh tế thế giới nói chung, cộng với triển vọng ảm đạm từ các đối tác thương mại lớn như Mỹ và EU. Nguy cơ lạm phát cao toàn cầu vẫn còn dai dẳng.

Theo đó, các yếu tố tiêu cực ảnh hưởng đến tăng trưởng quý II gồm có: Suy giảm trong cầu hàng hóa dịch vụ thế giới ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu. Chính sách tiền tệ vẫn được thắt chặt trên diện rộng tại các ngân hàng trung ương lớn của thế giới và môi trường lãi suất cao dẫn đến các điều kiện tài chính không thuận lợi. Lạm phát thế giới vẫn ở mức cao tác động đến lạm phát và ổn định vĩ mô trong nước.

Ở trong nước, vấn đề lãi suất và đi kèm là tín dụng, tỷ giá vẫn sẽ là điểm nghẽn, là thách thức lớn đối với nền kinh tế. Trong bối cảnh phải hỗ trợ nền kinh tế hồi phục hoàn toàn sau đại dịch Covid-19, nhưng lãi suất vẫn sẽ gặp nhiều sức ép từ lạm phát có xu hướng gia tăng, từ cả mức lạm phát cơ bản cũng như từ chi phí đẩy do giá hàng hóa thế giới tăng cao. Fed và ngân hàng trung ương các nước sẽ tiếp tục duy trì thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất do lo ngại lạm phát vẫn diễn biến phức tạp, gây sức ép đến lãi suất trong nước; giá trị đồng USD tiếp tục xu hướng gia tăng khiến mức lãi suất trong nước phải gánh thêm trách nhiệm duy trì tỷ giá ổn định… Theo đó, dư địa chính sách tiền tệ bị thu hẹp, khả năng tăng nhanh tín dụng và giảm nhanh lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng là khó khăn.

Đảm bảo chính sách lành mạnh tài chính

GS.TS Tô Trung Thành cho rằng, để đảm bảo chính sách lành mạnh tài chính, đối với hệ thống ngân hàng cần kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng “nóng” ở các thị trường tài sản. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước kiểm soát cung tiền vào thị trường bất động sản và nắn dòng tiền của khu vực ngân hàng vào khu vực nền kinh tế thực, lĩnh vực lan tỏa bằng các biện pháp kiểm soát tín dụng vào bất động sản có chọn lọc; kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng đối với hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh chứng khoán, lĩnh vực bất động sản.

Đối với thị trường chứng khoán, rà soát tổng thể các quy định tại Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn nhằm khắc phục những bất cập, vướng mắc; từ đó khôi phục niềm tin và đảm bảo sự phát triển lành mạnh, minh bạch và bền vững của thị trường chứng khoán; cần xử lý ngay vấn đề trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn, tránh vỡ nợ dây chuyền…

PV: Để tiếp tục thúc đẩy quá trình phục hồi và phát triển kinh tế năm 2023 theo đúng mục tiêu đã đề ra, theo ông, cần những giải pháp trọng tâm nào?

GS.TS Tô Trung Thành: Theo tôi, trước tiên, chính sách tài khóa hỗ trợ nền kinh tế trong giai đoạn tới cần chi tiêu đúng trọng tâm, tiết kiệm, hỗ trợ các đối tượng thực sự cần thiết. Cần có những giải pháp cả về ngắn hạn và dài hạn để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.

Tiếp đến là chính sách tiền tệ và tỷ giá. Việt Nam cần lựa chọn ưu tiên chính sách tiền tệ độc lập là mục tiêu quan trọng nhất. Trong dài hạn, khi theo đuổi chính sách lạm phát mục tiêu; thị trường tài chính đã lành mạnh và có cơ chế giám sát rủi ro hữu hiệu, thực hiện lộ trình tự do hóa tài khoản vốn; đồng nghĩa với việc Ngân hàng Nhà nước cần chuyển sang cơ chế quản lý tỷ giá linh hoạt hơn.

Tuy nhiên, trong ngắn hạn khi khó có thể thả nổi tỷ giá, việc điều hành tỷ giá cần được cân nhắc kỹ lưỡng, bám sát diễn biến quan hệ cung - cầu ngoại tệ trên thị trường, tránh những cú sốc trong bối cảnh các nền tảng vĩ mô chưa thực sự ổn định. Vì thế, cần lựa chọn một mô hình “trung dung”, chấp nhận ổn định tỷ giá ở một mức độ nhất định, gia tăng mạnh dự trữ ngoại hối đi kèm với các biện pháp trung hòa có hiệu lực mạnh và chấp nhận được các chi phí phát sinh và mấu chốt là phải lựa chọn cách thức kiểm soát vốn hiệu quả. Trong bối cảnh các giao dịch về vốn đang được tự do hóa theo thông lệ và cam kết hội nhập, thì có những khu vực có thể kiểm soát chặt chẽ hơn, ví dụ kiểm soát nợ nước ngoài.

Trong năm 2023, Ngân hàng Nhà nước cần áp dụng công cụ hạn mức tín dụng một cách linh hoạt hơn, cần có tỷ lệ phân bổ theo chất lượng hoạt động của các ngân hàng thương mại. Có thể cân nhắc dừng gói hỗ trợ lãi suất 2% qua hệ thống ngân hàng thương mại (trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội), chuyển nguồn lực sang gói hỗ trợ khác.

PV: Xin cảm ơn ông!

Đầu tư công là nguồn lực quan trọng để hồi phục và tăng trưởng

Theo GS.TS Tô Trung Thành, tổng đầu tư xã hội quý I chỉ tăng 3,7% so với cùng kỳ và đóng góp chính là đầu tư khu vực nhà nước (tăng 11,5%), trong khi đầu tư khu vực tư nhân và đầu tư FDI đều bị thu hẹp. Với mô hình tăng trưởng của Việt Nam hiện nay vẫn dựa chủ yếu vào đầu tư và tín dụng, khi nguồn lực đầu tư khác đang gặp khó khăn và thu hẹp do những tác động nặng nề và dai dẳng từ đại dịch, thì vai trò của đầu tư công đặc biệt quan trọng. Đây là một trong những nguồn lực quan trọng để hồi phục và tăng trưởng trong giai đoạn hiện nay.

Bên cạnh đầu tư công, các động lực kinh tế của quý II và cả năm 2023 có thể kể đến là: Sau khó khăn quý I, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng khoảng 25% GDP, với sự hỗ trợ của khu vực FDI, trong các quý sau sẽ duy trì được mức tăng trưởng chỉ số sản xuất tốt, đóng góp lớn vào tăng trưởng. Ngoài ra, các ngành dịch vụ, du lịch và lưu trú khôi phục trở lại với lượng khách quốc tế cao hơn đến từ nới lỏng các biện pháp phong tỏa ở nhiều nước, đặc biệt là từ Trung Quốc. Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sẽ được thực hiện trong năm cuối cùng với những dự án, kế hoạch đã được lên từ năm 2022 sẽ hỗ trợ cho sự hồi phục của nền kinh tế.