Nhất quán mục tiêu phát triển xanh
Tại buổi tập huấn nâng cao nhận thức và thúc đẩy hành động thích ứng với xu hướng chuyển đổi xanh, giảm phát thải (trong khuôn khổ Diễn đàn Khởi nghiệp đồng bằng sông Cửu Long lần II - năm 2024, với chủ đề “Kinh tế xanh - Động lực mới cho phát triển”) do UBND tỉnh Đồng Tháp phối hợp với các bên liên quan tổ chức (ngày 26/9/2024), ông Trần Trí Quang – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, thời gian qua tỉnh Đồng Tháp đã nhất quán mục tiêu phát triển kinh tế số và phát triển xanh. Đây không phải nhiệm vụ của riêng một ngành, một địa phương nào, mà phải là sự chung tay, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các sở, ban, ngành và địa phương.
Thời gian qua tỉnh Đồng Tháp đã nhất quán mục tiêu phát triển kinh tế số và phát triển xanh. Ảnh minh họa. |
Chuyển đổi xanh là quá trình xây dựng nền kinh tế trong đó mức phát thải từ thấp đến rất thấp, đạt được thông qua việc phát triển văn minh, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, hướng đến giảm tình trạng suy giảm hệ sinh thái và tác động xấu đến môi trường từ con người. Những nội dung trong buổi tập huấn có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm cung cấp kiến thức, nâng cao nhận thức và thúc đẩy hành động, từ đó nắm bắt được các xu thế chuyển dịch trong nước, quốc tế về phát triển kinh tế xanh; nhận diện cơ hội, thách thức, giải pháp để thúc đẩy các hướng đi mới địa phương, thích ứng với xu hướng phát triển của thế giới.
Chuyển đổi xanh đang là xu hướng và mục tiêu thiên niên kỷ của toàn thế giới, đây cũng là một trong những giải pháp gồm nhiều hạng mục như chuyển dịch năng lượng xanh, công nghiệp xanh, năng lượng bền vững và kinh tế tuần hoàn, … được toàn cầu hướng đến để giảm thiểu tác động của con người đối với môi trường. |
Tại chương trình, thông tin tổng quan về chính sách, thực tiễn quốc tế, trong nước gắn với mục tiêu chuyển đổi xanh, bền vững, theo bà Phạm Thị Ngọc Thủy - Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), Viện Kinh tế và kinh doanh quốc tế, chuyển đổi xanh đang trở thành “một cuộc đua” ở cấp độ toàn cầu. Chính phủ Việt Nam đã có nhiều cam kết quốc tế về chuyển đổi xanh như: Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu, Nghị định thư Kyoto, Thỏa thuận Paris; tại COP 26 Việt Nam cùng gần 150 quốc gia đã cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050; cùng với hơn 100 quốc gia tham gia cam kết giảm phát thải mêtan toàn cầu vào năm 2030; ... .
Cùng với đó, Chính phủ đã ban hành nhiều quyết định, nghị định về chiến lược chuyển đổi xanh, biến đổi khí hậu trong nhiều lĩnh vực để hiện thực hóa, triển khai cam kết. Các bộ, ban, ngành đã xây dựng chiến lược và chương trình hành động cụ thể; ban hành văn bản hướng dẫn kiểm kê khí nhà kính, trong đó tại Đồng Tháp có 4 doanh nghiệp thuộc ngành Công thương phải kiểm kê khí nhà kính - bà Phạm Thị Ngọc Thủy thông tin.
Cần có những nỗ lực mang tính hệ thống, chiến lược
Cũng tại chương trình, thông tin về yêu cầu pháp lý mới gắn với mục tiêu giảm phát thải, chuyển đổi xanh, chuyên gia về biến đổi khí hậu và kiểm kê khí nhà kính Nguyễn Minh Huệ cho hay, các sản phẩm được chứng nhận thân thiện với môi trường thường không chỉ có giá trị cao hơn, mang lại lợi nhuận lớn hơn cho doanh nghiệp mà đó là sự gia tăng niềm tin từ người tiêu dùng và đối tác, gia tăng giá trị thương hiệu khi doanh nghiệp cam kết phát triển bền vững.
Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên chia sẻ thông tin tại chương trình. Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Đồng Tháp. |
Theo chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên, trong bối cảnh, xu hướng hiện nay, chuyển đổi xanh cần phải hành động quyết liệt của cả xã hội, trong đó doanh nghiệp là lực lượng chủ lực, chính quyền với vai trò tổ chức, định hướng, tạo điều kiện quan trọng ban đầu. Chuyển đổi xanh là một trong những thách thức “sinh tử”, nếu không làm tốt sẽ bị loại ra khỏi “cuộc chơi” kinh tế toàn cầu. |
Còn chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên cho biết, đối với tỉnh Đồng Tháp, những năm gần đây, địa phương quan tâm phát triển kinh tế xanh, bền vững, dựa trên lợi thế, đặc điểm, nền tảng nông nghiệp. Với đà tiếp cận đó, định hướng phát triển xanh của tỉnh Đồng Tháp là khá rõ ràng, bộc lộ được quyết tâm hành động và đưa lại những kết quả ban đầu. Tuy nhiên địa phương cần có những nỗ lực mang tính hệ thống, chiến lược, lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa.
Ngoài ra, để triển khai chiến lược tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, vấn đề tài chính xanh cũng được các chuyên gia tại chương trình nhận định là hướng đi cần thiết, trong đó yếu tố tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm (đối với nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng) trong thực hiện chủ trương, pháp luật, chính sách, nhận diện cơ hội và thách thức về tài chính xanh là rất quan trọng.