Không loại trừ những yếu tố rủi ro tác động đến giá cả
Theo dự báo của giới chuyên gia, giá cả thị trường hàng hóa thế giới năm 2025 tiếp tục có xu hướng giảm, trong tầm kiểm soát. Chính sách quản lý, điều tiết của Chính phủ các nền kinh tế lớn có tác động đến biến động giá hàng hóa chiến lược, thiết yếu như: việc Ông Donald Trump tái đắc cử tác động phân cực lên thị trường hàng hóa. Thị trường tài chính đã đặt cược vào chiến thắng của cựu Tổng thống Donald Trump và kỳ vọng ông sẽ thực thi những chính sách có lợi cho nền kinh tế Mỹ.
|
Chính những kỳ vọng này đã kéo dòng tiền chảy mạnh vào thị trường tài chính nói chung và thị trường hàng hóa phái sinh nói riêng, trong đó nổi bật nhất phải kể đến nhóm nguyên liệu công nghiệp. Điều chỉnh chính sách của chính quyền Tổng thống D.Trump hướng đến mục tiêu giảm thâm hụt thương mại, chuyển dịch cơ cấu chuỗi cung ứng nguyên vật liệu sản xuất… sẽ chi phối trực tiếp đến giá cả thị trường hàng hóa thế giới.
Ngoài ra, yếu tố bất ổn chính trị, quân sự tại một số khu vực trên thế giới như xung đột quân sự Nga-Ucraina, Trung Đông, Biển Đỏ… làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, gây xu hướng phân tách về kinh tế, chuyển dịch cơ cấu nguồn cung năng lượng, tăng giá nguyên liệu đầu vào… Xu hướng gia tăng bảo hộ sản xuất/thương mại, kiểm soát nguồn gốc, xuất sứ hàng hóa nhập khẩu, tiềm ẩn nguy cơ một số nước lợi dụng để thao túng giá cả hàng hóa chiến lược, cũng là những yếu tố ảnh hưởng tới giá cả trên thị trường thế giới.
Đối với Việt Nam, giá cả thị trường hàng hóa năm 2025 dự báo sẽ có diễn biến song song với thế giới. Trong năm 2025 nền kinh tế thế giới được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tiếp tục tăng trưởng ổn định ở mức 3,2%, còn Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo giá các hàng hóa đầu vào sẽ giảm nhẹ.
Mặc dù vậy, nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu do tình trạng lãi suất cao kéo dài vẫn chưa thể loại bỏ. Ngoài ra, khả năng đồng USD tăng giá do tăng trưởng yếu tại EU, Trung Quốc và Nhật Bản vẫn hiện hữu. Đây là những rủi ro không nhỏ đối với việc đạt được các mục tiêu tăng trưởng và lạm phát của Việt Nam trong thời gian tới.
Chuẩn bị tốt phương án điều hành các mặt hàng Nhà nước định giá
Trong bối cảnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chú trọng công tác ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2025, tạo tiền đề duy trì ổn định giá hàng hóa chiến lược thiết yếu trong nước.
Theo đó, giá lương thực, thực phẩm trong nước dự báo được kiểm soát ở mức tăng từ 3-5% do nhu cầu tiêu dùng trong nước tăng. Giá các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, thủy hải sản và nông sản... tiếp tục duy trì đà tăng giá do tình trạng thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu đầu vào tại các nước khác trên thế giới.
![]() |
Giá các mặt hàng xăng dầu, khí đốt... trong nước tiếp tục chịu ảnh hưởng của giá thế giới. |
Ngoài ra, chính sách kích thích tiêu dùng tại các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, Châu Âu... sau giai đoạn thắt chặt tiền tệ; giá các mặt hàng năng lượng như xăng dầu, khí đốt... tiếp tục chịu ảnh hưởng của giá thế giới; nhu cầu kim loại công nghiệp tại các thị trường lớn giảm, điều đó thúc đẩy xu hướng chuyển dịch cơ cấu phát triển sản xuất dựa trên năng lượng tái tạo, là những yếu tố tác động tới giá cả thị trường.
Bên cạnh đó, theo dự báo, xung đột quân sự và bất ổn địa chính trị; tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, thời tiết cực đoan đe dọa ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi trong nước, gây tăng giá cục bộ một số mặt hàng thiết yếu.
Từ những đánh giá tình hình sơ bộ trên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo điều hành giá đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động chuẩn bị tốt phương án điều hành giá các mặt hàng Nhà nước định giá, đánh giá kỹ tác động để thực hiện điều chỉnh theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định mức độ, thời điểm điều chỉnh phù hợp với diễn biến, mặt bằng giá thị trường, đảm bảo hài hòa lợi ích của người tiêu dùng, nhà nước và doanh nghiệp.
Đồng thời, tăng cường theo dõi diễn biến cung cầu, phân tích, dự báo xu hướng, biến động giá cả thị trường hàng hóa thế giới. Chú trọng theo dõi sát diễn biến kinh tế và lạm phát thế giới tác động đến Việt Nam để có những giải pháp ứng phó phù hợp, sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ, biện pháp điều tiết giá theo quy định của pháp luật về giá.
Việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ, cũng hết sức quan trọng, góp phần bình ổn thị trường.
Trong điều hành, Chính phủ đã yêu cầu giảm mặt bằng lãi suất cho vay, giảm thuế giá trị gia tăng đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ chiến lược, thiết yếu; thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu; miễn, giảm, gia hạn thuế, phí sử dụng đất...; ổn định thị trường ngoại hối. Ngoài ra, thúc đẩy đổi mới mô hình kinh doanh số, liên kết vùng để chủ động phòng ngừa, kịp thời ứng phó với biến đổi khí hậu và nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu, nghiên cứu tìm hiểu kỹ các hiệp định thương mại tự do FTA như CPTPP, EVFTA, RCEP... để giảm thiểu ảnh hưởng của biến động giá cả thị trường thế giới lên thị trường trong nước.
Đồng thời, tiếp tục chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền, công khai minh bạch, trung thực, đầy đủ thông tin về giá để kiểm soát lạm phát kỳ vọng; hạn chế những thông tin thất thiệt gây hoang mang dư luận ảnh hưởng tới người tiêu dùng, gây bất ổn thị trường./.
Chống đầu cơ, nâng giá bất hợp lý mùa cao điểm Theo các chuyên gia kinh tế, thời gian tới cần tăng cường giám sát thị trường, chống đầu cơ, tích trữ và nâng giá bất hợp lý trong mùa cao điểm tiêu dùng. Tăng cường triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá; tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục những điểm còn hạn chế, bất cập, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. |